Giáo dục

Xét tuyển đại học bằng học bạ: Vẫn lo chất lượng đầu vào

Thu Hương 18/05/2024 17:28

Mức điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ là 15-16 điểm/tổ hợp 3 môn của một số trường đại học trong mùa tuyển sinh năm 2024 một lần nữa đặt ra những nghi ngại về chất lượng đầu vào trong đào tạo bậc đại học hiện nay.

anh-cv.jpg
Đã có nhiều trường đại học công bố điểm trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT năm 2024. Ảnh: Quang Vinh.

Tính đến thời điểm này đã có hơn 20 trường đại học (ĐH) công bố điểm trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ THPT đợt 1 năm 2024.

5-6 điểm/môn đã đỗ đại học

Theo đó, Học viện Hàng không lấy điểm chuẩn là 18 đối với một số ngành như: Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông, Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa. Mức này là tổng điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển ở lớp 10, 11 và học kỳ I lớp 12 hoặc cả năm lớp 12, cùng điểm ưu tiên. Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển bằng học bạ đợt đầu tiên dao động từ 19-25,5 điểm tùy ngành, tùy tổ hợp xét tuyển.

Trường ĐH Công nghệ giao thông vận tải công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm theo phương thức xét tuyển học bạ kết hợp đợt 1 năm 2024 cho 45 ngành/chương trình đào tạo với mức điểm dao động từ 18-26. Trong đó, mức điểm 18 là các ngành/chương trình đào tạo tại Vĩnh Phúc như Kế toán doanh nghiệp, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật xây dựng cầu đường bộ, Công nghệ kỹ thuật ô tô. Mức điểm này là tổng điểm tổng trung bình cộng của 3 học kỳ (học kỳ 1 lớp 11, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển, cộng điểm ưu tiên, điểm quy đổi, tính theo thang 30. Như vậy, với những thí sinh có thêm điểm ưu tiên và điểm quy đổi, mức điểm trung bình học bạ mỗi môn có thể dưới 6 điểm. Trong khi đó, năm 2023, trường lấy điểm chuẩn ở phương thức này là 20-29 điểm.

Cũng có mức điểm trúng tuyển 18 điểm là 33/36 ngành đào tạo hệ đại học chính quy của Trường ĐH Đại Nam, một số ngành học của Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, Trường ĐH Văn Hiến, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn… Tùy từng trường, điểm chuẩn là điểm trung bình 3 môn trong tổ hợp xét tuyển của 2 đến 5 học kỳ ở bậc THPT.

Đáng chú ý, Trường ĐH Gia Định đưa ra mức điểm cho toàn bộ 49 ngành/chuyên ngành đều là 16,5. Như vậy, bình quân với 5,5 điểm/môn, thí sinh đã có thể trúng tuyển ĐH này.

anhbaitren(1).jpg
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội trong lễ tốt nghiệp tháng 5/2024. Ảnh: NTCC.

Phương án an toàn với nhiều thí sinh

Nguyễn Việt Long (học sinh lớp 12 Tin Trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam) cho biết, với lợi thế là học sinh trường THPT chuyên kết hợp với kết quả học bạ THPT, em đã có kết quả trúng tuyển vào 2 trường ĐH mơ ước. Ngoài ra, em cũng sở hữu chứng chỉ IELTS 7.0 nên có cơ hội tuyển thẳng vào một số trường ĐH khác.

“Em vẫn đăng ký tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để thử sức. Việc quyết định chọn trường nào để theo học em vẫn còn nhiều thời gian để tìm hiểu và nghiên cứu, trước mắt em sẽ phấn đấu ôn tập thật tốt để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT” - Long chia sẻ.

Trong mùa tuyển sinh 2024, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy có 20 phương thức xét tuyển ĐH, trong đó có 10 phương thức xét tuyển kết hợp. Trước đó, ở mùa tuyển sinh năm 2023 cũng có 20 phương thức xét tuyển ĐH được công bố. Tuy nhiên năm 2024, một số phương thức đã có chút thay đổi. Chẳng hạn năm 2023, mã phương thức 408 là "chỉ sử dụng chứng chỉ quốc tế để xét tuyển thì năm 2024 đổi thành "kết hợp chứng chỉ quốc tế với các tiêu chí khác", hay mã phương thức 412 là "qua phỏng vấn" thì năm 2024 đổi thành "kết hợp phỏng vấn với tiêu chí khác"… Trong đó, xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT vẫn là một trong những phương án được nhiều trường sử dụng và đông đảo thí sinh lựa chọn vì sự nhanh gọn, thuận lợi.

So với năm 2023, mức điểm trúng tuyển sớm bằng học bạ của các trường không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù có lấy điểm chuẩn thấp đến đâu, những trường ĐH có mức xét tuyển thấp cũng không chắc chắn sẽ tuyển đủ chỉ tiêu, bởi vấn đề không nằm ở chỗ điểm chuẩn là bao nhiêu mà ở chỗ số thí sinh đăng ký xét tuyển nhiều hay ít.

Trước đó, năm 2019, Bộ GDĐT quy định phương thức xét tuyển bằng học bạ phải có mức điểm sàn là từ 6,0 trở lên cho từng môn học trong tổ hợp xét tuyển hoặc điểm trung bình chung các môn học dùng để xét tuyển. Riêng với các khối ngành đặc thù như Sư phạm và Khoa học sức khỏe có cấp giấy chứng nhận hành nghề, Bộ GDĐT quy định mức điểm sàn xét tuyển chung 18-21 điểm tùy từng ngành. Tuy nhiên, sau đó Bộ GDĐT đã giao các trường ĐH tự quy định mức điểm sàn xét tuyển của trường dẫn đến mức điểm chuẩn đặt ra của một số trường thấp bởi số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không nhiều.

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), mặc dù đây là tự chủ tuyển sinh của mỗi trường nhưng khi điểm chuẩn bằng học bạ thấp, đặt ra một số vấn đề. Đó là gây khó khăn cho chủ trương phân luồng sau THPT. Theo Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50-55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Như vậy, khi các trường ĐH lấy điểm chuẩn thấp sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường cao đẳng, trung cấp… Thậm chí là các trường ĐH địa phương cũng sẽ rất khó tuyển đủ chỉ tiêu vì xu hướng học sinh muốn học ĐH tại các thành phố lớn. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ cũng là một bài toán khó khi người học không mặn mà với hệ cao đẳng, trung cấp mà chọn học ĐH.

Tuyển sinh bằng học bạ giúp giảm áp lực thi cử nhưng khi các trường lấy điểm chuẩn học bạ thấp cũng đặt ra vấn đề về chất lượng đầu vào liệu có đảm bảo? Thực tế, năm 2024, một số trường ĐH đã bỏ phương án xét tuyển bằng kết quả học bạ ở bậc THPT như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân… Trường ĐH Y Hà Nội cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ do lo ngại chất lượng đầu vào, cụ thể chất lượng dạy học, đánh giá của các trường THPT khác nhau, ở các địa phương khác nhau; thậm chí mặt bằng về giáo viên, cơ sở vật chất khác nhau nên mức đánh giá trong học bạ không tương đương nhau.

Giải pháp đảm bảo chất lượng

Từ phía nhà trường, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Công nghiệp TPHCM) nhận định, kết quả xét tuyển bằng học bạ vẫn có độ tin cậy nhất định. Qua so sánh điểm học tập của sinh viên trúng tuyển năm 2021, ông Nhân cho biết năng lực học tập của những em trúng tuyển bằng học bạ tương đương nhóm dùng điểm thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch - Trưởng ban Quản lý đào tạo (Học viện Tài chính) cho rằng, ở bậc THPT, qua mỗi bài kiểm tra, học sinh đã tự kiểm soát lẫn nhau. Năng lực của một học sinh trong lớp như thế nào, các em trong lớp đó đều nắm được. Như vậy khó có tình huống giáo viên nâng điểm cho học sinh. Vì vậy ông Thạch tin tưởng vào kết quả học bạ và chất lượng của phương thức tuyển sinh này.

Trên thực tế, trong số hơn 100 trường xét tuyển bằng học bạ THPT, có cả những trường "hot" như Trường ĐH Ngoại Thương, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Luật TPHCM... đều đặt thêm tiêu chí phụ khi sử dụng phương án này. Trong khi đó, phần lớn các trường còn lại chỉ sử dụng điểm 4-6 học kỳ, có trường chỉ sử dụng điểm 2-3 học kỳ bậc THPT.

Dẫu vậy, để đảm bảo chất lượng đầu vào, ông Khuyến cho rằng, trong điều kiện hiện nay, tiêu chí chính để xét tuyển ĐH vẫn nên dựa vào kỳ thi mang tính quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt - đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ có thể là một tiêu chí phụ để tiếp tục chọn lọc cùng với những tiêu chí phụ khác.

Về lâu dài, cần có hệ thống kiểm định chặt chẽ trong khâu đánh giá chất lượng ở bậc THPT để điểm số của học sinh là thực chất, hạn chế tối đa tình trạng “chạy điểm”, “làm đẹp" học bạ.

Siết đào tạo bằng kiểm định chất lượng

box-12.jpg

Theo GS.TS Phạm Tất Dong - Cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, ngoại trừ ngành Y dược, Sư phạm, Bộ GDĐT đã quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ở các phương thức xét tuyển bằng học bạ và kết quả thi tốt nghiệp THPT, còn các ngành khác, tùy trường quy định mức điểm chuẩn tuyển sinh của từng phương thức. Học sinh được trao cơ hội bình đẳng vào ĐH ở cả khối trường công và tư nhưng khi rộng cửa vào ĐH thì cần có bài toán chất lượng đặt ra cho các nhà quản lý. Giải pháp đó là tăng cường kiểm định chất lượng đào tạo, yêu cầu chuẩn đầu ra chặt chẽ của từng trường, tránh tình trạng vào dễ, ra cũng dễ sẽ biến học ĐH thành… học đại. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và xã hội về tấm bằng ĐH và tư vấn, định hướng phù hợp cho con em mình về lựa chọn sau khi tốt nghiệp THPT.

Thu Hương