Trở về để nối tiếp âm nhạc truyền thống
Chu du khắp 100 quốc gia trên thế giới để học hỏi, tiếp nhận những tinh hoa âm nhạc quốc tế, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang với trái tim đam mê âm nhạc dân tộc đã quay trở về quê hương để trả món nợ ân tình cho chiếc nôi âm nhạc đã nuôi dưỡng anh từ những ngày thơ bé. Để rồi mơ về một nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam sẽ hội nhập với thế giới cùng với bản sắc riêng, không lẫn.
Từ một nghệ sĩ độc lập
Ngô Hồng Quang là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau như đàn nhị, bầu, môi, k’ny, tính, chiêng dây… và sở hữu một giọng hát đậm màu sắc dân gian.
Chặng đường theo đuổi âm nhạc của Ngô Hồng Quang từ thuở nhỏ cho đến khi lớn lên luôn được bồi đắp bằng những giai điệu của nhạc ngũ cung, của tiếng đàn nhị, đàn tính... thân thương của đồng bào các dân tộc.
Ngô Hồng Quang sinh năm 1983 ở Hải Dương. Xuất thân trong một gia đình có ông nội là người chơi đàn nhị nên những âm thanh dân tộc đã chảy trong anh từ thời thơ ấu.
Được nuôi dưỡng tình yêu bằng âm nhạc dân tộc, 11 năm sau đó Ngô Hồng Quang theo học âm nhạc truyền thống tại Nhạc viện Hà Nội. Đây là nơi giúp anh được tiếp xúc với nhiều loại hình âm nhạc dân gian khác nhau và tạo tiền đề đưa anh đến với con đường quảng bá âm nhạc Việt Nam ra thế giới sau này.
Sau 4 năm du học tại Nhạc viện Amsterdam và Nhạc viện Hoàng Gia Den Haag (Hà Lan), Ngô Hồng Quang tốt nghiệp loại xuất sắc. Sau đó anh chọn cho mình con đường sáng tác và biểu diễn độc lập, chu du khắp các nước trên thế giới, mang văn hóa âm nhạc Việt Nam đến với môi trường nghệ thuật đương đại. Sự đa dạng về tài năng của Ngô Hồng Quang được thể hiện qua giọng hát cũng như thể hiện qua các nhạc cụ diễn tấu đơn âm, đa âm như: đàn nhị, đàn bầu, đàn k'ny, đàn môi, đàn tính…
Trong những năm tháng phát triển sự nghiệp là một nghệ sĩ độc lập ở nước ngoài, anh chia sẻ: Tôi may mắn vì từ lúc bước chân vào trường học đã nhận được học bổng, nên tôi không gặp khó khăn tài chính mà chỉ là những vướng mắc về văn hóa lúc đầu.
Sau khi tốt nghiệp, tôi làm dự án âm nhạc độc lập, kết hợp với một số nghệ sĩ quốc tế và vẫn duy trì biểu diễn ở các nước trên thế giới, điều này làm tôi cảm thấy hạnh phúc, vẫn có thu nhập mặc dù không nhiều để trở thành người giàu có, nhưng thực sự là môi trường bên nước ngoài khiến tôi thấy an toàn, tự do và độc lập sáng tạo hơn.
Cơ hội rộng mở như vậy nhưng sau cùng Ngô Hồng Quang vẫn lựa chọn hướng về quê hương để góp sức mình cho nền âm nhạc Việt Nam. Mặc dù việc hoạt động như một nghệ sĩ độc lập tại Việt Nam sẽ gặp không ít khó khăn. “Ở Việt Nam tôi nghĩ nghệ sĩ độc lập sẽ khó hoạt động hơn vì phần lớn mọi người chọn sự ổn định trong các cơ quan đoàn thể, nhà hát...
Điều này đôi lúc hạn chế việc kết nối và nghệ sĩ khó có thể dành toàn thời gian cho tập luyện và những dự án riêng. Những nghệ sĩ cá nhân thường phải sống khá vất vả nếu không xin được tài trợ từ các trung tâm văn hóa, tổ chức quốc tế, hoặc các doanh nghiệp để thực hiện các dự án độc lập. Có được tài trợ tài chính thì các dự án sẽ được thực hiện một cách dễ dàng hơn và người nghệ sĩ sẽ toàn tâm toàn sức tập trung vào việc sáng tạo”, Hồng Quang tâm sự, đồng thời thừa nhận, đôi lúc cũng rơi vào trường hợp tương tự, tức là cũng phải xoay xở. Nhưng anh cho biết, vì bản thân là nghệ sĩ biểu diễn nên có nhiều cơ hội được mời diễn chỗ này chỗ kia, sáng tác âm nhạc cho dự án này dự án kia thì cuộc sống đỡ vất hơn. Nhưng nhìn chung, cuộc sống của nghệ sĩ độc lập ở Việt Nam không đơn giản và dễ dàng như mình nhìn một bức tranh, hay nghe một tác phẩm âm nhạc của họ trên đĩa CD.
Từng bước vượt qua khó khăn, Ngô Hồng Quang cần mẫn thực hiện nhiều dự án âm nhạc. Anh đi điền dã, sống cùng với bà con dân tộc vùng cao để hiểu về tập quán, nếp sống thì mới thấu cảm được chất âm nhạc riêng của từng dân tộc.
Tháng 4 vừa qua, Ngô Hồng Quang cho ra mắt album “Rạng đông” được phát hành dưới định dạng đĩa than. Album biểu đạt những khoảnh khắc văn hóa âm nhạc bản địa xuyên suốt từ Đông qua Tây Bắc và kéo dài tới vùng Duyên hải Nam Trung bộ.
Trong album có 8 tác phẩm, hầu như mỗi một tác phẩm đều mang một màu sắc âm nhạc riêng biệt của từng nhóm sắc tộc thiểu số Việt Nam, từ âm nhạc của người Tày, Nùng, Pa Dí, Xá, Mông tới âm nhạc của người Chăm. Album may mắn đã được nhiều khán thính giả đón nhận.
Càng làm về âm nhạc dân tộc, Ngô Hồng Quang càng nhận ra trách nhiệm của bản thân. Dẫu cho âm nhạc anh làm ra độc đáo, mang tính dị bản, sẽ khó chinh phục đại đa số khán giả, nhưng với Ngô Hồng Quang đó không phải là điều khiến anh chùn bước. Bởi Ngô Hồng Quang luôn mong muốn mở rộng những hướng đi cho thế hệ kế tiếp để gìn giữ, bảo tồn và làm mới cho âm nhạc dân tộc.
Đến những tâm huyết cho thế hệ trẻ
Rời những đô thị hiện đại, cuối năm 2023 khi quay trở về Việt Nam, Ngô Hồng Quang nhận ra sự thiếu thốn về môi trường cho các nghệ sĩ nhạc dân tộc theo hướng hiện đại hoạt động, sáng tác và biểu diễn. Với tinh thần chia sẻ và trao truyền lại kinh nghiệm sau bao năm tích lũy của mình, anh nảy ra ý tưởng đã thành lập một ban nhạc dân tộc bao gồm các bạn trẻ đang là sinh viên hoặc mới tốt nghiệp để góp phần châm ngòi cho môi trường âm nhạc dân tộc mới. Và nhóm nhạc Thiên Thanh đã ra đời với 9 thành viên, người ít tuổi nhất đang học lớp 8.
Ngô Hồng Quang cho biết, ban nhạc được thành lập với nguyện vọng nâng tầm giá trị âm nhạc truyền thống Việt Nam bằng hơi thở và ngôn ngữ âm nhạc đương đại.
“Với tinh thần yêu cái đẹp, cởi mở trong sáng tạo, tôn trọng các giá trị văn hóa bản địa, ngôn ngữ âm nhạc xuyên suốt của nhóm sẽ là sự kết hợp các yếu tố âm nhạc truyền thống với hiện đại; trình diễn các nhạc cụ dân tộc Việt Nam và các tác phẩm âm nhạc dân gian cũng như những sáng tác mới có sử dụng chất liệu cũ theo lối đương đại và quốc tế. Tuỳ theo nội dung dự án âm nhạc mà các hình thức biểu diễn của nhóm khác nhau và thay đổi về các loại nhạc cụ trình diễn. Có thể có những tác phẩm nước ngoài chơi bằng nhạc cụ dân tộc hoặc những phần trình diễn sử dụng nhạc cụ phương Tây tạo sự cộng hưởng và giao thoa văn hóa, âm nhạc với các nước trên thế giới, nhưng vẫn mang đậm yếu tố âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đặc biệt, chúng tôi đề cao tính nhịp điệu trong âm nhạc truyền thống, mỗi tác phẩm được phối khí lại hoặc sáng tác mới sử dụng chất liệu dân gian sẽ được biến tấu không chỉ về mặt hòa âm mà còn khai thác các thể loại nhịp điệu khác nhau, tạo nên không gian âm nhạc tươi mới, trẻ trung, đa sắc, phù hợp với thẩm mỹ âm nhạc đương đại", Ngô Hồng Quang chia sẻ.
Đáp lại những tâm huyết của người nghệ sĩ, các bạn trẻ trong nhóm Thiên Thanh cũng rất tự hào và hiểu được trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ âm nhạc dân tộc.
Nhưng khi nhìn vào chặng đường dài, người nghệ sĩ nào cũng mong muốn sẽ có được sự đồng hành của nhà nước, của các đơn vị nghệ thuật... để không vì những cơm, áo, gạo, tiền mà phải chia tay với âm nhạc truyền thống.
Khi âm nhạc truyền thống kén người nghe thì cách làm mới, biến tấu và dùng nó để đối thoại, hòa âm với âm nhạc của thế giới sẽ là con đường mà Ngô Hồng Quang cùng các học trò của mình tiếp tục theo đuổi.
Đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cho biết, liveshow “Về Kinh Bắc” được tổ chức vào ngày 18/5. Các tác phẩm được các nghệ sĩ trình diễn gồm: “Trẩy hội”, “Cây trúc xinh”, “Còn duyên”, “Lúng liếng”, “Quyết chí tu thân”, “Se chỉ luồn kim", "Mục hạ vô nhân” (xẩm), “Tình mẹ” (hát văn), “Ngồi tựa mạn thuyền”, “Bèo dạt mây trôi”, “Thường xuân”, “Trống cơm”.