Kinh tế

Lực kéo bên ngoài và lực đẩy bên trong

N.Quang 20/05/2024 09:36

Mùa hè bao giờ cũng là cao điểm du lịch của cả năm, nhất là với du lịch nội địa. Tới đây, khi các trường học nghỉ hè, chắc chắn lượng khách du lịch còn tăng cao.

anh1-baiduoi.jpg
Ông Nguyễn Sơn Thủy.

Nói với truyền thông, ông Nguyễn Sơn Thuỷ - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch duy nhất Đông Dương cho rằng du lịch đã thực sự phục hồi và đây chính là giai đoạn đẩy nhanh đà tiến của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể tăng tốc, muốn có thêm nhiều khách du lịch quốc tế thì cần mở rộng miễn thị thực tới nhiều thị trường và nhiều đối tượng hơn nữa, đặc biệt là những đối tượng khách có độ tin cậy cao. Bên cạnh đó cần khắc phục điểm yếu cố hữu là công tác quảng bá du lịch ở nước ngoài vẫn yếu, yếu ở cả cấp độ quốc gia, địa phương và doanh nghiệp.

“Tôi từng tham gia nhiều hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Đông Nam Á và thấy rất ít sự xuất hiện của gian hàng du lịch Việt Nam. Trong các diễn đàn kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng không xuất hiện nhiều đại diện của ngành du lịch Việt Nam” - ông Thủy nói và cho rằng, nếu chúng ta không có hệ thống văn phòng du lịch tại các quốc gia thì mạng lưới ngoại giao cần đảm trách vai trò này rõ ràng hơn. “Tôi thấy rằng, chúng ta vẫn chưa kích hoạt mạnh mẽ kênh đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước ngoài để hỗ trợ quảng bá du lịch thông qua các hoạt động chuyên đề, sự kiện chuyên nghiệp về du lịch” - theo ông Thủy. Muốn ngành du lịch đi lên cần phải có “lực kéo” từ các mạng lưới xúc tiến du lịch ở nước ngoài, đồng thời, bên trong phải tạo “lực đẩy” bằng các sản phẩm du lịch đặc trưng, lao động lành nghề, chất lượng dịch vụ tại các điểm đến.

Ngay cả ở cấp độ địa phương, doanh nghiệp cũng thấy chạnh lòng khi chủ động liên lạc để làm xúc tiến du lịch ra nước ngoài, nhưng nhận được phản hồi khá thờ ơ.

anh2baiduoi.jpg
Ông Võ Trí Thành.

Phát biểu tại hội nghị "Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, TS Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng, lợi thế của du lịch Việt Nam là điều không cần nhắc lại. Tuy nhiên, càng nói nhiều đến tiềm năng, những người làm du lịch, yêu mến du lịch lại càng cảm thấy buồn, thậm chí "thẹn" vì những tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác và "định giá" đúng.

Theo ông Thành, du lịch là ngành kinh doanh dịch vụ tinh xảo, đỉnh cao của dịch vụ vì động chạm đến trái tim, là cảm nhận, trải nghiệm, hiểu biết, khám phá, là tận hưởng và lan tỏa. Bên cạnh đó, du lịch cũng là ngành kiếm tiền rất quan trọng, kết hợp rất nhiều ngành nghề khác. Từ góc nhìn này, ông Thành nhận diện 3 rủi ro mà ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt. Đầu tiên, nguồn lực đất đai đã, đang và sẽ được ưu tiên cho nhiều công trình lớn về du lịch. Nếu không có sự vào cuộc của các chuyên gia đánh giá tác động, thẩm định thì chúng ta dễ sa vào tình trạng quá trình đô thị hóa đất đai nhanh hơn quá trình đô thị hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, đôi khi núp bóng phát triển du lịch nhưng mục đích cuối cùng là kinh doanh bất động sản.

Thứ hai là vấn đề "cạnh tranh về đáy" giữa các địa phương. Việt Nam cần hướng tới du lịch chu đáo, rất tinh tế nhưng cũng rất bình dân.

Thứ ba là vấn đề sản phẩm. Ngành du lịch nói rất nhiều về du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng... Song, cần xác định sản phẩm du lịch là chân trời sáng tạo vô biên, thay vì chỉ đi theo lối mòn hay dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có.

Ông Thành cũng cho rằng “chặt chém” chỉ làm mất uy tín, hình ảnh. Đây cũng chính là vấn nạn tồn tại dai dẳng ở không ít điểm du lịch. Không chỉ về giá thuê phòng, giá bữa ăn, cho đến giá phương tiện đi lại, hay là giá vé vào các điểm tham quan. Từ lâu, khách du lịch đã hình thành thói quen tự nhiên cảnh giác trước những lời mời chào. Càng đon đả khách lại càng sinh nghi. Có những điểm du lịch “khét tiếng” bởi nạn “chặt chém”. Việc nhà hàng buộc khách phải thanh thanh toán cả chục triệu đồng/bữa ăn không quá hiếm.

Đi du lịch là để tận hưởng, để trải nghiệm. Không ai muốn “tận hưởng” cái cảm giác như thể bị móc túi. Cũng không ai muốn trải nghiệm sự bực tức, khó chịu, chưa nói đến tức giận.

Nếu dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua là khởi đầu của du lịch hè 2024 thì có thể coi đó là bước chạy đà tốt. Theo Cục Du lịch quốc gia, trong 5 ngày nghỉ lễ, ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8%.

N.Quang