Quốc hội

Trừ điểm giấy phép lái xe: Biện pháp xử phạt hành chính hay bổ sung xử phạt hành chính?

Việt Thắng 22/05/2024 19:40

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến dự phiên thảo luận.

z5465136102197_a1314fedfa4abd572bf52e2d9f2d808b.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến tham dự phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)

Liên quan đến vấn đề trừ điểm giấy phép lái xe, ĐB Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, dự thảo Luật quy định người có hành vi vi phạm về pháp luật về trật tự giao thông đường bộ bị trừ điểm giấy phép lái xe. Tuy nhiên quy định này có hai vấn đề cần quan tâm làm rõ.

Theo ông Tám, cần làm rõ đây là biện pháp xử phạt hành chính hay biện pháp bổ sung xử phạt hành chính?. Ông Tám nhìn nhận, đây là biện pháp bổ sung xử phạt hành chính. Nếu như vậy thì cần bổ sung vào Dự thảo Luật theo hướng người có hành vi vi phạm pháp luật trật tự giao thông đường bộ vừa phải chịu xử phạt hành chính vừa phải bị trừ điểm giấy phép lái xe.

z5465422449146_846eb51485cc7a74b0280083fcc98285.jpg
Ông Tô Văn Tám phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa), trừ điểm giấy phép lái xe là quy định mới được quy định trong dự thảo Luật. Đây là một biện pháp quản lý nhà nước vừa đảm bảo tính răn đe, vừa đảm bảo tính giáo dục. Người lái xe vi phạm ở mức độ nghiêm trọng sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe và trong thời hạn 12 tháng khi chưa bị trừ hết điểm thì được phục hồi đủ 12 điểm.

“Khi giấy phép lái xe chưa bị trừ hết điểm, người lái xe tiếp tục được điều khiển phương tiện tham gia giao thông, không ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân. Qua đó đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo của pháp luật và quyền của công dân được quy định trong Hiến pháp”-ông Hải nói.

z5460704270493_3511a80f2ed7ddc8bc7ef7dd080af3fe.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)

Vị đại biểu của Đoàn Thanh Hoá cũng đánh giá, các quy định về điểm và điểm trừ của giấy phép lái xe cũng đáp ứng được yêu cầu thực tiễn ứng dụng, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong tình hình hiện nay. Song theo ông, cần xem xét, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. “Về về bản chất, đây cũng là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính”-ông Hải cho hay.

Về vấn đề trên, ĐB Bố Thị Xuân Linh (Đoàn Bình Thuận) nêu quan điểm, để đảm bảo công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện cần bổ sung điều khoản quy định về việc liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, về cập nhật, truy cập dữ liệu về điểm trừ giấy phép lái xe và thông báo đến người vi phạm được biết.

z5465474486527_8e2bf910ac103d75c3505fe822d2287d.jpg
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với đại biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, quy định điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe là phù hợp và cần thiết. Lý giải cho nhận định đó, bà Vân chỉ rõ tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Các tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Còn xảy ra nhiều tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết, bị thương nhiều người, nguyên nhân là do lỗi lái xe không chấp hành quy định pháp luật. Trong khi công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe còn nhiều bất cập, chưa phù hợp, chưa sát với thực tế, việc quản lý người lái xe sau khi được sát hạch, cấp giấy phép chưa thực sự chặt chẽ.

“Hệ thống điểm phạt đã được quốc tế áp dụng cách đây 50 năm, nên điểm và trừ điểm của giấy phép lái xe được quy định trong dự thảo Luật là biện pháp quản lý vừa có tính giáo dục răn đe giúp cho lái xe chú ý, cẩn thận hơn, chấp hành tốt hơn, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông”-bà Vân nói.

Việt Thắng