Chuyên gia khuyến nghị bỏ độc quyền vàng miếng
Một số chuyên gia nêu quan điểm nên bỏ độc quyền vàng miếng tại buổi tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định” do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 17/5.
Từ cuối năm 2023, giá vàng liên tục lập đỉnh mới. Vàng miếng SJC còn đạt mức giá lịch sử 92,4 triệu đồng vào ngày 10/5 vừa qua. Chênh lệch với giá thế giới cũng neo ở mức cao, có thời điểm tới 20 triệu đồng một lượng.
Theo các chuyên gia đến từ VEPR và Think Future Consultancy, chênh lệch giá này "không hoàn toàn phản ánh cân đối cung - cầu". Do đó, việc giảm mức chênh này không chỉ dựa vào nhập khẩu vàng. "Hành động này sẽ lãng phí các nguồn lực dự trữ không cần thiết", nhóm chuyên gia bình luận.
Trong bối cảnh này, các biện pháp hành chính như thanh tra thị trường, yêu cầu sử dụng hóa đơn điện tử, điều tra hành vi thao túng giá... là các biện pháp "không tốn dự trữ ngoại hối nhưng có thể mang tới hiệu quả cao tức thì". Ngoài ra, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng giúp ngăn các loại bong bóng tài sản, gồm vàng.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, người sáng lập Think Future Consultancy, nói giá vàng miếng SJC tăng "điên cuồng" bởi tâm lý đầu cơ của người dân.
Ông Hùng Linh dẫn chứng: “Nếu như năm 2022 chúng ta thấy bong bóng tài sản ở lĩnh vực chứng khoán và bất động sản khi người nội trợ cũng mở tài khoản chứng khoán, rồi chứng khoán và bất động sản tăng nóng nhưng sau đó đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023 mọi người đầu tư chứng khoán và bất động sản đua nhau cắt lỗ. Còn năm nay thì sao, giá nhà chung cư đang ở nền rất cao, và rõ ràng nhất là bong bóng giá vàng. Nền lãi suất thấp là yếu tố dễ hình thành các yếu tố bong bóng, yếu tố đầu cơ cao đẩy giá vàng tăng vọt. Giá vàng tăng, mọi người nhao đi mua vàng. Có nhiều người bản thân họ không có kinh nghiệm phân tích giá vàng ra sao những vẫn đi mua".
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Tổng giám đốc AFA Capital nói ủng hộ quan điểm không duy trì độc quyền vàng miếng SJC. Đến thời điểm này cần phải có sàn giao dịch vàng vật chất tức là có kho ngoại quan, có trung tâm lưu ký giao dịch.
Ông Tuấn phân tích thêm, nếu coi vàng SJC là sản phẩm tiền đặc biệt thì Ngân hàng Trung ương sẽ phải kiểm soát nguồn cung vàng trong ngắn hạn. Song về dài hạn, phải nhìn vàng miếng như kênh đầu tư, cần quản lý triệt để thông qua nguồn cung và thuế, phí.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng độc quyền vàng miếng SJC cũng khiến tình trạng khan vàng SJC trở nên căng thẳng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, ngoài đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC, bỏ độc quyền nhập khẩu và xuất khẩu vàng nguyên liệu, cho phép doanh nghiệp được nhập khẩu vàng nguyên liệu theo hạn ngạch. Nhà nước có thể quản lý vàng nhập khẩu thông qua chính sách thuế.
Tại cuộc họp báo thường kỳ về kinh tế, xã hội TP HCM, Tổng giám đốc SJC Lê Thúy Hằng đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, nói doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này.
Theo lời bà Hằng, năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia, vì họ chiếm gần 97% giao dịch trên thị trường. Cũng trong năm này, Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về hoạt động kinh doanh vàng ra đời để kiểm soát nguồn cung, chống "vàng hóa" nền kinh tế.
Theo nghị định này, SJC không được nhập, dập vàng miếng. Toàn bộ khuôn dập được giao về Ngân hàng Nhà nước quản lý. Công ty này chỉ được dập lại vàng móp.
"Độc quyền vàng miếng không mang lại lợi ích cho SJC, thậm chí doanh nghiệp còn bị mang tiếng trục lợi", bà Hằng nói và rằng dù giá chênh lệch 15-20 triệu hay hơn nữa công ty cũng không được lợi.