Chuyển đổi số: Giúp nông dân bán nông sản ngay tại vườn
Chuyển đổi số đã góp phần đưa “chợ” về vườn, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng… Nhờ đó đã giúp gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân.
Hơn 2 triệu hộ sản xuất được đào tạo kỹ năng số
Việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản đã giúp tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Chuyển đổi số mạnh mẽ nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, các mặt hàng nông sản, thậm chí kể cả những sản vật được xem là “quà quê” đặc trưng của từng địa phương cũng phát triển mở rộng trên không gian mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), đã có trên 600 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia sàn giao dịch sanocop.vn kết nối tiêu thụ xuất khẩu tới các thị trường quốc tế. Đến nay, đã có hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam được chào bán trên những sàn thương mại điện tử có uy tín và đạt doanh số bán hàng khá cao.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến hết tháng 4/2024 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.
Ghi nhận những giá trị mà chuyển đổi số mang lại, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp (DN) thủy sản giảm chi phí từ 7-25%. Từ yêu cầu của khách hàng, đơn vị chứng nhận các tiêu chuẩn... nếu DN ứng dụng số thì khi thực hiện các việc này sẽ giảm bớt khó khăn đi rất nhiều.
Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng chia sẻ, thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ, hay sắp tới là Quy định chống mất rừng (EUDR) của châu Âu (EU), công nghệ số sẽ giúp ngành chứng minh điều đó.
Khi Việt Nam là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới, hàng hóa Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều cuộc điều tra về thuế, gỗ hợp pháp.... Nếu DN ứng dụng số, chuyển đổi số sớm trong vận hành sản xuất, quản lý DN thì sẽ vượt qua được các "hàng rào" của các thị trường.
Chuyển đổi số là tất yếu
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, song theo đánh giá, công cuộc số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp còn gặp không ít rào cản và thách thức, như tỷ trọng kinh tế số trong ngành nông nghiệp còn thấp nhiều so với mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2025 là 10%. Thực tế phản ánh từ các địa phương cho biết, ngành nông nghiệp là một trong những ngành có nhiều dữ liệu nhất, nhưng tỉ lệ thu thập còn ít; chuyển đổi số còn mới mẻ với cả người đứng đầu các địa phương và đặc biệt là người nông dân. Trong khi đó, hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc của các nước nhập khẩu.
Đề cập khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, đại diện Bộ NNPTNT cho biết, hiện tại chưa có các quy định riêng về dữ liệu ở mức Luật, các quy định về dữ liệu còn lồng trong các văn bản, quy định hướng dẫn về ứng dụng công nghệ thông tin. Dữ liệu của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ còn rời rạc, cục bộ, khép kín trong phạm vi của đơn vị. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc bộ chưa chủ động, tự nguyện mở dữ liệu để khai thác, sử dụng do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải là điều gì đó xa xôi, khó khăn mà ai cũng có thể tiếp cận được, thực hiện được. Chuyển đổi số, số hóa trong nông nghiệp giúp giải quyết vấn đề ly nông, ly hương. Khi đó, người dân có thể không làm nông nghiệp nữa, nhưng trên mảnh đất quê hương, họ vẫn có những công cụ mới để làm giàu. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân đã không còn cần di chuyển về các thành phố lớn nữa mà vẫn tìm ra con đường riêng cho mình. Phát triển dựa trên công nghệ là hướng phát triển bền vững, phát triển xanh tại Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ NNPTNT đã tích cực làm việc với các bộ, ngành để đưa các ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp như: công nghệ viễn thám, cổng truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng số, nhận diện, tháo gỡ các tồn tại, vướng mắc trong chính sách hợp tác phát triển nghiên cứu, ứng dụng... Hay giới thiệu, trao đổi về các yêu cầu, quy chuẩn mới, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội, kết nối tiêu thụ nông sản. “Chuyển đổi số đến với bà con nông dân cần các giải pháp đa dạng, đa kênh, đa tương tác, giới thiệu các nền tảng số, các kênh thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội để kết nối tiêu thụ nông sản. Chuyển đổi số sẽ giúp “đưa chợ về vườn”, đưa thị trường về đến tận ao cá, vườn cây, thửa ruộng”- Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.