Quốc tế

Cảnh báo mùa bão sớm

Thanh Đức 21/05/2024 10:36

Thông tin từ Cơ quan Quản lý dịch vụ Thiên văn và Địa vật lý khí quyển Philippines (PAGASA), cuối tháng 5, nước này có thể sẽ bị 2 cơn bão nhiệt đới tấn công.

anhbaitren(1).jpg
Bão Goni, tháng 10/2020, hoành hành ở Philippines khiến 31 triệu người bị ảnh hưởng. Nguồn: EPA.

Dẫn lời quan chức nhà nước, tờ Manila Times cho hay, Philippines rất có thể phải đương đầu với những cơn bão sớm khi mà giai đoạn chuyển tiếp từ El Nino sang La Nina có thể thúc đẩy một mùa bão khốc liệt.

Philippines lên kế hoạch ứng phó

Nathaniel Servando - Giám đốc PAGASA cho rằng đó là điều khó tránh khỏi, trong khi mùa mưa mạnh lên bắt đầu từ ngày 1-15/6. La Nina có 60% khả năng phát triển từ tháng 6 đến tháng 8 năm nay.

Chuyên gia thời tiết Rhea Torres của PAGASA nói, có thể nhiều cơn bão sẽ hình thành ở khu vực phía đông của Mindanao, sau đó đi qua đông Visayas, vùng Bicol, Mimaropa và Calabarzon trước khi đi vào Biển Đông. Nhiều dự báo cho thấy mùa bão trong khu vực Biển Đông năm nay có sức tàn phá mạnh hơn do ảnh hưởng của La Nina.

Tờ Phil Star dẫn lời Trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines U-Nichols Manalo cho biết, bộ này đã bắt đầu chuẩn bị ứng phó La Nina bằng cách xem xét các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hiện tượng thời tiết này trong quá khứ.

“La Nina sẽ gây mưa lớn hơn và các cơn bão dữ dội hơn trong khu vực Biển Đông. Đây là tin xấu với Philippines - nước thường hứng chịu gần 20 cơn bão mỗi năm, trong đó có những siêu bão để lại hậu quả rất nặng nề. Trong 25 năm qua, Philippines đã có ít nhất 8 đợt El Nino. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải chuẩn bị đối phó” - ông Manalo nói.

Trong khi đó, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cũng đã kêu gọi các cơ quan chính phủ và địa phương chuẩn bị ứng phó với tác động của La Nina.

Có thể có tới 11 “siêu bão”

Ngày 20/5, thông báo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, nhiệt độ bề mặt nước biển ở khu vực phía đông và giữa Thái Bình Dương vẫn duy trì cao trên mức trung bình, có nghĩa là trạng thái thời tiết cực đoan đến từ El Nino là hoàn toàn có thể. Tuy rằng 79% khả năng hiện tượng El Nino sẽ kết thúc trong tháng 6 còn La Nina có thể phát triển từ tháng 7 đến tháng 9/2024.

Các chuyên gia tại Đại học bang Colorado (Mỹ) cho rằng La Nina sắp xảy ra có thể làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng của mùa bão Đại Tây Dương và Thái Bình Dương năm 2024. Cao điểm mùa bão có thể rơi vào tháng 9. Trong khi đó, một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature do các nhà khoa học khí quyển tại Đại học Bristol (Anh) dẫn đầu đưa ra cảnh báo rằng các siêu bão sẽ leo thang lên cấp 6 trong mùa bão 2024. Cấp 6 là cấp độ chưa có trong thang bão 5 cấp Saffir-Simpson.

Hiện tại thang đo Saffir-Simpson chỉ lên đến cấp 5 đối với tốc độ gió 70,5m/s (254km/h) trở lên. Dự đoán của các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng các cơn bão trong mùa bão năm nay có thể đạt sức gió vượt quá 281km/h, xếp chúng vào cấp độ 6. Sẽ có khoảng 23 cơn bão được đặt tên trong năm 2024, trong đó 11 cơn bão có thể đạt đến trạng thái cuồng phong. 5 trong số 11 cơn bão dự kiến sẽ đạt cấp độ bão lớn với sức gió ít nhất 185km/h.

“Ngay cả khi có hoặc không có La Nina, nhiệt độ đại dương kỷ lục kéo dài hơn 1 năm ở Đại Tây Dương và Thái Bình Dương cũng làm dấy lên lo ngại về một mùa bão rất mạnh sắp xảy ra” - nhóm các nhà khoa học của NOAA nhận định đồng thời cho rằng La Nina - kẻ gây rối loạn khí hậu vẫn chưa chính thức xuất hiện nhưng đang hình thành.

Nat Johnson - nhà khí tượng học của NOAA nói: Chúng tôi tin chắc La Nina sẽ hình thành vào cuối mùa hè này. Một khi hình thành, nó sẽ kéo dài từ mùa thu sang mùa đông và sẽ ảnh hưởng đến thời tiết của một nửa bán cầu. La Nina sẽ gây tác động xấu hơn với việc hình thành siêu bão trong trường hợp nó xảy ra sớm hơn, nghĩa là ngay trong tháng 6 tới.

“Chúng tôi không muốn đem tin xấu đến cho mọi người, nhưng vẫn phải nói rằng mùa bão năm nay sẽ rất nguy hiểm” - tiến sĩ Nat Johnson nói.

Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, châu Á tiếp tục là khu vực chịu nhiều thiên tai nhất thế giới. Năm 2023, có tổng cộng 79 thảm họa liên quan đến các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm đã được báo cáo ở châu Á. Trong số này, hơn 80% liên quan đến lũ lụt và bão, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và 9 triệu người bị ảnh hưởng. Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo nhấn mạnh, châu Á đã trải qua năm 2023 nóng kỷ lục, song hành với hàng loạt điều kiện khắc nghiệt, từ hạn hán, nắng nóng đến lũ lụt và bão. Tuy nhiên, đáng lo ngại khi tới thời điểm này của năm 2024, thời tiết cực đoan vẫn xuất hiện ở nhiều nước châu Á.

Thanh Đức