Giúp kiểm toán viên nắm vững kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý tài chính công, tài sản công
Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã hoàn thiện và ban hành Giáo trình Quản lý tài chính công, tài sản công.
Giáo trình này giúp kiểm toán viên nắm vững kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý tài chính công, tài sản công để vận dụng vào giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn về tài chính công, tài sản công cũng như hoạt động kiểm toán nguồn lực công.
Theo Quyết định số 884/QĐ-KTNN ngày 8/5/2024 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về việc ban hành Giáo trình Quản lý tài chính công, tài sản công, Giáo trình được xây dựng nhằm phục vụ công chức, viên chức mới được tuyển dụng vào KTNN tham gia khóa bồi dưỡng ngạch kiểm toán viên cấp độ I; các đối tượng khác cần bồi dưỡng, bổ trợ kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ tài chính công, tài sản công. Giáo trình giúp kiểm toán viên nắm vững kiến thức lý luận và nghiệp vụ quản lý tài chính công, tài sản công.
Đồng thời, kiểm toán viên có thể tự nghiên cứu, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý tài chính công, tài sản công và đề xuất ý tưởng, quan điểm, giải pháp hoàn thiện các quy định đó cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và yêu cầu đổi mới quản lý tài chính công, tài sản công của đất nước; chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu môn học, hình thành ý thức tôn trọng và có trách nhiệm đối với lợi ích công.
Giáo trình gồm 2 phần: Phần I - Quản lý tài chính công gồm 6 chương: Tổng quan về quản lý tài chính công; Quản lý ngân sách nhà nước (NSNN); Tổ chức cân đối NSNN và quản lý nợ công; Quản lý các quỹ tài chính công ngoài NSNN; Quản lý tài chính các đơn vị dự toán ngân sách; Quản lý phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phần II - Quản lý tài sản công gồm 5 chương: Tổng quan về quản lý tài sản công; Quản lý tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác; Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; Quản lý tài sản công tại doanh nghiệp; Quản lý nhà nước đối với tài sản là đất đai, tài nguyên.
Trước khi Giáo trình được ban hành, KTNN đã tổ chức thẩm định và cho ý kiến về từng nội dung trong Giáo trình. Trong quá trình soạn thảo Giáo trình, Ban biên soạn đã kế thừa tài liệu trước, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung, văn bản pháp luật liên quan và kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động kiểm toán.