Văn hóa

Xem nghệ nhân làng Sơn Đồng làm tượng gỗ

Quốc Thanh 21/05/2024 09:00

Làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) xưa nay nổi tiếng với nghề làm tượng gỗ, sản phẩm đồ tâm linh. Với đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân, tượng gỗ của làng Sơn Đồng mang nét tinh xảo mà ít nơi nào có được.

Nhắc đến làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) không chỉ người dân Thủ đô mà nhân dân nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đều biết đến ngôi làng cổ với nghề truyền thống là đúc, tạc tượng, đồ thờ cúng nổi tiếng.

Làng nghề Sơn Đồng hiện có hàng nghìn thợ lành nghề và nhiều nghệ nhân giỏi, chưa kể nhiều thợ điêu khắc từ các nơi đến. Nơi đây được ví như thủ phủ làm đồ thờ cúng, tượng Phật hay đồ chạm khắc thủ công mỹ nghệ.

Qua bàn tay tài hoa của những người thợ, nhiều pho tượng lớn nhỏ đã hình thành, chứa đựng tâm tư, tình cảm và sự tôn kính của người dân.

Đã gần 40 năm gắn bó với nghề, nghệ nhân Nguyễn Trí Dũng, 56 tuổi cho biết, làm tượng Phật khó nhất là việc người thợ phải thổi được hồn vào pho tượng, nhìn phải có thần, có dáng… Ngoài ra, phải hiểu cội nguồn sâu xa của từng sản phẩm, phẩm chất linh hồn của vị Phật, vị Thánh. Họ còn phải học hỏi tâm đức từ các vị để nâng cao tâm hồn, có ý thức tâm linh để nâng cao tay nghề, nâng cao giá trị sản phẩm.

Theo ông Dũng, để hoàn thiện một bức tượng mất khoảng 1 tháng. Cơ sở của ông chủ yếu nhận đặt hàng từ đền chùa khắp cả nước, sau đó mới sản xuất theo kích thước khách yêu cầu. Tùy kích cỡ, chất liệu, độ phức tạp mà giá các pho tượng đặt hàng sẽ khác nhau.

"Ngoài làm tượng, cơ sở ông Dũng còn làm bàn thờ, đồ trang trí bàn thờ, hoành vi, câu đối, cửa võng...", ông Dũng nói.

20240510_095639.jpg
Về làng Sơn Đồng, ta nghe tiếng đục lách cách vui tai và mùi thơm của các loại gỗ quý. Ở bất cứ đâu cũng bắt gặp những bức tượng như: Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Bà Quán Thế Âm, Đức Thánh Trần, tượng ông Thiện, ông Ác, tượng La Hán... cùng vô số loại đồ thờ thủ công mỹ nghệ khác.
20240510_095612-78d80deafcf6e78c41409591d79154d1.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Trí Dũng đang tỉ mỉ tạo hình hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của một pho tượng.
20240510_102136.jpg
Mới 29 tuổi nhưng anh Nguyễn Trung Phong, quê ở Hà Nam đã có thâm niên chế tác tượng gỗ chục năm nay. Đã mở xưởng riêng tại quê nhà, vào thời điểm nhiều việc, những chủ cơ sở tại làng Sơn Đồng lại gọi anh đến làm khoán.
img_20240520_204843-33698cdc2057c431d8068e180c361255.jpg
Bộ đồ nghề của các nghệ nhân.
img_20240520_203846-8727da8d743cde30c9a78484c0915f4c.jpg
Em Sáng 23 tuổi, người làng bên sang Sơn Đồng học và làm nghề được 4 năm nay.
20240510_102933.jpg
Về làng Sơn Đồng, không khó bắt gặp những cây gỗ kích thước lớn dùng để chế tác tượng và đồ thờ tâm linh. Được biết, loại gỗ được sử dụng để làm tượng chủ yếu là gỗ mít, theo quan niệm trong dân gian đây là loại gỗ thiêng, rất thích hợp cho việc làm các loại đồ thờ cúng. Ngoài ra loại gỗ này có đặc điểm màu vàng tươi, độ bền rất cao, dẻo, mềm, thớ dặm, ít bị nứt, dễ gọt.
20240510_095725.jpg
Những pho tượng được tạo hình xong, chờ gỗ khô để mang đi sơn hoàn thiện.
20240510_100937-941fd7d15baec1e357e90897847da830.jpg
Đến với Sơn Đồng, khách hàng cần đặt làm bất cứ pho tượng thờ nào thì người thợ nơi đây đều làm được ngay mà không cần mẫu sinh kề (mẫu có sẵn).
20240510_103114-949b3ec8b0ef1db133282e5eb60a8e78.jpg
Làng nghề Sơn Đồng giờ đây không chỉ là một làng nghề đơn thuần mà đã trở thành một điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước, làng nghề trở thành nét đẹp về văn hóa của Thủ đô. Năm 2007, sách Kỷ lục Việt Nam đã ghi danh Sơn Đồng là “Làng nghề tạc tượng và đồ thờ phụng Phật giáo lớn nhất Việt Nam”. Hiện nay, sản phẩm của làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng không chỉ phục vụ đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài.

Quốc Thanh