Chuyên gia Jyoti Ngân Lê: Không ai có thể chữa lành cho mình trừ chính mình
Đến với yoga 20 năm, từ một phụ nữ vô sinh, Ngân Lê có con một cách tự nhiên nhờ thực hành yoga và theo các phương pháp hỗ trợ trị liệu từ yoga và Ayurveda giúp cô thay đổi lối sống. Hiện nay, Ngân Lê là giáo viên yoga cổ điển của tổ chức Sivananda Yoga Vedanta. Đồng thời, cô là chuyên gia chăm sóc sức khỏe trị liệu - phục hồi và chữa lành tự nhiên theo yoga và Ayurveda.
Theo chuyên gia Ngân Lê, từ “chữa lành” ngày nay được sử dụng phổ biến nhưng đâu đó trong chúng ta chưa hiểu đúng/ đủ và sâu sắc về giá trị thật của chữa lành mang lại:
“Theo kiến thức yoga cổ xưa, “chữa lành” chính xác là sự tự chữa lành, nghĩa là không ai có thể chữa lành cho mình trừ chính mình. Bởi vết sẹo đau thương đến từ những tổn thương xa xưa có người từ thời thơ bé, từ những đời sống trước đã hằn sâu trong tâm trí và ẩn sâu bên trong tâm hồn, vì thế để chữa lành, cách duy nhất là phải quay về tìm lại chính mình, tìm lại bản chất cốt lõi chân thật bên trong mình kết nối lại với sự bình an, niềm vui, niềm an lạc, hạnh phúc vô điều kiện luôn có sẵn bên trong mình là lúc sự tự chữa lành bắt đầu được xảy ra một cách tự nhiên.
Và các chất liệu từ bi, tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự cảm thông, tha thứ cho chính mình là những tâm dược quý báu mà không thể có một loại thuốc men nào bên ngoài thay thế được. Bởi kho tâm dược quý báu này nằm ở bên trong tâm hồn mỗi chúng ta khi sinh ra đã được tạo hóa ban tặng. Nhưng vì khuynh hướng của tâm trí luôn quay ra ngoài kiếm tìm và bám víu vì thế ta đã quên mất kho dược liệu quý này và từ đó các phương pháp chữa lành từ từ ngày càng nhiều hơn. Điều đó cũng thật tốt, tuy nhiên nó chỉ mang tính tạm thời, hỗ trợ điều trị triệu chứng, không thể đi sâu vào tận gốc rễ để sự chữa lành được bắt đầu từ gốc. Và cũng vì tính chất tạm thời nên khổ đau của con người chỉ dịu đi mà thôi, việc cần chữa lành vẫn còn đó.
Cụm từ “chữa lành” (healing) hiện nay được dùng phổ biến, rộng khắp và đang trở thành trào lưu. Từ nhu cầu thực tế của việc rối loạn, âu lo, trầm cảm từ bệnh dịch, tin tức tiêu cực, áp lực công việc, suy kiệt tinh thần bởi rạn nứt tình cảm từ gia đình, dẫn tới tổn thương về thể chất của nhiều người, các dịch vụ “chữa lành” cũng phát triển, mở rộng muôn hình vạn trạng. Cũng chính vì thiếu hiểu biết, nhiều người tốn số tiền lớn cho các hình thức chữa lành nhưng tinh thần, sức khỏe không phục hồi, mà càng thương tổn hơn...
Cho nên theo quan điểm của yoga cổ xưa: Chỉ khi nào tìm về lại và kết nối được với thiêng liêng màu nhiệm/ kho tâm dược quý báu luôn có sẵn trong tâm hồn của chính mình thì khi đó con người sẽ không còn khổ đau, bởi vết thương bên trong một cách tự nhiên đã được chữa lành.
Y học có thể chữa bệnh nhưng chữa lành thì không thể. Cũng như thuốc men có thể chữa bệnh trên thân thể nhưng không có một loại thuốc nào có thể chữa được những bệnh trong tâm hồn/tinh thần. Ngoài ra thói quen là một trong những nguyên nhân căn bản và cốt lõi để dẫn đến bệnh tật trong tâm/tinh thần.
Bởi giá trị cốt lõi của hai từ hạnh phúc đã không được hiểu đúng. Ta thường định nghĩa hạnh phúc theo quan điểm của xã hội đã khiến con người ta bị ngộ nhận hạnh phúc là phải có thêm, phải có được nhiều hơn sự ghi nhận công nhận nhiều hơn những giá trị vật chất thì khi đó mới gọi là hạnh phúc, điều đó hoàn toàn không chính xác bởi chúng ta nhìn thấy rất nhiều người có một cuộc sống đủ đầy đáng mơ ước nhưng họ vẫn không thể hạnh phúc vì những giá trị hạnh phúc bên ngoài chỉ mang tính tạm thời không dài lâu. Vì thế họ vật lộn với cuộc sống để giành giật thật nhiều những thứ mà ta cho là có được mới hạnh phúc, rồi từ kỳ vọng trở nên thất vọng, giận dữ, buồn lo. Những suy nghĩ tiêu cực này là chất liệu vô cùng độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần. Và bệnh tật trên thân cũng từ đây mà ra. Những hoạt động hoạt hóa trong cơ thể bị rối loạn dẫn đến mất ngủ, từ mất ngủ thì hàng loạt các bệnh lý cũng xuất hiện theo.
Theo Y học cổ xưa Ayurveda chứng minh có 3 vấn đề sau sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính năng hoạt động của toàn bộ chức năng trên cơ thể của chúng ta đó là: Ăn: thức ăn/ cách ăn; Giấc ngủ; Cách sử dụng năng lượng. Khi bị mất cân bằng 3 trụ cột này sẽ làm sức khỏe của một người sụp đổ hoàn toàn từ thân đến tâm theo thời gian. Từ tinh thần đến thể chất nến không có sự can thiệp hỗ trợ kịp thời”.
Chuyên gia Jyoti Ngân Lê đã làm việc trực tiếp và hỗ trợ khá nhiều người để tìm ra nguyên nhân gốc rễ những bệnh lý trên thân. Các thân chủ của chị tìm đến yoga để hỗ trợ, cải thiện, phục hồi tình trạng sức khỏe của họ: “Tôi nhận ra đến 99% tình trạng sức khỏe của họ là những vấn đề đến từ tinh thần và vấn đề họ gặp nhiều nhất là: nỗi sợ và sự gắn kết vào những giá trị sống đến từ bên ngoài: Sợ về sự tồn tại; Sợ không được công nhận; Sợ bị mất đi một thứ gì đó mà đã gắn kết từ rất lâu, trở nên quen thuộc không thể thiếu.
Yoga định nghĩa tình trạng này là đánh mất mình trong các mối quan hệ. Bởi con người sinh ra không thể sống một mình và với bất kỳ một đối tượng nào xuất hiện trong cuộc sống của một người thì mặc nhiên kiến tạo lên một mối quan hệ. Và vì thế các vấn đề cũng từ đó bắt đầu khởi sinh, sự không hài lòng, bất an, lo lắng, sự yêu thương và đánh mất mình trong tình yêu thương với các đối tượng bên ngoài, dẫn đến họ ngày càng rời xa chính mình lạc mất mình trong biển khơi của các mối quan hệ.
Những cảm giác bị bỏ rơi, cô đơn, cô độc buồn tủi, lo âu, thật sự là họ đã bỏ rơi chính mình. Cho nên sự chữa lành đã khó lại càng khó hơn, thậm chí là không hay chỉ là một sự ngộ nhận "tôi ổn" mà thực tế bên trong là đầy rẫy những bất an. Bởi chính họ là người rõ hơn ai hết, họ có thật sự bình an hay không khi họ đã đánh mất mối quan hệ với chính mình. Và cuối cùng là nỗi sợ chết.
Jyoti Ngân Lê lựa chọn yoga là con đường và là sứ mệnh là lẽ sống cho cuộc đời mình bởi những gì chị chia sẻ chính là một phần trên hành trình sống của chị: “Là những gì mà tôi đã từng trải qua, trải nghiệm và tôi may mắn được cứu chữa, chữa lành thật sự từ yoga”.