Bệnh trầm cảm gia tăng ở người trẻ
Trong các rối loạn liên quan đến sức khỏe tâm thần, phổ biến nhất là bệnh trầm cảm. Điều đáng nói, nhóm người mắc căn bệnh này ngày càng trẻ hóa và tập trung nhiều ở tuổi thanh, thiếu niên.
Cách đây hơn 20 năm, trung bình mỗi ngày, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) chỉ khám vài ca bệnh. Song, hiện nay, mỗi ngày, tại đây khám cho khoảng 400 - 500 bệnh nhân, chủ yếu mắc bệnh trầm cảm, lo âu. Trong đó, có nhiều người ở độ tuổi thanh, thiếu niên.
Một trường hợp gần đây Viện Sức khỏe tâm thần tiếp nhận là nam bệnh nhân làm kinh doanh. Từ năm 2021, anh gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Áp lực khiến người đàn ông nhiều đêm thức trắng, giảm cân, suy nghĩ tiêu cực. Dù vợ khuyên đi khám tâm lý nhưng anh từ chối và cho rằng mình ổn.
Vài tháng sau, người vợ bất ngờ phát hiện lá thư tuyệt mệnh anh gõ dở trên máy tính. Lập tức, chị cùng gia đình gây sức ép đưa anh đến Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
BSCKII Nguyễn Thị Ái Vân - Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, biểu hiện bằng cảm xúc buồn, mất quan tâm thích thú, giảm năng lượng, cảm giác tội lỗi hoặc đánh giá thấp bản thân, rối loạn giấc ngủ và ăn uống, kém tập trung. Bệnh kéo dài và tái diễn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng của người bệnh.
Ước tính, có hơn 300 triệu người trên thế giới mắc rối loạn trầm cảm. Điều đó khiến trầm cảm được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là yếu tố đơn độc lớn nhất góp phần gây ra tàn tật chung. 85% bệnh nhân ở trong độ tuổi từ 13 - 18 tuổi. Tuổi khởi phát rối loạn trung bình là 18. “Tuy nhiên, tỷ lệ người mắc bệnh trên 15 tuổi ngày càng tăng. Với những bệnh lớn tuổi hoặc dưới 11 tuổi tại thời điểm khởi phát rối loạn có tiên lượng tồi tệ hơn” - BS Vân nhấn mạnh.
Theo WHO, trầm cảm là nguyên nhân thứ 3 của gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới trong năm 2004 và sẽ chuyển sang vị trí dẫn đầu vào năm 2030. Tỷ lệ tử vong được tiêu chuẩn hóa do tự sát ở bệnh nhân trầm cảm tái diễn là 20,9 ở nam và 27 ở nữ. Tức là các bệnh nhân nam và nữ mắc trầm cảm có nguy cơ tự sát hoàn thành cao gấp 20,9 và 27 lần so với quần thể dân số chung.
Nguy cơ tử vong sau nhồi máu cơ tim ở các bệnh nhân trầm cảm cũng cao hơn và liên quan đến mức độ trầm cảm. Rối loạn trầm cảm cũng liên quan đến giảm năng suất công việc và tăng nguy cơ nghỉ việc. Từ đó, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trầm cảm gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự bền vững trong tình cảm gia đình, dẫn đến ly thân hoặc ly hôn.
Đặc biệt, ngày càng nhiều người ở lứa tuổi rất trẻ tự sát vì trầm cảm. TS.BS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị các rối loạn liên quan đến stress - Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, có đến 80% bệnh nhân trầm cảm không được điều trị đúng chuyên khoa. Do đó, cần phát hiện sớm triệu chứng bệnh, đi khám đúng chuyên khoa, tránh dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Có 8 dấu hiệu của trầm cảm cần chú ý, bao gồm: Nét mặt trầm buồn, chán nản, cảm thấy cô độc, lẻ loi; Mất thích thú trong cuộc sống; Đi đứng chậm, cảm giác nặng nề, mệt mỏi, như không còn sức khỏe làm việc, làm nhẹ cũng mau mệt, thấy mọi người, con cháu vui chơi cũng không quan tâm…
Người trầm cảm cũng có biểu hiện ăn ít, không ngon, nhạt miệng. Trằn trọc khó ru ngủ, thức dậy sớm, thèm ngủ mà không ngủ được, đôi khi ngủ được mà thúc đẩy không khỏe. Đầu óc khó tập trung, do dự không “quyết” được, không đối phó được. Hay than nhức đầu, mỏi cổ, mỏi gáy, hồi hộp ép ngực, xoa bóp tay chân vì nhức mỏi, khám bác sĩ đa khoa hay tự mua thuốc uống không hết.
Một số dấu hiệu khác bao gồm: Có cảm giác lo lắng vô cớ, ám ảnh bệnh tật vô lý, có từng cơn sợ sệt nhưng lại dễ giận; Giao tiếp miễn cưỡng, né tránh lời thăm hỏi, gắng gượng làm hết việc, đãng trí, cảm thấy bế tắc; Tự nghĩ chán đời như có lỗi với người thân, gia đình, thua kém người khác, trở nên vô dụng...