Làm việc lớn, bắt đầu từ việc nhỏ
Tam Chung là một trong những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa). Địa hình chủ yếu là đồi, núi dốc, thiếu đất canh tác… đã khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với cách làm từ việc nhỏ đến việc lớn, việc dễ làm trước, việc khó làm sau… Tam Chung đã dần có dáng dấp của một xã nông thôn mới (NTM).
Chúng tôi trở lại xã Tam Chung sau gần 10 năm - quãng thời gian đủ dài để một xã đặc biệt khó khăn chuyển mình. Vẫn những ngọn núi, đồi dựng đứng xếp lớp dưới cái nắng ngạt thở mùa hè, nhưng Tam Chung giờ đã khác. Con đường rải nhựa rộng rãi, nối từ thị trấn Mường Lát vào đến tận trung tâm xã, tỏa ra 2 bên là những đường nhánh được bê tông hóa kiên cố dẫn vào sâu các bản làng. Dọc 2 bên đường, những mái tôn xanh, đỏ nằm nép mình sau những rạng vầu, cây lưu niên xanh tốt…
Ông Vi Văn Thuận - Trưởng bản Poọng cho biết, trận lũ hồi đầu tháng 9/2018, đã kéo sập hoàn toàn 33 ngôi nhà của bà con dân bản, 42 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Hầu hết các tài sản như: Trâu, bò, gia súc, gia cầm đều bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ. Điều khiến cán bộ và người dân lo lắng và nuối tiếc hơn cả là bao nhiêu công sức dồn cho các tiêu chí xây dựng NTM, mới được manh nha đã “đổ sông, đổ biển”. Sau lũ, các tiêu chí xây dựng bản NTM gần như trở về con số 0. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, hai khu tái định cư mới của bản được hình thành. Người dân được chuyển đến sống tập trung, cất dựng những ngôi nhà mới khang trang. Được “an cư”, bà con Bản Poọng lại bắt tay vào xây dựng lại các tiêu chí của bản NTM.
“Những ngày sau lũ, nhìn đống hoang tàn đổ nát, không chỉ cán bộ mà hầu hết dân bản đều mang tâm trạng lo lắng. Nhờ có Đảng và Nhà nước kịp thời quan tâm, đầu tư xây dựng 2 khu tái định cư, bà con yên tâm an cư lạc nghiệp. Bà con dân bản cũng đã xác định, chỉ có xây dựng thành công NTM thì mới có thể thoát khỏi đói nghèo” – ông Thuận nói và cho biết thêm: Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo xây dựng NTM, cán bộ xã Tam Chung đã thường xuyên xuống các bản để giám sát, đánh giá tiến độ xây dựng các tiêu chí, từ đó kịp thời nắm bắt những khó khăn, đề xuất, kiến nghị của người dân để đưa ra những giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã linh hoạt vận dụng các nguồn vốn hỗ trợ từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, như: Xây dựng NTM, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội trong xã.
Đến nay, diện mạo của bản Poọng đã có nhiều thay đổi, bản chỉ còn 3 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo. Nhiều hộ phát triển chăn nuôi cho thu nhập cao. Nhiều gia đình có con em đi làm ăn xa, đi xuất khẩu lao động, vươn lên khá giả. Tháng 12/2023, bản Poọng về đích bản NTM.
Ông Lò Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết, đến nay, xã có 3/8 bản hoàn thành xây dựng NTM. Năm 2024, xã phấn đấu xây dựng bản Tân Hương và bản Pom Khuông về đích NTM.
Trong thực hiện các tiêu chí của xã NTM, đến nay Tam Chung đã đạt được 9/19 tiêu chí. Trong đó một số tiêu chí được ghi nhận, như: 8/8 bản có đường nhựa, bê tông đi đến trung tâm xã. Đường trục chính của các bản được cứng hóa đạt 73%. Tỷ lệ diện tích được tưới tiêu chủ động, trung bình toàn xã đạt trên 75%. Cả 8/8 bản đều đã có điện lưới, tỷ lệ các hộ sử dụng điện an toàn đạt trên 96%. Có 7/8 nhà văn hóa đã được xây dựng kiên cố, 1 nhà văn hóa đang được đề xuất đầu tư xây dựng năm 2024...
Theo ông Liệu, để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM, làm từ việc nhỏ đến việc lớn, việc dễ làm trước, việc khó làm sau. Đặc biệt là có sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức của đồng bào trong phát triển kinh tế, chung tay xây dựng NTM.
Tuy nhiên, theo ông Liệu, mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng điều dễ nhận thấy ở một xã miền núi khó khăn như Tam Chung là nguồn lực xây dựng NTM còn rất yếu và thiếu.
“Để xã NTM bền vững, nâng cao chất lượng đời sống bà con, nhân dân, chúng tôi hướng đến việc kêu gọi, xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên loại hình du lịch cộng đồng dựa trên những tài nguyên thiên nhiên của địa phương, trong đó xã đang định hướng xây dựng bản Lát thành điểm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, đầu tư kết nối tuyến giao thông giữa các điểm tham quan như từ hang Da Báo, hang Thắm Táu lên khu Sài Khao (xã Mường Lý). Nếu du lịch hình thành, phát triển, sẽ góp phần phát triển kinh tế địa phương và đẩy nhanh tiến trình về đích NMT của xã” - ông Liệu nói.