Tăng cường năng lực nội tại và sức chống chịu của nền kinh tế
Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Giá chung cư leo thang, giá vàng “nhảy múa”
Đề cập đến giá nhà chung cư tăng cao trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, cử tri rất băn khoăn với giá nhà chung cư leo thang ở Hà Nội. Giá rất cao so với các năm trước đây dẫn đến việc người có thu nhập trung bình rất khó khăn.
Giá cao như vậy song lượng giao dịch thành công với giá “trên trời” là rất ít. Việc tăng giá nhà chung cư bất thường vừa qua không phải là dấu hiệu của sốt đất, sốt nhà như trước đây mà có dấu hiệu bất bình thường.
“Cử tri và các chuyên gia cho rằng việc tăng giá chung cư bất thường ở Hà Nội trong thời gian vừa qua có phải là chiêu trò của nhóm đầu cơ liên quan đến giá nhà chung cư. Chiêu trò này liệu có đẩy mặt bằng giá nhà lên giá mới hay không?” - bà Thuỷ đặt câu hỏi và đề nghị Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng của TP Hà Nội tiếp tục làm rõ, kiểm tra chặt chẽ hơn nữa để có biện pháp xử lý kịp thời những dấu hiệu bất thường, có quy định và chính sách xử lý phù hợp hơn.
ĐB Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH Điện Biên) cũng cho rằng không thể không nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường. Ví dụ như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (DN) trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định. Do đó cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
“Đối với thị trường vàng, chúng ta thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi. Đối với thị trường bất động sản, việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân cũng cần phải điều chỉnh. NOXH có nơi thì thừa, nơi thì thiếu. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NOXH mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp” - bà Yên nói và đề nghị cần phải làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan vì sao chính sách của chúng ta là rất tốt, rất nhân văn, thế nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi.
Về nhà tái định cư, bà Yên chỉ rõ: Con số thừa 14.000 căn nhà tái định cư tại quận Bình Tân, thành phố Thủ Đức (TPHCM); hay ở Hà Nội cũng có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang như ở quận Long Biên, Cầu Giấy đã làm lãng phí nguồn lực tài chính công, trong khi người dân thì vẫn còn thiếu chỗ ở. Do đó cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Chỉ rõ quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, ĐB Phạm Văn Hoà (Đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho rằng giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ, có khả năng tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần giải pháp dài hạn để quản lý bình ổn thị trường vàng.
Theo ông Hoà, việc đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ là giải pháp tạm thời bởi giá vàng vẫn không giảm mà có xu hướng tăng. “Để thị trường vàng ổn định, không phải lên xuống bất thường như hiện nay cần bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng của NHNN, sửa đổi bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ cho phép DN nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN” - ông Hoà nói và cho rằng, sở dĩ giá vàng tăng là do nguồn cầu quá lớn, người dân rút tiền gửi ngân hàng để mua vàng do lãi suất tín dụng không còn hấp dẫn.
Cùng quan tâm đến giá vàng, ĐB Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cũng nhấn mạnh việc Nghị định 24/NĐ-CP đã hết giá trị lịch sử. Theo ông Ấn, cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng vàng hoá như trước đây. “Việc NHNN càng đấu thầu giá vàng càng lên chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hoá” - ông Ấn nói.
Kích cầu trong nước, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Đề cập đến giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2024, ông Hoàng Văn Cường - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cầu trong nước suy giảm rất rõ, thể hiện ở chỉ tiêu số DN tham gia vào thị trường thấp hơn so với số DN rút lui khỏi thị trường, báo hiệu cầu tăng trưởng sản xuất sẽ gặp khó khăn. Do đó cần các giải pháp để kích cầu trong nước, các chính sách tài khóa như giảm thuế VAT môi trường giãn hoãn các khoản đóng tiền quỹ đất. Đang có dư địa tài khóa tốt thì phải thực hiện để giảm khó khăn cho DN.
Để phục hồi cầu trong nước, theo ông Cường phải làm sao để khơi thông cho các hoạt động của DN, để tạo ra tin tưởng nhiều hơn vào việc mở rộng quy mô sản xuất. Theo công bố của VCCI, DN nhìn thấy nhiều rào cản, trong đó rào cản thể chế vẫn rất lớn, 51,5% số DN nhận thấy các cơ quan thực thi không thực hiện các ý kiến chỉ đạo. Do vậy, cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. “Đề nghị Quốc hội phải có nghị quyết để tháo gỡ, trao quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật được linh hoạt áp dụng pháp luật, thay vì cái gì cũng sợ sai” - ông Cường nói và đề nghị cần tăng kích cầu tạo đà cho DN quay trở lại thị trường tốt hơn.
Theo ĐB Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐBQH TPHCM) đầu tư tư nhân đang “yếu dần” qua các năm. Năm 2024 chỉ tăng 4,2%. “Đầu tư tư nhân là bài toán rất quan trọng đóng góp mạnh mẽ vào tổng cầu, kích thích kích hoạt nền kinh tế. Cần mạnh mẽ kích cầu sản xuất trong nước, trước hết là thông qua chính sách tài khóa như thuế, đang còn dư địa rất lớn từ nợ công để kích thích, mở rộng sản xuất. Dành nguồn lực chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả từ các chính sách khác để tập trung cho những chính sách đang thực hiện tốt, khơi thông nguồn lực đầu tư” - ông Tuấn nói.
Chỉ rõ thời gian qua DN thành lập mới tăng nhưng giải thể, phá sản, ngừng hoạt động cũng tăng rất cao, số vốn thành lập của DN giảm dần; DN được hỗ trợ nhưng thủ tục rất nhiêu khê, mất nhiều thời gian - ông Tuấn kiến nghị cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa. Thủ tục phải đơn giản hơn, nguồn lực dành cho hỗ trợ phải thực sự đi vào hoạt động của DN mới khuyến khích sự thành lập, lôi kéo nguồn lực xã hội vào đầu tư.
ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Lạng Sơn) nhắc đến việc nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình hiện hữu. “Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều vào các FTAs, đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao? Độ mở bao nhiêu là phù hợp? Nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào? Từ đó xác định lại động lực và mô hình phát triển” - ông Nghĩa nói.
Thông cáo ngày họp thứ 4 kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
Thứ Năm, ngày 23/5/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ tư của Kỳ họp thứ 7 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.
Buổi chiều: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV. Tại phiên họp đã có 19 lượt ý kiến đại biểu phát biểu. Các ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); đánh giá cao trong thời gian qua, UBTVQH, Ban Dân nguyện đã rất quan tâm đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: những khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch khoáng sản, tín dụng, kinh doanh vàng; giải pháp đối với tình trạng lừa đảo trực tuyến...
Các ý kiến đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện quy định về phương pháp, phạm vi giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; cần ban hành nghị quyết chuyên đề sau khi Quốc hội thảo luận về kiến nghị của cử tri tại kỳ họp, nghị quyết hướng dẫn về công tác dân nguyện của Quốc hội; Hội đồng nhân dân; triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên thông trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri; rà soát những kiến nghị của cử tri đã được nêu ra nhiều lần nhưng chưa được giải quyết; các bộ ngành cần nâng cao chất lượng, tiến độ trả lời các kiến nghị của cử tri.
Theo VPQH