Sức khỏe

Thiếu máu dinh dưỡng: Nên ăn gì?

Hoàng Chiến 21/05/2024 16:07

Thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất do thiếu sắt khi chế độ ăn cung cấp không đủ, do tăng nhu cầu, mất máu mạn tính hoặc rối loạn hấp thu,... Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị thiếu máu dinh dưỡng.

Theo BS. Trần Việt Tiến, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), thiếu máu là khi có sự giảm hemoglobin (Hb: chất vận chuyển oxy có trong tế bào hồng cầu). Thiếu máu thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ lứa tuổi sinh sản, người mắc bệnh mạn tính và người cao tuổi.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu máu: thiếu máu dinh dưỡng, thiếu máu do các bệnh lý huyết học và thiếu máu do các bệnh lý mạn tính. Thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất do thiếu sắt khi chế độ ăn cung cấp không đủ, do tăng nhu cầu, mất máu mạn tính hoặc rối loạn hấp thu,….

Thiếu máu còn có thể bắt nguồn từ thiếu các vi chất khác (thường gặp là vitamin B12, acid folic). Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong điều trị thiếu máu dinh dưỡng.

anh-chup-man-hinh-2024-05-21-luc-14.53.58.png
Ảnh minh hoạ.

BS. Tiến cho biết, để dự phòng và điều trị thiếu máu dinh dưỡng cần chế độ dinh dưỡng đầy đủ các chất cần thiết cho quá trình tạo hồng cầu như: Cung cấp đủ năng lượng và protein; cung cấp đủ sắt, vitamin B12, acid folic; chế độ ăn đa dạng và cân đối các loại thực phẩm,...

Cụ thể, các thực phẩm nên dùng có thể kể đến như:

Thực phẩm có nguồn gốc động vật giàu protein và chứa sắt dễ hấp thu: thịt (thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm), trứng, tiết, phủ tạng động vật (gan, tim, cật), tôm, cua, cá

Các thực phẩm có nhiều sắt có nguồn gốc thực vật: rau lá xanh đậm, một số loại hạt (vừng, điều, hạt dẻ, hạnh nhân, hạt bí…)

Thực phẩm có nhiều vitamin C tăng hấp thu sắt: cam, bưởi, ổi, cà chua, xoài,…

Các thực phẩm giàu acid folic và B12: Quả chín, rau xanh (không nấu kĩ); thực phẩm có nguồn gốc động vật: thịt, cá, trứng, sữa có nhiều vitamin B12,...

Bác sĩ cũng lưu ý các thực phẩm mà người thiếu máu dinh dưỡng nên hạn chế dùng các thực phẩm có nhiều phytate, tanin, polyphenols cản trở hấp thu sắt như: trà, cà phê, ngũ cốc nguyên hạt, nho, đậu đỗ nên hạn chế ăn và nên ăn xa các bữa ăn chính.

Bên cạnh đó, với các thực phẩm nhiều phytate (ngũ cốc nguyên hạt, đậu đỗ) trước khi chế biến có thể ngâm kĩ 6-8 giờ để làm giảm lượng phytate, có thể thay thế bằng hạt nảy mầm (gạo lật nảy mẩm, giá đỗ) để làm giảm đáng kể lượng phytate.

Hoàng Chiến