Tinh hoa Việt

65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn: Viết tiếp những kỳ tích mới từ con đường huyền thoại

THƯ HOÀNG 20/05/2024 05:56

Sau Hiệp định Giơnevơ, đất nước bị chia cắt, liên lạc giữa hai miền hết sức khó khăn. Tuyến liên lạc duy nhất lúc đó là miền Tây Quảng Trị do Liên khu 5 phụ trách. Tuy nhiên, tuyến đường này không thể đáp ứng được yêu cầu chi viện lớn về nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam...

2(1).jpg
Những con đường vận chuyển chiến lược đi giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ảnh: TL.

Để giữ vững liên lạc, bảo đảm sự chỉ đạo kịp thời từ Trung ương Đảng cho phong trào cách mạng miền Nam, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 15 (tháng 1/1959) của Đảng đặt ra nhiệm vụ mở đường chi viện cho miền Nam “là một việc lớn, có ý nghĩa chiến lược, quan hệ trực tiếp đến sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.

Đoàn 559 được thành lập ngày 19/5/1959 được chọn là “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” triển khai các lực lượng công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của tuyến đường này.

Đầu tháng 6/1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó (nằm giữa một thung lũng ở tây nam Vĩnh Linh), sau đó vạch tuyến phát triển về hướng Tây Nam, điểm đặt trạm cuối cùng là Pa Lin, kế cận trạm tiếp nhận của Khu 5.

Ngày 13/8/1959 chuyến hàng đầu tiên chính thức vượt Trường Sơn. Sau 8 ngày đêm vượt qua bao đèo cao, sông sâu, suối dữ, và hệ thống đồn bốt chốt chặn của địch, ngày 20/8/1959, chuyến hàng đầu tiên được gùi bộ trên tuyến đường bàn giao cho Liên khu 5 tại Tà Riệp gồm 20 khẩu tiểu liên Tuyn, 20 khẩu súng trường Mát, 10 thùng đạn tiểu liên và đạn súng trường.

Số hàng hóa vận chuyển tuy còn khiêm tốn song đã làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ Khu 5, thể hiện quyết tâm của Đảng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của quân, dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Sau khi ổn định, bước đầu phát triển về tổ chức, lực lượng và vận chuyển những chuyến hàng đầu tiên thành công, ngày 12/9/1959, Bộ Quốc phòng ra quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Kết thúc năm 1959, Đoàn 559 đã chuyển được vào Khu 5 số hàng gồm 1.667 khẩu súng bộ binh, hàng trăm nghìn viên đạn và một số quân dụng thiết yếu khác, đưa 542 cán bộ, chiến sĩ vào làm nhiệm vụ ở miền Nam. Tuyến hành lang giao liên vận tải quân sự Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh được thiết lập, thật sự là cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường miền Nam.

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch.

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường sông, đường thông tin liên lạc...

Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy... được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của chiến trường.

Hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu...

Cùng với vận chuyển hàng quân sự, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tuyến giao thông vận tải Trường Sơn đã bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh.

Không chỉ là tuyến vận chuyển sức người và hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến, Trường Sơn còn có một vị trí chiến lược quan trọng như là “xương sống” ở bán đảo Đông Dương, là nơi “đứng chân” của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng, kỹ thuật; là vùng hậu phương trực tiếp của các chiến trường, là bàn đạp xuất kích đã được chuẩn bị sẵn cho các binh đoàn chủ lực tiến công ra các hướng chiến dịch, chiến lược quan trọng.

Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, góp phần to lớn làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, cuộc Tiến công chiến lược năm 1972, Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào.

Đặc biệt, từ năm 1973 đến năm 1975, Bộ đội Trường Sơn đã nỗ lực vượt bậc, ra sức xây dựng, tu sửa, nâng cao chất lượng cầu đường đáp ứng yêu cầu của thời cơ chiến lược mới trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của Bộ Tổng Tư lệnh, quán triệt phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Bộ đội Trường Sơn đã nhanh chóng tổ chức vận chuyển từng binh đoàn chủ lực lớn của quân đội ta, đưa một khối lượng cơ sở vật chất kỹ thuật lớn tới chiến trường miền Nam; luôn bám sát các mũi tiến công của bộ binh, vừa tháo gỡ bom mìn, vừa nhanh chóng sửa chữa, bắc lại cầu mới cho quân ta tiến vào giải phóng các thành phố, thị xã và giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Đường Hồ Chí Minh ra đời và phát triển, trước hết bắt nguồn từ nhu cầu của cách mạng Việt Nam. Trong quá trình đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh ra toàn Đông Dương, đường Trường Sơn đã không ngừng được củng cố, mở rộng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển cách mạng của ba nước Đông Dương.

Đường Hồ Chí Minh và hoạt động tác chiến, mở đường của Bộ đội Trường Sơn đã góp phần quan trọng cho sự phát triển nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam độc đáo, sáng tạo.

Đường Hồ Chí Minh nằm ở phía Tây đất nước, có vị trí quốc phòng và an ninh quan trọng, có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên, khoáng sản. Đây là một công trình to lớn, mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, là một công trình có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế.

Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) là dịp để chúng ta bày tỏ lòng thành kính tri ân sâu sắc đối với các thế hệ cha anh đã một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; mãi khắc ghi công lao to lớn của Bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, văn nghệ sĩ, đồng bào các dân tộc đã từng tham gia, phục vụ chiến đấu làm nên con đường huyền thoại Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.

THƯ HOÀNG