Kinh tế

Du lịch trong cao điểm mùa hè

Nhóm Phóng viên 20/05/2024 13:30

Thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ hè đã đến gần, du lịch hè 2024 dự báo sẽ nóng cả tour nội địa lẫn quốc tế. Tại thời điểm này, đường đua kích cầu du lịch hè đã diễn ra với nhiều ưu đãi. Trong khi đó, chương trình "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động được đón nhận tích cực.

anh-cv.jpg
Nhiều địa phương tổ chức các sự kiện, lễ hội văn hóa để kích cầu du lịch. Ảnh: Quang Vinh.

Chương trình khuyến mãi của Vietravel với thông điệp “Hội Hè cực bốc - Cơn lốc niềm vui”. Khách hàng có tổng giá trị thanh toán từ 45 triệu đồng đến dưới 60 triệu đồng nhận ngay mức hoàn tiền 1,5 triệu đồng; tổng giá trị thanh toán từ 60 triệu đồng đến dưới 75 triệu đồng nhận ngay mức hoàn tiền 2 triệu đồng; tổng giá trị thanh toán từ 75 triệu đồng trở lên nhận ngay mức hoàn tiền 3 triệu đồng…

Nhiều hoạt động kích cầu

Đối với TPHCM, 4 tháng đầu năm, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 60.046 tỷ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2023. Con số đó dược dự báo sẽ còn tăng mạnh trong mùa du lịch hè này. Ngành du lịch TPHCM chủ trương mỗi quận, huyện ít nhất một sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách. Từ ngày 17 - 19/5, Lễ hội Bánh mì Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 được tổ chức tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1) với sự tham gia của 150 đầu bếp. Tiếp đó, Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 2, diễn ra từ ngày 31/5 - 9/6 với chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại".

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, từ ngày 10 - 20/5, tại Hồ Mây Park diễn ra cuộc thi "Hoa hậu và quán quân siêu mẫu thể hình thế giới năm 2024" với sự tham gia của các thí sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của du khách đến Vũng Tàu nghỉ dưỡng, tham quan... Vòng bán kết diễn ra vào ngày 15/5 và chung kết đêm 18/5. Hiện, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có trên 1.350 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có trên 80 khách sạn đã được xếp hạng các sao, đảm bảo phục vụ cùng lúc lượng lớn du khách trong và ngoài nước.

Tại tỉnh Đồng Tháp, Lễ hội Hoa sen lần thứ 2 với chủ đề "Rạng ngời sắc Sen" diễn ra từ ngày 16 - 19/5, tại thành phố Cao Lãnh và các huyện Tháp Mười, Tam Nông, với 66.000 chậu sen, đã thực sự để lại dấu ấn tốt đẹp đối với du khách xa gần.

Tại tỉnh Bến Tre, Tuần lễ Văn hóa du lịch huyện Châu Thành lần thứ 2 với chủ đề " Điểm hội tụ du lịch xanh", sẽ diễn ra từ ngày 5 - 11/6 ngay tại “cửa ngõ xứ Dừa”. Còn tại Trà Vinh, từ 25 - 31/8, lần đầu tiên diễn ra Festival 100 năm cây dừa sáp, kết hợp với Lễ hội Vu lan huyện Cầu Kè (Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia)...

Trong khi đó, ở tầm quốc gia, chương trình "Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu" do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phát động nhằm quảng bá, giới thiệu các chương trình, sản phẩm du lịch, các gói sản phẩm chất lượng tốt nhất trong suốt mùa du lịch hè.

anhbaitren67.jpg
Du khách mua hải sản tại khu du lịch biển Cửa Lò (Nghệ An). Ảnh: Quang Đại.

Chuyển mình theo mùa cao điểm du lịch

Không chỉ hàng không mà ngành đường sắt cũng đã và đang triển khai nhiều hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân trong cao điểm mùa hè 2024.

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết đã triển khai chuyến tàu Đà Lạt nhằm phục vụ khách du lịch ngắm thành phố ngàn hoa dưới ánh đèn lung linh, nhất là tuyến đường Đà Lạt - Trại Mát đi qua các vùng trồng hoa đèn sáng như sao sa.

Hiện trên tuyến Đà Lạt - Trại Mát có đôi tàu DL3/DL4 chạy hàng ngày. Các đôi tàu DL1/DL2, DL5/DL6, DL7/DL8 và DL9/DL10 chạy theo nhu cầu của khách hàng.

Trước đó, VNR phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức khai trương đoàn tàu chạy chuyên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại, với tên gọi "Kết nối di sản miền Trung". Với thời gian di chuyển khoảng 3 giờ trên tàu, du khách có thể ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp với một bên là dãy Trường Sơn trùng điệp, một bên là biển cả mênh mông. Với 2 đoàn tàu xuất phát vào buổi sáng và buổi chiều từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, du khách có thể đón bình minh và hoàng hôn trên vịnh Lăng Cô - một trong những vịnh biển đẹp nhất hành tinh.

Ông Đặng Sỹ Mạnh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, ở trục chính Hà Nội - TPHCM, ngành đường sắt cũng bổ sung kế hoạch chạy tàu. Trong đó, mác tàu SE11/SE12 là mác tàu thứ 2 được ngành đường sắt đưa vào khai thác nhằm phục vụ hành khách dịp cao điểm mùa hè 2024.

Trong khi đó, thông tin từ phía doanh nghiệp du lịch, hiện “gói combo tự túc” bao gồm: Vé máy bay + phòng khách sạn + các dịch vụ khuyến mãi tặng kèm đã nhận được sự quan tâm của nhiều người. Ưu điểm lớn nhất của loại hình này là du khách được chủ động về thời gian, địa điểm vui chơi, lộ trình giữa các điểm tham quan trong chuyến du lịch của mình.

Tới thời điểm ngày 19/5, nhiều doanh nghiệp du lịch cho biết, loại hình “combo tự túc” với lợi thế rẻ hơn nhiều so với tour trọn gói đang được lựa chọn, tăng khoảng 20% so với mùa du lịch hè 2023. Tuy nhiên, theo đại diện Phòng Lữ hành nội địa (Công ty Du lịch và Sự kiện Sao Nam Việt), việc du lịch theo hình thức combo tự túc chủ yếu đến từ các gia đình nhỏ, thích không gian riêng, hoặc các bạn trẻ muốn tự do khám phá, vui chơi, ăn uống. Với những đoàn khách lớn từ 80 - 100 người, các tour trọn gói truyền thống vẫn được lựa chọn.

Việc tự lên kế hoạch, lịch trình cho chuyến đi của mình cũng đang là xu hướng du lịch mùa hè 2024 được nhiều du khách quan tâm, nhất là người trẻ. Loại hình này còn được gọi là “free and easy" - tự do thoải mái; đặc biệt, phù hợp với những người năng động, muốn khám phá. Phần lớn thời gian của chuyến đi du khách dùng xe cá nhân để khám phá các cung đường, giao lưu với người bản địa và chụp ảnh.

Tuy nhiên, nói như đại diện Công ty Postum Travel thì combo du lịch, tour trọn gói, hay thậm chí du lịch “bụi” đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng, phù hợp cho các đối tượng và nhu cầu khác nhau. Do vậy, khách sẽ không nghiêng hẳn về chọn một loại hình nào. Và nhìn chung, du lịch mùa hè năm nay chắc chắn sẽ bùng nổ.

Làm gì để không bị “chặt chém”?

Vụ suất bún chả 35.000 đồng chỉ có đĩa bún, 2 viên chả nhỏ và bát nước mắm pha loãng, được cộng đồng mạng chia sẻ khiến địa phương phải xử phạt nhà hàng 750 nghìn đồng, thực ra cũng không phải là cá biệt. Điều đó khiến khách du lịch chưa hết băn khoăn.

"Chặt chém" trong khi chất lượng không tương xứng đã khiến khách lắc đầu ngao ngán. Hệ luỵ từ tư duy du lịch một mùa đã dẫn đến tình trạng đó và đã khiến không ít người “quay xe” chọn du lịch nước ngoài thay vì trong nước.

Theo ông Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, vấn đề phải giải quyết từ việc thay đổi tư duy, nếu không sẽ phải trả giá khi không thể nuôi dưỡng nguồn khách lâu bền. Làm du lịch không chỉ dựa vào tính mùa vụ. Vì đó là du lịch không bền vững.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Tài - Trưởng ban Lữ hành, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội thì cần xác định rõ những vấn đề tồn tại để khắc phục. Cần có sự liên thông, liên kết giữa các đơn vị cung ứng như các nước khác tạo thành chuỗi. Trong khi hiện nay ở nước ta du lịch nội địa khó phát triển bởi các bộ phận gần như tách bạch hoàn toàn, thậm chí đối trọng với nhau vì quyền lợi cục bộ.

GS Từ Thị Loan (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nhấn mạnh, “chặt chém” du khách là hành vi chụp giật. Khi hét giá, bắt chẹt du khách, nhiều người chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt do tư duy “ăn xổi” chứ không thấy được hậu quả lâu dài là du khách sẽ một đi không trở lại.

“Tôi cho rằng, để ngăn chặn nạn “chặt chém”, bắt chẹt du khách cần xử lý nghiêm bằng pháp luật với chế tài đủ sức răn đe, để làm sạch môi trường du lịch” - bà Loan nói.

Để tránh bị “chặt chém”, nhiều ý kiến cho rằng du khách nên xem bảng giá niêm yết, chụp lại bảng giá trước khi đặt món để đối chiếu khi thanh toán và phản ánh tới đường dây nóng của điểm du lịch nếu xảy ra sự việc. Một số nhà hàng làm ăn chân chính còn chia sẻ thêm kinh nghiệm là du khách nên chụp hình lại bảng giá để làm bằng chứng. Sự cẩn trọng này là cần thiết nhằm tránh nguy cơ bảng giá bị sửa đổi sau khi du khách đã chọn mua hàng.

Thay vì chấp nhận chịu thiệt, hãy tinh ý mặc cả để mua được món hàng hoặc sở hữu dịch vụ tốt khi đi du lịch. Hiện tượng "chặt chém" xuất phát từ việc những người bán hàng lợi dụng tâm lý chủ quan, ngại hỏi giá trước của khách hàng để tính thêm tiền, thổi giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với thực tế. Để an toàn, cần rất rõ nghỉ ngơi tại đâu, di chuyển ra sao, lịch trình ăn uống các bữa chính, bữa phụ ra sao, tham khảo trước giá cả tại đó như thế nào. Từ đó, sẽ chủ động hơn trong những chuyến đi, hạn chế các phiền toái. Khi dùng bữa, nếu nhà hàng, quán ăn không ghi rõ giá, thì cần hỏi nhân viên hoặc chủ cửa hàng, tránh tình trạng gọi món ít nhưng thanh toán nhiều. Ngoài ra, du khách không nên tin tưởng tuyệt đối vào hóa đơn của nhà hàng mà nên kiểm tra lại hóa đơn một cách chi tiết trước khi rút ví thanh toán.
Cuối cùng, việc liên lạc và báo cáo với chính quyền địa phương sẽ cực kỳ hữu dụng cho khách du lịch trong trường hợp có xảy ra tranh chấp, xô xát.

Nhóm Phóng viên