Văn hóa

Loay hoay với sân khấu thiếu nhi

AN NHIÊN 23/05/2024 16:27

Kỳ nghỉ hè của học sinh đã tới, các nhà hát lại chuẩn bị nhiều vở diễn cho thiếu nhi. Mới đây, lần đầu tiên Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc năm 2024 tổ chức ở Hải Phòng đã trao 4 giải vàng cho các vở diễn "Chú mèo dạy hải âu bay", "Rồng thần trở lại", "Dế mèn phiêu lưu ký" và "Nắm xôi kỳ diệu".

Trong đó chỉ duy nhất vở “Nắm xôi kỳ diệu” của Nhà hát Chèo Hà Nội là rõ màu của nghệ thuật truyền thống.

Nói vậy để thấy, sân khấu dành cho thiếu nhi vẫn rất loay hoay về đề tài. Theo NSND Xuân Bắc - Chủ tịch Hội đồng giám khảo Liên hoan, bên cạnh cái được còn nhiều điều phải bàn, khi mà vẫn đưa cái nhìn của người lớn vào tác phẩm cho trẻ em, cách diễn của một số nghệ sĩ đã làm biến mất góc nhìn ngây thơ, trong sáng, đáng yêu của trẻ nhỏ.

NSND Xuân Bắc còn cho rằng, nhiều khi người ta còn chưa thực sự phân biệt rõ giữa tác phẩm đề tài thiếu nhi và tác phẩm dành cho thiếu nhi, khiến câu chuyện thiếu mạch lạc, tình huống không phù hợp, nhạy cảm, dễ gây ra sự nhầm lẫn trong nhận thức của khán giả nhỏ về ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm.

Cũng về vấn đề kịch cho thiếu nhi, làm rõ hơn về phong cách sân khấu truyền thống, đạo diễn Lê Nguyên Đạt chia sẻ, kịch nói thiếu nhi thì nhiều, cải lương thiếu nhi vẫn khó. Hè năm nay, khán giả nhí ở TPHCM sẽ có nhiều lựa chọn bởi có đến 5, 6 vở xiếc, kịch thiếu nhi đồng loạt ra mắt. Trong khi cải lương thiếu nhi chỉ có một vở “Lá cờ thêu 6 chữ vàng”.

Vì sao lại như vậy? Theo ông Đạt, kịch nói dễ tiếp cận với thiếu nhi hơn vì mới, tiết tấu nhanh. Còn cải lương phải hiểu niêm luật, các bạn trẻ 18, 19 tuổi nhiều khi chưa đủ chịu khó để xem nói gì đến các bạn nhỏ. Quan trọng nữa là… tiền. Đầu tư làm một vở cải lương luôn tốn kém hơn vở kịch thông thường, thế nhưng giá vé bán cho trẻ em thì không thể cao. “Đại hạ giá” thì thấp nhất cũng phải 100.000 đồng/vé. Nghĩa là đã làm cải lương thiếu nhi thì phải đau đầu tính toán việc thu hồi vốn. Thật sự khó trong thời buổi cơm áo gạo tiền này.

Mà trẻ em thì lấy đâu ra tiền. Muốn mua gì cũng phải xin cha mẹ. Cha mẹ không quan tâm đến “món ăn tinh thần” cho con thì coi như bằng không.

Nhân câu chuyện “tiền”, lại nhớ đến 2 đêm diễn của nhóm nhạc nữ BlackPink vào ngày 29 và 30/7/2023 tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Có tới 67.443 người xem, trong đó có nhiều em trong độ tuổi từ 11 - 15. Cả 2 đêm diễn đều cháy vé, thu về 333,4 tỷ đồng (theo thống kê của Touring Data).

Một bà mẹ trẻ hào hứng khoe rằng, chị đã bỏ ra 20 triệu đồng mua vé bay, mua vé xem, thuê chỗ nghỉ, ăn uống, mua quần áo (màu hồng - đen chủ đạo của BlackPink cùng các phụ kiện đi kèm) để con bay từ TPHCM ra Hà Nội xem.

Tính ra, nếu với giá vé 100.000 đồng thì một lần xem show diễn BlackPink đủ để một em nhỏ xem được 200 buổi diễn cải lương đưa vào trường học.

Tất nhiên mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng chẳng lẽ nó không nói lên điều gì hay sao?

AN NHIÊN