Thanh Hóa: Xem xét xử lý từng cá nhân có liên quan đến vụ phá 2,61ha rừng tự nhiên
Ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Lãnh đạo Chi cục đã giao cho Phòng Tổ chức thực hiện quy trình làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xem xét xử lý theo quy định với từng cá nhân có liên quan đến vụ việc tàn phá 2,61ha rừng tự nhiên xảy ra tại thị xã Nghi Sơn.
Chiều 20/5, trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Vũ Văn Vân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa cho biết: Liên quan đến vụ tàn phá 2,61ha rừng tự nhiên xảy ra tại thị xã Nghi Sơn, hiện lãnh đạo Chi cục đã giao cho Phòng Tổ chức thực hiện quy trình làm rõ trách nhiệm, kiểm điểm, xem xét xử lý theo quy định với từng cá nhân có liên quan.
Đối với việc xử lý trách nhiệm của Hạt kiểm lâm TX Nghi Sơn, ông Đàm Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Đương nhiên sẽ phải kiểm điểm, tuy nhiên, lãnh đạo Chi cục sẽ họp để xem xét, đánh giá tính chất của từng sự việc, xem anh em phát hiện vụ phá rừng vào thời điểm nào, xử lý ra sao, từ đó mới có thể đưa ra hình thức xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Trần Phương, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TX Nghi Sơn cho biết: Đến nay, Hạt chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của Chi cục kiểm lâm tỉnh về việc xử lý trách nhiệm trong vụ phá rừng. Tuy vậy, dưới góc độ là người đứng đầu cơ quan, ông Phương thừa nhận Hạt kiểm lâm đã không kịp thời phát hiện đơn vị thi công trạm biến áp 220kV phá rừng tự nhiên. “Hạt kiểm lâm Nghi Sơn chỉ có vỏn vẹn 11 cán bộ, kiểm lâm viên, trong khi, diện tích rừng phải quản lý là rất lớn. Với việc doanh nghiệp phá rừng lần này, trách nhiệm của Hạt là có”, ông Phương thừa nhận.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã đưa tin, vào ngày 24/3, Hạt Kiểm lâm TX Nghi Sơn phát hiện 2,61ha rừng tự nhiên tại phường Hải Thượng bị tàn phá trái phép tại khu vực thực hiện dự án Trạm biến áp (TBA) 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia là chủ đầu tư, Ban quản lý (BQL) dự án các công trình điện miền Trung là đơn vị điều hành, Công ty cổ phần ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Công ty AIT) là đơn vị thi công.
Sau khi Sở NNPTNT tiến hành kiểm tra, đã xác định Công ty AIT thuê Công ty Ngọc Yến Nghi Sơn thực hiện san gạt đất, trong đó, đã ủi vào 2,61 ha rừng tự nhiên chưa được chuyển đổi. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, ngày 15/5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định xử phạt 325 triệu đồng đối với Công ty AIT vì phá 2,61ha rừng tự nhiên. Về biện pháp khắc phục, Công ty AIT phải thanh toán hơn 953 triệu đồng chi phí trồng lại rừng theo suất đầu tư được áp dụng ở địa phương tại thời điểm vi phạm. UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu trong vòng 10 ngày, Công ty AIT phải khắc phục hậu quả đã gây ra.
Ngày 16/5, tại công trường dự án, PV thấy khu vực 2,61ha rừng tự nhiên đã bị ủi thành bãi đất trống, trên bề mặt có 10 móng cọc đã được đóng sâu xuống mặt đất. Ở phía trên, các nguyên vật liệu như cấu kiện đúc sẵn, sắt thép, ống nhựa… đã được chuyển đến, đặt trên bề mặt, có thể thi công bất kỳ lúc nào.
Bên cạnh việc xử phạt với Công ty AIT, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cần xác định trách nhiệm trong công tác quản lý, trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, Hạt kiểm lâm TX Nghi Sơn ở đâu, vì sao không phát hiện kịp thời, để doanh nghiệp phá trắng rừng tự nhiên với diện tích lớn như vậy?
Nghị định số 83/2020/NĐ-CP bổ sung Điều 41a đã quy định các tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trong đó, đối với dự án về xây dựng hạ tầng hệ thống truyền tải điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia thì đây phải là những dự án cực kỳ cấp thiết mới có đủ cơ sở để chuyển đổi mục đích sử dụng rừng.
Đến khi phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, các dự án này phải đảm bảo các tiêu chí như: Có đề xuất dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch; được UBND tỉnh xác nhận (tại Tờ trình quy định tại điểm d khoản 2 Điều 41) là dự án bắt buộc phải thực hiện trên diện tích có rừng tự nhiên do không thể bố trí trên diện tích đất khác.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và pháp luật về nội dung văn bản xác nhận nêu trên, HĐND cấp tỉnh có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc đề xuất chủ trương và tổ chức thực hiện chuyển rừng tự nhiên sang mục đích sử dụng khác trên địa bàn; dự án không nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, không chuyển rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang mục đích khác để triển khai các hoạt động khoáng sản; có phương án trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.