Băn khoăn nguồn gốc xuất xứ vàng
Kinh doanh vàng không đảm bảo đúng nguồn gốc sẽ bị phạt hành chính, thâm chí là tịch thu và đình chỉ kinh doanh. Đó là thông tin được cảnh báo cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn TPHCM tại hội nghị phổ biến, hướng dẫn một số quy định kinh doanh vàng, diễn ra ngày 17/5.
Đại diện một doanh nghiệp (DN) vàng thắc mắc: “Trước đây, DN tôi có hợp đồng gia công với một xưởng khác nhưng qua thơi gian di dời đã làm thất lạc giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Tôi cần làm gì để chứng minh nguồn gốc những sản phẩm đó vì hiện xưởng đó đã nghỉ chế tác”.
Nhiều đơn vị kinh doanh vàng cho biết, hiện mua vàng tại các DN bán sỉ chỉ xuất được hóa đơn gia công. Họ muốn được hướng dẫn để có chứng từ đầu vào hợp lý khi mua hàng từ các đơn vị này.
Ông Võ Hương Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và thông kê, Sở Khoa học Công nghệ TPHCM khẳng định, giả nhãn hiệu là xâm phạm vào tài sản của đơn vị khác. Nhãn hiệu được bảo hộ là phải nhìn thấy được, phân biệt được hàng của DN này với DN khác. “Xâm phạm nhãn hiệu có hai hình thức, một là làm y chang thì gọi là hàng giả hoặc làm giống giống, na ná gọi là hàng nhái. Hàng giả, hàng nhái có thể bị phạt bởi nhiều hành vi chứ không chỉ là một hành vi. Nếu là hàng giả, hàng nhái thì đa phần là xử lý biện pháp hành chính là chính, hoặc tịch thu, thậm chí là đình chỉ kinh doanh. Riêng việc xử lý hình sự hay không tùy thuộc quy mô, lợi nhuận thu lời bất chính nhiều hay ít” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra các cửa hàng vàng theo đúng trình tự thủ tục theo quy định. Khi phát hiện các hành vi vi phạm thì sẽ được ngăn chặn kịp thời và bị xử lý nghiêm. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định.
Tính đến ngày 14/5, Cục Quản lý thị trường TPHCM đã kịp thời phát hiện, kiểm tra đối với 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn và đã tạm giữ 719 đơn vị sản phẩm các mặt hàng là nhẫn, dây chuyền, lắc đeo tay, mặt dây chuyền... không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ (một số mặt hàng có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu) để thử nghiệm xác định trọng lượng, hàm lượng vàng với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ đồng. Các vụ việc hiện đang được tiếp tục xác minh, làm rõ để xử lý theo quy định. Kết quả xử lý, đã xử phạt 21 vụ với số tiền là 1,28 tỷ đồng và tịch thu toàn bộ hàng hóa vi phạm. Cục Quản lý thị trường TPHCM cũng cho biết, cơ quan quản lý thị trường thành phố chỉ đạo các đội quản lý thị trường thực hiện nghiêm biện pháp nghiệp vụ giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng. Qua đó, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các hành vi buôn lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu...
Liên quan đến nguồn gốc xuất xứ sản phẩm vàng, ông Nguyễn Hữu Thanh - đại diện Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng khẳng định, xuất xứ là quy định bắt buộc về nhãn hàng hóa. Nghĩa là đơn vị kinh doanh vàng phải ghi nhãn vì sản phẩm có lưu hành. Theo đó, cần thông tin rõ tên đơn vị, địa chỉ, ký hiệu, hàm lượng vàng... Ông Trần Văn Chân - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TPHCM cho rằng, các DN kinh doanh vàng đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế của thành phố, đồng thời bảo tồn phát huy giá trị ngành nghề. DN cần thực hiện đúng quy định về tem nhãn hàng hóa, đặc biệt là đối với sản phẩm trang sức nhỏ.