Văn hóa

Danh họa Tô Ngọc Vân: Một đời tài hoa, giản dị

ĐOÀN THỊ KIM DUNG 19/05/2024 09:16

Chiến dịch Điện Biên Phủ vừa kết thúc ít ngày thì họa sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh. Trước khi ngã xuống, họa sĩ Tô Ngọc Vân đã ký họa nhiều bức tranh ghi nhận những vẻ đẹp mới.

bai-buc-tranh-hai-thieu-nu-ok.jpg
Tác phẩm "Hai thiếu nữ và em bé" - Bảo vật quốc gia, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Dù hy sinh năm 48 tuổi, nhưng họa sĩ Tô Ngọc Vân đã sống một cuộc đời tài hoa, trung thực và giản dị. Tác phẩm của ông đã vươn tới cái đẹp đích thực của hội họa, đưa ông trở thành một trong tứ danh họa tài ba của nền mỹ thuật nước nhà.

Hy sinh khi đang vẽ nhật ký chiến trường

Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân hy sinh (1954-2024), 80 năm ra đời tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” (1944-2024) Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm nghệ thuật với chủ đề “Những kỷ niệm về họa sĩ, liệt sĩ Tô Ngọc Vân”.

Tại đây, một lần nữa những câu chuyện về họa sĩ Tô Ngọc Vân được kể lại, những kỷ niệm với ông được nhắc nhớ, và những đóng góp của họa sĩ Tô Ngọc Vân với mỹ thuật Việt Nam được tiếp tục ghi nhận…

Tô Ngọc Vân sinh tại Hà Nội trên phố Hàng Quạt vào ngày 15/12/1906. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Tô Ngọc Vân phải đi làm từ khi còn nhỏ. Vượt qua tuổi thơ khó khăn, bước vào tuổi trưởng thành, Tô Ngọc Vân vào học khóa II Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925-1931).

Con đường đến với hội họa của ông cũng như nhiều họa sĩ cùng thời là không dễ dàng. Tô Ngọc Vân đã gặp khó khăn trong việc tồn tại với tư cách là một họa sĩ và phải đi học vẽ cá nhân cũng như làm việc cho các tạp chí và báo như Nhân Loại, Phong Hóa, Ngày Nay và Thanh Nghị.

bai-vh-to-ngoc-van.jpg
Họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Ngay từ khi còn là sinh viên (năm 1930), Tô Ngọc Vân đã có 3 tác phẩm sơn dầu “Ánh mặt trời”, “Bụi chuối ngoài nắng” và “Trời dịu”, trưng bày tại triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Sài Gòn, cùng với các tác phẩm của sinh viên khóa I đã ra trường.

Có lẽ, dấu mốc đáng nhớ đầu tiên đó là năm 1931, Tô Ngọc Vân đoạt huy chương bạc tại cuộc triển lãm thuộc địa ở Paris cho bức tranh sơn dầu “Lá thư” (A letter). Sau đó, năm 1932, ông nhận được giải thưởng danh dự tại cuộc triển lãm của các họa sĩ Pháp.

Kể từ đây, Tô Ngọc Vân đi sâu vào con đường hội họa, và ông ngày một bộc lộ sự tài hoa của mình qua mỗi chặng đường sáng tác.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân được đánh giá là người có công đầu tiên trong việc sử dụng chất liệu sơn dầu ở Việt Nam. Ngay từ những năm học trong trường Mỹ thuật, ông đã sớm nghiên cứu kỹ thuật sử dụng chất liệu sơn dầu.

Ông từng tự sự “…ngay từ lúc đi học đã mơ xây dựng một nền hội họa Việt Nam có tính chất dân tộc, phản ứng lại sự lan tràn của hội họa Pháp sang ta và để giành một địa vị mỹ thuật trọng yếu cho dân tộc trên thế giới…”.

Thông qua kỹ thuật, Tô Ngọc Vân đã cố gắng diễn tả được vẻ đẹp duyên dáng của người Việt Nam đương thời mà tiêu biểu là chân dung thiếu nữ.

Những bức họa xuất sắc của Tô Ngọc Vân khiến ông có mặt trong bộ tứ danh họa hàng đầu Việt Nam “Trí - Vân - Lân - Cẩn” (Nguyễn Gia Trí - Tô Ngọc Vân - Nguyễn Tường Lân - Trần Văn Cẩn), nổi tiếng với những tác phẩm sơn dầu, sơn mài, lụa...

Nhưng họa sĩ Tô Ngọc Vân cũng là người tham gia cách mạng từ sớm. Năm 1946, ông tham gia Đội Tuyên truyền Việt Bắc, làm áp phích, khẩu hiệu trên tường. Tới năm 1948, họa sĩ Tô Ngọc Vân làm trưởng đoàn văn công kháng chiến ở Vĩnh Chánh, tỉnh An Giang. Sau đó ông trở thành giám đốc xưởng sơn mài và thành lập tờ báo văn học nghệ thuật, viết nhiều bài báo.

Năm 1950, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trung ương tại tỉnh Phú Thọ. Một năm sau, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân tham gia Chiến dịch Biên giới và giải phóng Lào Cai năm 1950. Tháng 4/1954, Tô Ngọc Vân được lệnh đi Điện Biên Phủ để vẽ ký họa về các hoạt động quân sự ở mặt trận, mô tả cuộc sống của binh lính và nhân dân Tây Bắc và Điện Biên Phủ.

Ngày 17/6/1954 ông hy sinh ở gần đèo Lũng Lô, khi đang thực hiện nhiệm vụ ký họa trực tiếp. Chiếc cặp vẽ mà ông mang theo bên mình đi chiến dịch có nhiều ký họa dọc đường, trong đó có bức ký họa chì Đèo Lũng Lô được vẽ ngày 15/6/1954. Đó có thể là bức tranh cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông.

Tháng 11 năm đó, những bức tranh của ông thực hiện vào thời điểm Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc.

Ký họa chiến trường của họa sĩ Tô Ngọc Vân là những tác phẩm giá trị, với ngôn ngữ thể loại như một bức tranh chứ không còn thuần túy là ghi chép. Dù ông vẽ chì, bút sắt, than, hay màu nước thì cũng nguyên vẹn rung cảm của người nghệ sĩ trước vẻ đẹp mới của người Việt trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ. Nhìn lại những bức ký họa chiến trường của danh họa Tô Ngọc Vân, tôi nghĩ rằng ông đã vẽ rất nhanh nhưng lại rất kĩ từng đường nét. Chính điều này càng thể hiện tài năng lớn của danh họa.

Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn

bai-ky-hoa.jpg
Tác phẩm “Nghỉ chân bên đồi" của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Một điển hình của người chiến sĩ - nghệ sĩ

Sau 70 năm ngày họa sĩ Tô Ngọc Vân ngã xuống gần chiến dịch Điện Biên Phủ, đến nay những tác phẩm của ông để lại vẫn được gìn giữ, được công chúng và gới mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao.

Tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé” ông sáng tác năm 1944 khi đang là giảng viên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013 (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), nhiều bức tranh và nhiều ký họa của ông có mặt trong các Bảo tàng lớn, các sưu tập tư nhân trong nước và quốc tế.

Về tác phẩm “Hai thiếu nữ và em bé”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến - Ủy viên Hội đồng phê bình Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết tác phẩm là hiện vật nguyên gốc và độc bản, được đánh giá cao, mang đậm giá trị về lịch sử, thẩm mỹ và văn hóa, đánh dấu giai đoạn mỹ thuật Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Đây là hiện chứng cho dòng chảy mỹ thuật đang hiện diện tại bảo tàng.

“Họa sĩ đã mang vào đó toàn bộ xúc cảm khi vẽ. Những đường cong, nét bút với những gam màu rất êm đềm mà không kém nổi bật. Thần thái thể hiện đặc sắc, mang đậm dấu ấn riêng trong bút pháp sơn dầu Tô Ngọc Vân”, bà Yến nói.

Đánh giá về sự nghiệp của họa sĩ Tô Ngọc Vân, các ý kiến đều chung nhận định, ông là một nhân cách lớn của nền hội họa Việt Nam, một nghệ sĩ bậc thầy, uyên bác về học thuật.

Cùng với họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, họa sĩ Tô Ngọc Vân là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngành Lý luận, phê bình mỹ thuật ở Việt Nam. Tô Ngọc Vân cũng là người tham gia trực tiếp đào tạo nhiều họa sĩ tài danh thuộc thế hệ đầu tiên của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo, các tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Tô Ngọc Vân như: “Thiếu nữ bên hoa huệ”, “Hai thiếu nữ và em bé”, “Buổi trưa”, “Thiếu nữ và hoa sen”… đã đi vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam, được sáng tác theo tuyên ngôn về nghệ thuật của ông. Đó là, hội họa là gỡ cái đẹp trong cử chỉ đẹp nhất, tươi nhất, có ý nghĩa nhất là tươi cuộc đời.

Tại sự kiện mới đây, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhấn mạnh cả cuộc đời họa sĩ Tô Ngọc Vân sống tài hoa, trung thực và giản dị. Tác phẩm của ông đã vươn tới cái đẹp đích thực của hội họa, đưa ông trở thành một trong tứ danh họa tài ba của nền mỹ thuật nước nhà.

“Họa sĩ Tô Ngọc Vân là danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam, một con người tài hoa, sớm đi theo kháng chiến và là điển hình của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Ông là họa sĩ đầu tiên hy sinh tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Những gì ông để lại là tài sản quý giá, những bài học chưa bao giờ cũ cho các thế hệ họa sĩ đến sau”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn xúc động chia sẻ, đồng thời cho rằng, bằng tài năng và xử lý đĩa màu rất nhuần nhị đậm hồn Việt, danh họa Tô Ngọc Vân đã “hóa thạch” vẻ đẹp của người phụ nữ Việt trong không gian yên bình có dàn hoa phù dung ngoài hiên. Ông "hóa thạch" vẻ đẹp của những thiếu nữ thị thành một thời, một vẻ đẹp muôn thuở chưa bao giờ cũ mà ngày nay rất khó tìm thấy.

Tô Ngọc Vân (1906-1954) là họa sĩ tiêu biểu của nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Ông được trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (1996) do Chủ tịch nước truy tặng với chùm tác phẩm: “Bác Hồ làm việc tại Bắc Bộ Phủ” - sơn dầu; “Hồ Chí Minh làm việc” - khắc gỗ; “Bộ đội nghỉ chân trên đồi” - sơn mài; “Xưởng quân giới” - sơn dầu; “Bộ tranh ký họa về nông dân cải cách ruộng đất”; “Bừa trên đồi” - bột màu; “Bộ tranh ký họa về bộ đội trong Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

ĐOÀN THỊ KIM DUNG