Chủ động phối hợp với các địa phương trong giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách
Đó là khẳng định của Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực VIII Đặng Thế Bình trong cuộc trả lời phóng vấn của báo chí vừa qua.
Phát hiện những lỗ hổng về cơ chế, chính sách, sự thiếu đồng bộ
Ông Bình cho biết, KTNN khu vực VIIIđược giao phụ trách kiểm toán 4 tỉnh: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Yên; phần lớn điều kiện kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, phát triển không đồng đều, quy mô ngân sách nhỏ, thiên tai khắc nghiệt, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức rõ vai trò của mình, thời gian qua, công tác xây dựng KHKT trung hạn, hằng năm của đơn vị được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khoa học và đồng bộ. Các đầu mối, chủ đề được lựa chọn đều trên cơ sở phân tích kỹ thông tin và đánh giá các rủi ro của nền kinh tế, hoạt động của từng đơn vị được kiểm toán; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tài chính - tiền tệ liên quan đến niên độ được kiểm toán và những vấn đề đang được Quốc hội, Chính phủ, dư luận xã hội quan tâm như: Quy hoạch và cấp phép xây dựng; quản lý và sử dụng đất đai; quản lý tài nguyên khoáng sản; nhà ở xã hội; chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, đặc thù của Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên là các tỉnh ven biển miền Trung, đang tập trung ưu tiên phát triển kinh tế biển, du lịch biển. Tỉnh Lâm Đồng có khí hậu mát mẻ quanh năm là điểm du lịch được yêu thích. Cả 4 địa phương đều có ngành du lịch đang trong quá trình phát triển mạnh mẽ trở lại sau Covid-19. Thời gian tới, đơn vị định hướng thực hiện các cuộc kiểm toán gắn với đặc thù địa phương như: Quản lý và bảo vệ rừng; quản lý đất đai; kiểm toán môi trường (đặc biệt là bảo vệ môi trường biển); quy hoạch và xây dựng đô thị; quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp…
Theo ông Bình, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán những năm qua cho thấy, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, đơn vị đã phát hiện những lỗ hổng về cơ chế, chính sách, sự thiếu đồng bộ giữa các quy định từ trung ương đến địa phương, từ đó kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách; giúp các địa phương nhận thức đúng và trúng hơn trong việc chấp hành quy định pháp luật, đảm bảo tài chính công, tài sản công được quản lý ngày càng tiết kiệm, hiệu quả hơn.
Thời gian tới, để có thể đưa ra những kiến nghị về cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các địa phương, đơn vị đặt ra các nhiệm vụ:
Phát hiện và đưa ra kiến nghị khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, sai sót trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch và cấp phép xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản… giúp công tác quản lý tài chính công, tài sản công của các địa phương đi vào nền nếp, nâng cao tính tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả.
Nghiên cứu chính sách pháp luật của Nhà nước, văn bản đặc thù của địa phương nhằm phát hiện những vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế, chính sách có liên quan đang gây cản trở hoạt động cũng như việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương; kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ hoặc ban hành mới các quy định, chính sách có liên quan, giúp hoạt động quản lý tài chính, ngân sách cũng như việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương được tốt hơn.
Xem xét các văn bản kiến nghị, giải trình hoặc giải thích về vướng mắc trong thực hiện kiến nghị kiểm toán của các địa phương, đơn vị; kịp thời hướng dẫn hoặc kiến nghị Lãnh đạo KTNN xử lý, đảm bảo tuân thủ pháp luật, phù hợp thực tiễn địa phương, nâng cao tính khả thi trong thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Phối hợp với địa phương để tăng cường giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách
Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh để tăng cường kiểm tra, giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, đảm bảo hiệu quả, minh bạch trong quản lý ngân sách, tài chính công, tài sản công. Cụ thể:
Một là, cho ý kiến về dự toán NSNN để HĐND tỉnh xem xét phê chuẩn. Thông qua kết quả kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP), báo cáo quyết toán (BCQT) NSĐP hằng năm tại địa phương, với tư cách cơ quan chuyên môn sâu về tài chính, ngân sách, đơn vị đã đóng góp nhiều ý kiến vào việc xây dựng dự toán NSNN của các địa phương.
Hai là, cung cấp báo cáo kiểm toán BCQT NSĐP đảm bảo thông tin quan trọng, độ tin cậy cao, kịp thời gian trước khi HĐND tỉnh tổ chức họp thảo luận, thông qua và phê chuẩn quyết toán NSĐP; trong đó đặc biệt là các số liệu về chi chuyển nguồn ngân sách các cấp, kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương và nguồn cải cách tiền lương… có ảnh hưởng đến số liệu quyết toán chi ngân sách.
Ba là, thông qua kiểm toán NSĐP, BCQT NSĐP, kiểm toán chuyên đề, dự án đầu tư, đơn vị cũng chỉ ra những hạn chế trong việc chấp hành các quy định trong quản lý, điều hành NSNN của địa phương, việc quản lý tài chính công, tài sản công để kiến nghị HĐND các cấp lưu ý trong hoạt động giám sát, thẩm tra.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, thẩm tra, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục chủ động, tích cực hơn nữa trong phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp như:
Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu HĐND các cấp, kết hợp tuyên truyền, phổ biến về Luật KTNN, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN, quy trình kiểm toán, quy chế hoạt động của đoàn kiểm toán để nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành ở địa phương về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN.
Tham khảo ý kiến của Thường trực HĐND trong xây dựng KHKT hằng năm, trung hạn; thông báo KHKT hằng năm đến Thường trực HĐND; xem xét, quyết định việc thực hiện kiểm toán theo đề nghị của Thường trực HĐND, nhất là những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề bức xúc xã hội đang quan tâm…
Phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND tỉnh trong thực hiện kiểm toán và thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán trong các khâu: Trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan; mời đại diện Thường trực HĐND tham gia họp triển khai và kết luận kiểm toán; gửi báo cáo kiểm toán cho Thường trực HĐND tỉnh để sử dụng trong quá trình xem xét, quyết định dự toán và phân bổ NSĐP, phê chuẩn quyết toán NSĐP; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và giám sát, chỉ đạo việc thực hiện kết luận và kiến nghị của KTNN.