Bảo vệ trẻ em trước hệ lụy thuốc lá điện tử
Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2024 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát động với chủ đề “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá”.
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi UBND các đại phương về việc tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2024 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở các hộ gia đình, nơi cộng cộng và nơi làm việc. Đây là những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023.
Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp, chỉ đạo tổ chức các hoạt động tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá; hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 - 31/5.
Các địa phương tổ chức thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ qua việc xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về việc thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030; đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương theo từng thời kỳ; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án khác của địa phương…
Bộ Y tế cho biết, trong thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Theo báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7%. Còn theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của WHO và Điều tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh/thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, hầu như ngày nào đơn vị cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử. Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe.
Dẫn số liệu của Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Campaign for Tobacco-Free Kids, Hoa Kỳ, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm sản phẩm thuốc lá điện tử đang tăng lên. Cụ thể, đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ quy định cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan ( Trung Quốc) và Venezuela đã chuyển từ quy định kiểm soát sản phẩm này như dược phẩm sang quy định cấm hoàn toàn.