Tháo gỡ bất cập trong quản lý sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ
Qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (KHCN) giai đoạn 2020-2022 Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát hiện nhiều tồn tại, bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ.
Cơ chế, chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ
Qua kiểm toán Chuyên đề này, KTNN nhận thấy cơ chế, chính sách còn bất cập, thiếu đồng bộ, một số văn bản chậm sửa đổi hoặc ban hành. Đến thời điểm kiểm toán năm 2022, vẫn chưa có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân đề xuất ý tưởng khoa học, nhiệm vụ KHCN; Bộ KHCN chưa xây dựng kế hoạch hành động Chiến lược ngành KHCN. Cơ chế, chính sách phát triển thị trường KHCN chưa quy định đấu giá tài sản là kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức nghiên cứu công sở hữu các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Việc chưa có quy định về khung số lượng các nhiệm vụ KHCN và tổng mức kinh phí của từng Chương trình cấp quốc gia dẫn đến tình trạng số lượng, kinh phí của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tăng lên qua các năm; việc phân bổ kinh phí sự nghiệp KHCN cho các nhiệm vụ còn dàn trải, giao nhiều lần trong năm phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ KHCN.
Cùng với đó, Thông tư số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC của liên Bộ Tài chính - KHCN về thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng còn vướng mắc, chỉ triển khai đối với nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản tài trợ thông qua Quỹ Phát triển KHCN, còn các lĩnh vực khác chưa áp dụng được. Nghị định số 70/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN có nhiều vướng mắc và khó triển khai thực hiện. Toàn bộ tài sản được mua sắm, tài sản hình thành từ kết quả nghiên cứu trên cả nước giai đoạn 2020-2022 chưa được theo dõi, quản lý đầy đủ và không có phương án xử lý do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Theo báo cáo của Bộ KHCN, có 7.915 tài sản nguyên giá 594,6 tỷ đồng chưa được xử lý đối với các đề tài và nhiệm vụ cấp quốc gia.
Điểm nghẽn trong hoạt động chuyển giao, ứng dụng, phát triển thị trường KHCN là số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ chậm được xử lý, còn tồn lớn, kéo dài qua nhiều năm. Số còn tồn đến thời điểm ngày 31/12/2022 là 70.942 đơn, quá hạn từ 1-5 năm, làm giảm hiệu quả kinh tế cho cá nhân, gây thiệt hại cho tổ chức đăng ký sở hữu công nghiệp.
Đồng thời, nội dung quy định tại Nghị định còn bất cập, như: Chưa quy định về xử lý tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KHCN sử dụng vốn nhà nước chưa đủ điều kiện ghi nhận là tài sản cố định; quy định quyền đăng ký sáng chế, thiết kế, kiểu dáng công nghiệp và quy định về đăng ký quyền đối với giống cây trồng nhưng đến nay đã được điều chỉnh cụ thể theo Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) năm 2022; chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền, quy trình giao không bồi hoàn tài sản trang bị thuộc nhiệm vụ KHCN được ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ không quá 30% tổng số vốn; chưa có quy định việc giao quyền cho các đơn vị đặt hàng không thuộc tổ chức chủ trì hoặc giao quyền đối với tài sản là kết quả từ 2 đơn vị thực hiện trở lên để đảm bảo sau khi đề tài kết thúc sử dụng có hiệu quả tối ưu…
Hiện cả nước đang khai thác sử dụng 16 phòng thí nghiệm trọng điểm. Tuy nhiên, công tác báo cáo định kỳ, hoạt động kiểm tra, giám sát chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế hoạt động chưa phù hợp, đa số tài sản đã hết hao mòn. Cơ quan KHCN chưa phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ xem xét quyết định khả năng tiếp tục mở rộng, hỗ trợ đầu tư hoặc cơ cấu lại tổ chức và hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án “Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm” được phê duyệt tại Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 07/9/2000.
Các Quỹ hoạt động chưa phát huy vai trò
Qua kiểm toán, KTNN cũng phát hiện, cơ chế hoạt động của các Quỹ thuộc lĩnh vực KHCN còn một số bất cập dẫn đến chưa thực sự phát huy vai trò của các Quỹ. Đơn cử, đối với Quỹ Phát triển KHCN Quốc gia được Chính phủ quy định theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, việc lập và giao dự toán cho Quỹ đang thực hiện không theo cơ chế đặc thù, mà áp dụng lập dự toán theo hướng dẫn chung của Bộ KHCN hằng năm, quy định như đối với nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở và hướng dẫn xây dựng dự toán hằng năm của Bộ Tài chính.
Hay với Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN của Bộ KHCN chưa quy định cụ thể về thủ tục doanh nghiệp nộp hồ sơ gửi đến Quỹ để được hỗ trợ. Ngoài ra, Nghị định số 23/2014/NĐ-CP quy định “Quỹ tài trợ thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và tương đương (có ý nghĩa tầm quốc gia hoặc liên ngành, vùng) do tổ chức, cá nhân đề xuất”, “thực hiện quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế”. Với các nguyên tắc này, theo báo cáo của Quỹ, rất khó để các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu và đảm bảo đủ điều kiện đầu vào theo yêu cầu.
Còn với Quỹ Phát triển KHCN tại các địa phương, trong quá trình thực hiện không lập kế hoạch hoạt động trung và dài hạn, không xây dựng dự toán hằng năm, chưa thực hiện theo dõi các khoản tạm ứng, phải trả cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ KHCN được tài trợ; có Quỹ Phát triển KHCN địa phương từ năm 2020 đến nay không hoạt động; tiến độ giải ngân, thu hồi vốn vay của một số Quỹ chậm; có Quỹ chưa trích lập dự phòng rủi ro...
Nhiều kiến nghị quan trọng
Từ thực trạng những bất cập nêu trên, để nâng cao tính tuân thủ pháp luật, đồng thời nhằm tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế. chính sách về KHCN, bên cạnh những kiến nghị xử lý tài chính; cảnh báo tình trạng sử dụng chưa hiệu quả nguồn lực công, KTNN đã đưa ra những kiến nghị cụ thể:
Thứ nhất, Bộ KHCN cần rà soát các quy định tại Luật KHCN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KHCN để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất; phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định số 70/NĐ-CP; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo thẩm quyền để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển KHCN. Ngoài ra, Bộ KHCN cần kịp thời triển khai thực hiện Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo, cũng như các Chương trình KHCN quốc gia. Đẩy nhanh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KHCN, tổng kết đánh giá hiệu quả, cơ chế hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm để có phương án sắp xếp phù hợp nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực NSNN, thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.
Thứ hai, KTNN kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ KHCN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tổng kết, đánh giá việc sử dụng kinh phí NSNN đã đầu tư cho phát triển KHCN; Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế “bố trí kinh phí cho KHCN từ 2% trở lên trong tổng chi NSNN hằng năm”; đẩy nhanh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KHCN dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí, phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực NSNN, thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo.