Xã hội

Cảnh giác lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài

Khanh Lê 21/05/2024 10:39

Lợi dụng tâm lý nôn nóng, muốn nhanh chóng đi làm việc ở nước ngoài và sự thiếu hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lao động, thời gian gần đây một số tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng mạng xã hội để lừa đảo.

anh-bai-tren(1).jpg
Người lao động tìm hiểu thông tin đi làm việc ở nước ngoài tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: L.H.

Cò mồi, lừa đảo xuất khẩu lao động

Với lời hứa hẹn có công việc làm lương cao, thủ tục nhanh, dễ dàng và chi phí thấp, thủ đoạn không mới thế nhưng nhiều người dân tại Quảng Ngãi đã sập bẫy, dồn tiền, thậm chí vay mượn thêm để nhanh chóng được đi làm việc tại Hàn Quốc.

Những ngày gần đây các cơ quan báo chí liên tục đưa thông tin người dân ở xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) bị một người phụ nữ ở cùng địa phương lừa nộp hàng chục triệu đến 100 triệu đồng/mỗi trường hợp với lời hứa đưa đi xuất khẩu lao động ngắn hạn qua Hàn Quốc. Đến nay đã có hơn 100 người dân đưa tiền cho đối tượng này nhưng sau thời gian dài không có kết quả, họ mới tá hỏa biết mình bị “sập bẫy”. Hiện nay công an tỉnh Quảng Ngãi đã thụ lý vụ án và điều tra trong lúc đợi kết quả điều tra có không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì nợ nần.

Đáng chú ý, thời gian gần đây đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Việt Nam và phía Australia cấp phép để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật đưa đi làm việc tại Australia. Thứ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - Nguyễn Bá Hoan cho biết, thời gian qua đã xuất hiện một số tổ chức, cá nhân mạo danh được Bộ LĐTBXH và phía Australia lựa chọn để tuyển chọn, thu tiền của người lao động trái quy định của pháp luật, có nguy cơ mất an ninh, trật tự tại một số địa phương. Vì thế, để ngăn ngừa tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng thông tin về chương trình đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Australia trong ngành nông nghiệp để lừa đảo, thu tiền của người lao động trái quy định pháp luật, Bộ LĐTBXH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thông tin, tuyên truyền tới người lao động tại địa phương.

Trước đó, đầu tháng 3/2024, Bộ LĐTBXH Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia, và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM. Theo đó, hai bên sẽ thống nhất lựa chọn đơn vị thực hiện để đưa 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia, bắt đầu trong năm nay. Các doanh nghiệp tham gia phải được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hoặc đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, và đơn vị có tư cách pháp nhân đại diện cho Australia tại Việt Nam.

“Hiện nay, Bộ LĐTBXH và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đang phối hợp lựa chọn doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện trong năm đầu tiên, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa 6 doanh nghiệp Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết.

Cẩn trọng khi nộp hồ sơ qua mạng

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH, hiện tượng lừa đảo xuất khẩu lao động đang có dấu hiệu gia tăng. Nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng đã sử dụng các website, như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com… để tìm kiếm người lao động có nhu cầu. Các website được xây dựng chuyên nghiệp để lừa đảo người lao động.

Đáng chú ý nhiều trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) còn đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này, như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người dân. Đối tượng lừa đảo đưa ra các chương trình ưu đãi với chi phí thấp, thậm chí chỉ bằng một nửa so với các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, yêu cầu người lao động phải đặt cọc chi phí trong thời gian ngắn.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, đa số nạn nhân của lừa đảo xuất khẩu lao động đều ở xa, hoặc qua giới thiệu nên tin tưởng không đến làm việc trực tiếp, mà chỉ liên hệ, trao đổi thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Khi đến thời hạn mà không được xuất cảnh, người lao động liên hệ thì các tài khoản và số điện thoại này đều khóa hoặc chặn liên lạc. Do đó, người dân phải xác minh tìm hiểu thật kỹ về các công ty có tuyển dụng người đi lao động nước ngoài, có thể xác minh thông tin tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, đặc biệt không đóng tiền qua các trung gian.

Theo ông Liêm, trên trang web của Cục cũng đã đưa thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo lao động đi nước ngoài. Hiện tại, người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có giấy phép hoặc những công ty vi phạm tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn. Việc tra cứu rất đơn giản, vì thế, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan đến quyền và lợi ích của mình, đừng để “sập bẫy” lừa xuất khẩu lao động trên mạng.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, với thị trường Australia, Bộ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam sẽ thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, gồm các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và địa phương, Cổng thông tin điện tử của Bộ, Cục Quản lý lao động ngoài nước và trang fanpage của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. Qua đó, để các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đủ điều kiện biết đăng ký tham gia chương trình.

Khanh Lê