Thêm 12.300 lượng vàng được đấu thầu thành công
Ngày 16/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã đấu thầu thành công 123 lô tương đương 12.300 lượng vàng với tổng số thành viên trúng thầu là 11 thành viên.
Theo đó, giá trúng thầu cao nhất là 88.92 triệu đồng/lượng, giá trúng thầu thấp nhất là 88.89 triệu đồng/lượng.
Trước đó, ngày 15/5 Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tổ chức đấu thầu tổng khối lượng vàng miếng là 16.800 lượng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 87,5 triệu đồng/lượng.
Tại lần đấu thầu này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, khối lượng đấu thầu tối thiểu là 5 lô, tương đương 500 lượng. Ngoài ra, khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thấu là 40 lô (4.000 lượng).
Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện chủ trương đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, từ ngày 19/4/2024 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 06 phiên đấu thầu bán vàng miếng ra thị trường. Để tổ chức đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo đúng quy định của pháp luật về hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước và quy định pháp luật liên quan. Ngân hàng Nhà nước thực hiện công bố rộng rãi các thông tin liên quan đến việc đấu thầu, kết quả đấu thầu vàng miếng trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước.
Loại vàng miếng đấu thầu là vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất, hình thức đấu thầu là đấu thầu theo giá. Ngân hàng Nhà nước thông báo giá sàn bán vàng miếng, các thành viên tham gia đấu thầu căn cứ các nội dung trong thông báo đấu thầu bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để tiến hành đặt thầu theo giá.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 phiên đấu thầu bán vàng miếng SJC tăng cung ra thị trường có 3 phiên đấu thầu thành công với tổng khối lượng trúng thầu là 14.900 lượng, 3 phiên còn lại không thành công do không có đủ số lượng thành viên đặt cọc và bỏ thầu.Theo Ngân hàng Nhà nước, dù sau nhiều năm chưa tổ chức đấu thầu, nhưng nhờ việc chuẩn bị kỹ lưỡng, các phiên đấu thầu bán vàng miếng vừa qua đã diễn ra đúng trình tự, quy định, thông suốt và an toàn.
Để phù hợp với tình hình thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hợp lý khối lượng vàng miếng tối thiểu, tối đa các thành viên được phép đặt thầu.
"Nhờ vậy, kết quả tại các phiên sau số lượng đơn vị trúng thầu nhiều hơn phiên trước, theo đúng mục tiêu tăng cung thêm vàng miếng ra thị trường", Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Cũng liên quan đến thị trường vàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo thực hiện tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cụ thể Chính phủ đã có Nghị quyết số 20/NQ-CP ngày 05/02/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 về việc tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng; tuy nhiên thời gian vừa qua thị trường vàng vẫn diễn biến phức tạp, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế và liên tục có nhiều biến động mạnh, ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn thị trường tài chính và tâm lý xã hội.
Để đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống buôn lậu, kinh doanh trái phép vàng, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tập trung chỉ đạo thực hiện những nội dung .
Thứ nhất, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cơ quan hải quan các cấp chủ động, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, quản lý thị trường; đẩy mạnh kiểm tra, điều tra, tổ chức đấu tranh kịp thời ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trên bộ, trên biển và các địa điểm khác thuộc địa bàn hoạt động hải quan, trong đó tập trung đấu tranh đối với các chuyên án buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng vàng, ngoại tệ; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới.
Thứ hai, Tổng cục Thuế chỉ đạo các Cục Thuế chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh kiểm tra việc chấp hành quy định áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp, cửa hàng, địa điểm kinh doanh vàng; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định đối với các vi phạm về thuế, hóa đơn; chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an xử lý vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Thứ ba, Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ Bộ Tài chính đã giao tại công văn số 4579/BTC-VP ngày 04/05/2024 về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa, nhằm góp phần quản lý tốt hoạt động xuất, nhập khẩu và kinh doanh vàng. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời báo cáo về Bộ Tài chính để có ý kiến chỉ đạo.
Trong ngày 14/5, Lãnh đạo Chính phủ đã có buổi họp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành liên quan về công tác quản lý thị trường vàng. Đại diện các đơn vị thống nhất là vàng miếng là loại sản phẩm đặc biệt, vừa có tính chất hàng hóa, vừa có tính chất tiền tệ. Nhu cầu mua bán, trao đổi vàng miếng của người dân là chính đáng.
Đáng chú ý, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cử cán bộ tham gia Đoàn kiểm tra liên ngành. Trong tuần này Ngân hàng Nhà nước phải công bố quyết định thanh tra hoạt động kinh doanh vàng.
Các giải pháp cũng đã được đề xuất để tăng cung vàng miếng, "hạ nhiệt thị trường" trong đó có vấn đề giá chào sàn phù hợp để tổ chức thành công các phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân….
Về lâu dài, cần phải sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, chuyển sang quản lý vàng miếng là vàng chất lượng 9999, còn vàng trang sức thì coi là hàng hóa bình thường.