Chính trị

Phân cấp, phân quyền trong quản lý giao thông đường bộ

H.Vũ 24/05/2024 09:20

Chiều 22/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quy định cấm đã chặt chẽ chưa?

Đó là câu hỏi được nhiều ĐBQH đặt ra đối với quy định về “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu có nồng độ cồn”.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, liên quan đến việc cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, đa số ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật; một số ĐBQH đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất về nồng độ cồn trong máu và hơi thở đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan. Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

“UBTVQH nhất trí với dự thảo Luật và hầu hết các ý kiến đều nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân, bảo vệ nguồn lực cho xã hội. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này tại khoản 2 Điều 10 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý” - ông Tới nói.

Theo ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH Bình Dương), vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các cơ sở thuyết phục để Quốc hội quyết định sao cho Luật thông qua sẽ thấu tình đạt lý, đáp ứng được nguyện vọng của đa số nhân dân.

ĐB Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH Bắc Giang) bày tỏ băn khoăn: Quy định cấm đã thực sự đầy đủ, chặt chẽ hay chưa? liệu có dẫn đến việc có trường hợp bị xử lý oan sai hay không, nhất là đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nội sinh.

Ông Tuấn đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Khoản 2, Điều 10 của dự thảo Luật về hành vi bị nghiêm cấm theo hướng: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; trừ trường hợp trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hoá nồng độ cồn nội sinh”. Đồng thời cần bổ sung quy định về việc, giao cho Chính phủ quy định chi tiết trường hợp cần xác định và cách thức xác định nồng độ cồn nội sinh đối với người bị bệnh khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhằm tránh việc xử lý oan sai đối với các trường hợp này.

Nhiều ý kiến đồng tình quy định trừ điểm giấy phép lái xe

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn ĐBQH Bến Tre) cho rằng, dự thảo Luật quy định về điểm của giấy phép lái xe là quy định mới nhằm quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe. Việc trừ điểm giấy phép lái xe, tiến tới hạn chế áp dụng biện pháp xử phạt hành chính bổ sung là tước giấy phép lái xe như hiện nay mang tính nhân văn, đồng thời cũng đáp ứng được yêu cầu trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, bà Nhi không đồng tình với quy định trường hợp giấy phép lái xe bị trừ hết điểm, người được cấp giấy phép lái xe phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.

Theo bà Nhi, việc này nên giao cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Vì theo khoản 8 điều 60, khoản 7 điều 61 của dự thảo Luật thì Bộ GTVT quy định hình thức, nội dung, chương trình, quy trình đào tạo lái xe và sát hạch để cấp Giấy phép lái xe.

Cùng quan điểm, ĐB Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH Lâm Đồng) nói: “Tại Thông tư số 12 năm 2017 Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ thì Tổng Cục đường bộ thuộc Bộ GTVT là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe, và nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác sát hạch giấy phép lái xe. Do đó cần cân nhắc đánh giá tác động tính đồng bộ của việc phân cấp, phân quyền trong quản lý giao thông đường bộ”- bà Tú Anh nói.

H.Vũ