Giảm thuế, kích cầu để hỗ trợ tăng trưởng
Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 dự báo trong khoảng 5,5-6%. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần nhiều giải pháp để kích cầu.
Trong quý đầu tiên của năm 2024, kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,66% (so với cùng kỳ năm trước). Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 8,2%. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, khi số DN rút khỏi thị trường tăng cao. Vốn đăng ký của DN thành lập mới đang có xu hướng nhỏ lại.
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, DN nhỏ và vừa vẫn đang gặp khó khăn lớn nhất là các vấn đề liên quan tới vốn. Hiện cho vay tín chấp của các DN nhỏ và vừa ở các ngành nghề ưu tiên đang chỉ chiếm 10-15% tổng dư nợ, nên cần được nâng lên mức 30%. Hơn nữa, ngành ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ DN.
Đánh giá về những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ông Quốc Anh cho rằng DN nhỏ và vừa được hưởng lợi rất lớn từ những chính sách hỗ trợ thuế, phí cho DN, điển hình như việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% cho một số mặt hàng. Bởi với những chính sách này, DN không cần làm hồ sơ, thủ tục nên mức độ hiệu quả cao, khả năng hấp thụ DN không bị cản trở.
Trong khi đó, theo GS.TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý khoa học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), để thúc đẩy tăng trưởng phải dựa chủ yếu vào các chính sách trọng cầu, mà cụ thể là tác động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cần phải được hồi phục nhanh chóng và đẩy mạnh hơn nữa. Nhìn chung trong năm 2024, đầu tư tư nhân về cơ bản vẫn khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực DN nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt. Ông Thành cho rằng, cần kích thích tiêu dùng bằng việc điều chỉnh thuế thu nhập và đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội. Cần có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng quan trọng.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, cần chính sách kích cầu mạnh mẽ và đồng bộ. Có 4 yếu tố tổng cầu rất quan trọng của nền kinh tế gồm tiêu dùng của các hộ gia đình đầu tư của DN; chi tiêu của Chính phủ và xuất khẩu. Các chính sách phải gắn cụ thể với bối cảnh của nền kinh tế; các động lực cần phải gắn kết với nhau, đầu tư công phải lan tỏa ra nền kinh tế.
Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống phân phối và tiêu dùng nội địa. Bản thân nhà phân phối của Việt Nam phải chủ động giữ sân nhà, vì thông qua hệ thống phân phối đó hàng Việt mới có thể đi vào thị trường, thậm chí mở rộng ra các thị trường lân cận.
Cũng theo ông Anh Tuấn, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60-65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình chiếm khoảng 50-55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Do đó, nếu kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp này.