Nan giải bài toán hễ mưa là ngập
Dù chỉ mới bắt đầu mùa mưa, thế nhưng nhiều điểm ngập mới đã phát sinh tại TP Thủ Đức và một số quận, huyện ở TPHCM. Ngoài nguyên nhân do mưa lớn thì còn do nhiều công trình chống ngập thi công ì ạch.
Nhiều “điểm đen” ngập úng
Là địa phương ngập nặng nhất tại TPHCM vào thời điểm đầu mùa mưa, TP Thủ Đức ghi nhận khoảng 15 “điểm đen” ngập nặng vào chiều các ngày từ 14-17/5. Điển hình là tại khu vực chợ Thủ Đức (giao cắt giữa các đường Võ Văn Ngân, Trương Văn Cam, Nguyễn Thị Rành…) ngập hơn nửa mét các ngày 15-16/5. Tương tự, Trung tâm Phát triển Quản lý hạ tầng TP Thủ Đức ghi nhận từ trạm đo lượng mưa ở đường Dương Văn Cam (ngày 15/5) ở mức 122,8mm, trong khi tại trạm Phú Hữu là 74mm, Nguyễn Xiển 41,6 mm. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Thủ Đức có khoảng 15 điểm ngập nặng ngay đầu mùa mưa, tại các khu vực đường giao thông huyết mạch trên địa bàn như: Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, mức độ ngập 0,15m); Nguyễn Duy Trinh (có đoạn ngập sâu 0,2m, dài khoảng 200m), Lê Văn Việt (dài 960m, ngập 0,3m), Lã Xuân Oai (khu vực ngập dài 150m, ngập sâu 0,3m). Đây đều là các “điểm đen” ngập úng của TP Thủ Đức vào mỗi mùa mưa, nhưng cũng chưa có giải pháp triệt để để thoát nước nhanh chóng, đảm bảo hoạt động giao thông và đi lại của người dân.
Tuy nhiên, không riêng gì TP Thủ Đức, đầu mùa mưa năm nay cũng đã ghi nhận tình trạng ngập úng tại nhiều khu vực quận, huyện vùng trũng của TPHCM. Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM ghi nhận lượng mưa cao tại các đường Dương Quảng Hàm (87,9mm, thuộc quận Gò Vấp); khu vực Bình Triệu (0,74mm, thuộc quận Bình Thạnh). Ngoài ra còn có các điểm ngập cục bộ hoặc điểm ngập tức thời do mưa lớn kết hợp triều cường cũng khiến các tuyến đường lớn bị ngập nước, như Phan Huy Ích, Lê Văn Thọ, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp); Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Trường Sơn, Phan Văn Hớn, quốc lộ 22 (quận Tân Bình, quận 12, huyện Hóc Môn).
Do tình trạng ngập úng, nhiều tuyến đường huyết mạch của TPHCM đã bị “thất thủ” do kẹt xe, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Anh Trần Văn Phương, kỹ sư công ty TNHH Thanh Long thường xuyên phải di chuyển từ trung tâm quận 3 về TP Thủ Đức vào đúng cao điểm mưa lớn, cho biết: “Rút kinh nghiệm các năm trước, tôi thường di chuyển vào sau giờ tan tầm để tránh kẹt xe tại các tuyến đường ngập nặng như Lương Định Của, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định để về nhà. Dù vậy, có vẻ như tình trạng ngập năm nay nặng hơn mọi năm, với các điểm ngập cục bộ. Riêng tuyến đường tôi thường xuyên di chuyển (đường Nguyễn Duy Trinh) đã phát sinh 2 điểm ngập cục bộ sau mưa lớn”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Biểu, làm việc tại Công ty TNHH Bhomes tại huyện Nhà Bè (TPHCM) cũng cho biết, việc di chuyển bằng ô tô vào mùa mưa rất bất lợi vì phải “bơi” trong nước. Đối với các phương tiện xe hơi gầm thấp thì việc chết máy giữa đường thường xuyên là vấn đề đối với các tài xế. Cũng theo ông Biểu, khu vực đường Nguyễn Văn Linh (giao cắt với Nguyễn Hữu Thọ) dù đã được cải tạo nhiều năm nhưng vẫn còn ngập nước do mưa lớn kết hợp triều cường và dự báo sẽ còn tình trạng này kéo dài suốt mùa mưa năm nay.
Vừa xây vừa chống ngập
Ông Lý Thanh Long - Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện thành phố còn 18 điểm ngập do mưa và triều cường (hầu hết thuộc các đường trục chính). Vẫn tồn tại các “điểm đen” ngập úng trên các tuyến đường Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung (quận Gò Vấp), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1 (quận Bình Tân), Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức), Bạch Đằng (quận Bình Thạnh)…
Thủ Đức vốn là khu vực vùng trũng của TPHCM, do có nhiều sông ngòi và kênh rạch. Cơn mưa lớn đầu mùa, đỉnh điểm vào chiều tối 15/5 đã gây ngập khu vực chợ Thủ Đức và một số điểm ngập khác. Cơn mưa cũng làm các cống thoát nước bung, mặt đường bị vỡ. Thực tế thì khu vực chợ Thủ Đức là vùng trũng, thường xuất hiện những dòng chảy siết, gây ngập mỗi khi mưa lớn. Hiện nay, TP Thủ Đức đã đưa ra phương án xây dựng 5 công trình lớn trong khu vực này, trong đó có dự án hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân; hệ thống thoát nước đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân; dự án mở rộng rạch Cầu Ngang; dự án mở rộng rạch Thủ Đức; dự án điều tiết triều cường TP Thủ Đức. Tuy nhiên, mới có một dự án hoàn thiện là hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân. Do đó, về tổng thể, khu vực vẫn còn tình trạng ngập khi mưa lớn, triều cường cho đến khi các công trình hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng.
Không chỉ riêng TP Thủ Đức, nhiều công trình chống ngập của TPHCM đang còn thi công dang dở cũng là một phần nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng chưa thể giải quyết được căn cơ khi mùa mưa đã chính thức bắt đầu. Nhức nhối nhất là công trình Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 có nguy cơ tăng vốn từ gần 10.000 tỷ đồng lên 14.398 tỷ đồng do chậm tiến độ. Dù vậy, thời điểm tái khởi động siêu dự án chống ngập này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp và vượt khỏi tầm quyết định của TPHCM.