Chi trả chi phí khám chữa bệnh: Một bệnh nhân được thanh toán hơn 4 tỷ đồng
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024, có 10 người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả từ 2,5 - 4,4 tỷ đồng, trong đó bệnh nhân được chi trả cao nhất là hơn 4,465 tỷ đồng.
Người bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cao nhất là hơn 4,465 tỷ đồng có mã thẻ TE1303622…, sinh năm 2019, địa chỉ: Phường An Lưu, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, chẩn đoán bệnh chính là “tăng huyết áp, đái tháo đường type, suy thận”. Người bệnh được Quỹ BHYT chi trả cao thứ 2 là 4,372 tỷ đồng: mã thẻ TE1171721…, sinh năm 2018, địa chỉ: Phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, chẩn đoán bệnh chính là “thiếu yếu tố VIII di truyền”. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 3 là hơn 3,687 tỷ đồng: mã thẻ TE1242422…, sinh năm 2018, địa chỉ: Xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, chẩn đoán bệnh chính là “bệnh tích luỹ glycogen”. Người bệnh được quỹ BHYT chi trả cao thứ 4 là hơn 3,684 tỷ đồng: mã thẻ TE1262621…, sinh năm 2018, địa chỉ: Phường Tiền Châu, TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chẩn đoán bệnh chính là “hội chứng loạn sản tuỷ xương, Bệnh bạch cầu cấp loại tế bào không xác định”…
Thực tế cho thấy, chính sách BHYT có ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng trong công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tham gia BHYT không chỉ là quyền lợi của mỗi người dân mà còn là thể hiện trách nhiệm tuân thủ pháp luật và tinh thần tương thân tương ái để chia sẻ với những người không may gặp rủi ro về sức khỏe.
Hiện nay, quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về: tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… Đây là các nhóm bệnh sẽ phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Đã có rất nhiều trường hợp người dân tham gia BHYT đi khám chữa bệnh được sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn, được quỹ BHYT chi trả lên tới hàng tỷ đồng. Nhờ đó, người bệnh vượt qua khó khăn về kinh tế để yên tâm tiếp tục điều trị bệnh.
Hiện nay, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (sau đây gọi tắt là dự thảo Luật) đang được lấy ý kiến và sớm trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua trong một kỳ họp, và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Mục tiêu tổng quát của văn bản quan trọng này là sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT, bảo đảm thống nhất với Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật có liên quan để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Các mục tiêu cụ thể trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của người dân trong chăm sóc sức khỏe, sự phát triển của xã hội, khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và quản lý, sử dụng Quỹ BHYT. Đồng thời, tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý toàn diện sức khỏe người dân.