Kinh tế

Bước chuyển mình của công nghiệp hỗ trợ

Thanh Xuân 21/05/2024 10:37

Ngành công nghiệp hỗ trợ những năm gần đây đã có những bước chuyển mình tích cực. Điều đó được thể hiện ở sự gia tăng con số doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

tren1.jpg
Hiện cả nước có khoảng 5.000 doanh nghiệp chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Ảnh: M.H.

Những tín hiệu tích cực

Trong buổi gặp Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc vào hồi đầu năm 2024, ông Choi Joo Ho - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, Samsung vẫn liên tục mở rộng việc đầu tư tại Việt Nam và trong năm 2023, tập đoàn đã đầu tư thêm khoảng 1,2 tỷ USD. Đại diện Samsung cho biết, tập đoàn đã và đang tập trung vào phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) như hỗ trợ đào tạo tư vấn viên, các chuyên gia khuôn mẫu, hợp tác với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) về phát triển và xây dựng nhà máy thông minh.

Thông qua các chương trình hợp tác này, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cấp 1 và cấp 2 tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng gấp 12 lần, từ 25 DN vào năm 2014 đã lên tới 306 DN trong năm 2023.

Những dữ liệu nói trên đang mở ra tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp nói chung và ngành CNHT nói riêng, tạo tính lan tỏa sâu rộng, giúp DN nội địa tăng cơ hội phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một con số thống kê cho biết, số lượng nhà cung cấp cấp 1 và cấp 2 của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Samsung tăng từ 25 DN vào năm 2014 lên 306 DN vào năm 2023.

Thông tin từ Bộ Công thương cũng cho thấy một tín hiệu vui, đó là hiện cả nước có khoảng 5.000 DN chế biến tham gia cung cấp linh kiện, phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Trong đó, 70% DN tham gia cung cấp cho các nhà sản xuất trong nước, 8% cung cấp cho nhà xuất khẩu và 17% là tham gia cung cấp cho cả hai. Một số sản phẩm khác cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới, như các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Đây là những con số minh chứng rằng, các DN CNHT trong nước đang ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo từ đó tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù đã có những bước tiến nhất định, tuy nhiên, thực tế thì ngành CNHT của Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Do phần lớn DN trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, chưa đáp ứng được yêu cầu của quốc tế do chi phí sản xuất cao. Hầu hết các DN mới chỉ sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ, gia công còn thiếu các công đoạn có chất lượng, hàm lượng công nghệ cao…

Cùng với đó, ngành CNHT của nước ta hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực nên các sản phẩm còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.

Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5-20%; điện tử 5-10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%. Tỷ lệ nội địa hóa thấp kéo theo khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD.

Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD...

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Trước những điểm nghẽn vẫn còn tồn tại, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, để ngành CNHT tăng cường khả năng linh hoạt nguồn cung ứng, cần phải có hướng đi mới. Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, để thúc đẩy phát triển CNHT, Việt Nam cần xác định những "hạt giống tiềm năng", có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho DN đầu đàn. Từ đó, những “sếu đầu đàn” này sẽ thu hút tạo dựng được liên kết với các DN và các thể chế liên quan, tạo nên một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững.

Cùng với đó, vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT cũng cần phải được đầu tư tương xứng. Bởi, nhân lực chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của các ngành lĩnh vực, trong đó có CNHT. Theo đánh giá thực tế của TS Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hiện nay số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành CNHT rất hạn chế so với nhu cầu của ngành.

Để giải quyết bài toán chất lượng nhân lực cho lĩnh vực CNHT, ông Thực cho rằng, cần có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với DN và xã hội. “Cần xây dựng cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN, gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và tăng cường sự tham gia của DN CNHT trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp” - ông Thực khuyến cáo.

Thanh Xuân