Xã hội

Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn: Nhận diện những rào cản

M.Phú 20/05/2024 09:39

Hiện cả nước có 3.940 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được chứng nhận tại 57 tỉnh/thành phố. Với vùng Đông Nam Bộ, dư địa xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi còn rất lớn song vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ.

anhbaitren(4).jpg
Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển ngành chăn nuôi (Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất trứng sạch tại tỉnh Tây Ninh). Ảnh: Minh Dương.

Khó khăn vì mô hình chăn nuôi nhỏ, lẻ

Khẳng định vai trò của việc chăn nuôi gia súc gia cầm theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh sẽ góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho rằng, đây là những việc cần được nhân rộng, phổ biến để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh là xu hướng tất yếu của ngành chăn nuôi. Song, để ngành có thể đẩy mạnh các mô hình này, các địa phương cần tập trung tháo gỡ các rào cản, khó khăn vẫn tồn tại hiện nay như vấn đề về phòng, chống buôn lậu; cải cách thủ tục hành chính... Cụ thể, theo ông Tiến, các địa phương nên rà soát lại quy trình nhập khẩu; đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm để đẩy mạnh xuất khẩu về giống, thức ăn, dinh dưỡng, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y phòng bệnh... Từ đó, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, gắn với giết mổ, chế biến và xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, Cục Thú y cần hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chăn nuôi và các địa phương xây dựng thành công chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu, tổ chức tập huấn về quy định, chuyên môn, kỹ thuật trong quá trình thực hiện xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh...

Mặc dù mong muốn phát triển các mô hình chăn nuôi sinh học, song nhiều địa phương phản ánh gặp khó khăn trong quản lý chăn nuôi nhỏ lẻ. Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai Trần Lâm Sinh chia sẻ, tại địa phương này, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện vẫn chưa quan tâm đến an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh dẫn đến việc triển khai quy định về vệ sinh thú y còn lỏng lẻo, tiêm phòng khó đảm bảo đạt tỷ lệ cao.

Đối với việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu hiện đang thiếu hướng dẫn chuyên môn về tiêu chuẩn của Tổ chức Sức khỏe động vật Thế giới bằng văn bản của Bộ NNPTNT để địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí. Một số quốc gia nhập khẩu không cho phép sử dụng vaccine phòng bệnh cũng gây cản trở trong việc mở rộng thị trường…

Trong khi đó, với tỉnh Tây Ninh, Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh có vị trí địa lý khá phức tạp, tiếp giáp với Bình Dương, Bình Phước, Long An, TPHCM và đặc biệt có chung đường biên giới với Vương quốc Campuchia dài gần 240km. Do đó, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và xâm nhiễm dịch bệnh rất cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ vẫn còn đan xen với các cơ sở chăn nuôi tập trung, các mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm còn tồn tại trong môi trường chăn nuôi. Do đó, vẫn còn nguy cơ dịch bệnh xảy ra trong vùng được xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...

Tỉnh Đắk Lắk cũng gặp những rào cản tương tự. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, chăn nuôi quy mô nông hộ hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó để có cơ hội tham gia xuất khẩu, các cá nhân, tổ chức chăn nuôi phải tuân thủ quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật của các tổ chức quốc tế. Điều này đòi hỏi cá nhân, tổ chức chăn nuôi phải xây dựng và duy trì cơ sở an toàn dịch bệnh, đảm bảo chất lượng, vệ sinh sản phẩm và thực hiện biện pháp kiểm dịch, giám sát dịch bệnh nghiêm ngặt, thực hiện định danh, truy xuất nguồn gốc... Bởi vậy, việc xuất khẩu động vật và các sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn.

Chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Có thể thấy, mặc dù muốn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi sinh học, an toàn dịch bệnh, từ đó hướng đến phát triển bền vững ngành chăn nuôi, song các địa phương, nhất là các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đã và đang đối diện với không ít rào cản.

Đưa ra giải pháp, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương, DN cần tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào chăn nuôi. Chú trọng xúc tiến thương mại, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát tốt dịch bệnh, lựa chọn con giống, thức ăn, chuỗi chăn nuôi - giết mổ - chế biến sản phẩm...

Bên cạnh đó, các DN cũng cần có chiến lược, kế hoạch phát triển chăn nuôi kiểm soát tốt dịch bệnh hướng tới tạo sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; đăng ký xây dựng chuỗi xuất khẩu với các tỉnh; hỗ trợ tích cực cho các địa phương có cơ sở chăn nuôi trong phòng, chống dịch bệnh và xây dựng vùng an toàn dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, sự hình thành, đầu tư của các DN lớn là nền tảng phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi Việt Nam trong tương lai; trong đó, điển hình và tiêu biểu nhất là các chuỗi chăn nuôi của Công ty De Heus, Tập đoàn Hùng Nhơn, CP Việt Nam, Japfa Comfeed, Masan... đã góp phần tạo nền tảng phát triển bền vững cho chăn nuôi Việt Nam trong tương lai; tạo điều kiện cho chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển mạnh trong thời gian tới. “Các DN chăn nuôi cần duy trì và thường xuyên giám sát định kỳ các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và thế giới, hướng đến đáp ứng thị trường xuất khẩu” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.

M.Phú