Một kỳ họp, nhiều kỳ vọng
Hôm nay, 20/5, khai mạc Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Một kỳ họp đặc biệt nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Kỳ họp với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc xem xét, thông qua 10 dự án luật. Quốc hội cũng sẽ bầu Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội, sau khi được Hội nghị 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII thống nhất giới thiệu.
Cũng tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam có Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.
Trước đó, ngày 15/5 tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của MTTQ Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã nhận được 60/63 báo cáo phản ánh kiến nghị của cử tri và nhân dân; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với 1.268 lượt ý kiến.
Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp tập trung vào một số nội dung: Phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề, khoa học và công nghệ; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; công tác đối ngoại; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; lĩnh vực nội vụ; lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai; về an toàn thực phẩm; lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn...
Dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của MTTQ Việt Nam đã nhận được sự đồng tình cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về kiến nghị phát triển thêm mạng lưới các trường công lập, Ủy ban Văn hoá, giáo dục của Quốc hội cho rằng đây là nguyện vọng rất chính đáng. Từ đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại mạng lưới các trường phổ thông và mầm non, trong đó phân tích cơ cấu các trường công lập.
“Tôi thống nhất rất cao với ý kiến của MTTQ Việt Nam. Chúng ta nên sắp xếp lại cho hợp lý sau khi rà soát, và phát triển thêm trường học ở các nơi còn thiếu; bảo đảm công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, cũng như công bằng trong hưởng thụ chất lượng giáo dục” - ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục nói.
Trong khi đó, Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cũng đánh giá cao Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7 của MTTQ Việt Nam. Đề xuất của Mặt trận rất sát với thực tế, trong đó có việc giải quyết đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân ở một số vùng khó khăn ở miền núi, vùng Tây Nam Bộ...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Báo cáo của MTTQ Việt Nam được xây dựng rất công phu, tâm huyết, tập hợp được nhiều số liệu, tư liệu, phản ánh nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung. Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của Mặt trận là toàn diện, xác đáng, có số liệu rõ ràng, đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp, có căn cứ. Việc tổng hợp thành các nhóm kiến nghị của cử tri là hợp lý, bám sát các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở cơ sở.
Trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của MTTQ Việt Nam cũng chính là nguyện vọng, là ý chí và kỳ vọng của nhân dân. Mặt trận ngày càng phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đáp ứng yêu cầu là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đủ sức thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước; làm nòng cốt là trung tâm tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam yêu nước, tạo được sự đồng thuận và lòng tin vững chắc trong nhân dân, hội tụ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy giá trị của dân chủ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Vì thế, Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV của MTTQ Việt Nam mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng.