Đại nhạc kịch kể những chuyến tàu lịch sử
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Dòng sông kể chuyện” mùa 2 với chủ đề “Chuyến tàu huyền thoại” sẽ diễn ra lúc 20h ngày 31/5 tại Khu Nhà Rồng Khánh Hội - Cảng Sài Gòn. Đây là sự kiện nhằm tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn, giới thiệu vẻ đẹp của đất nước thông qua nghệ thuật…
Đại diện Sở Du lịch TPHCM cho biết, đêm khai mạc Lễ hội sông nước lần thứ hai với điểm nhấn là vở nhạc kịch "Chuyến tàu huyền thoại".
Đây là đại nhạc kịch ngoài trời gồm 5 chương, kể câu chuyện về những chuyến tàu lịch sử gắn với những dấu mốc quan trọng của TPHCM trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc đi từ quá khứ đến hiện tại.
Những người làm chương trình đã dành hơn 6 tháng nghiên cứu các chất liệu lịch sử để thực hiện buổi diễn với hơn 1.000 diễn viên và khoảng 9.000 người tham dự trực tiếp.
Chương trình do nữ đạo diễn Lê Hải Yến - người đã thành công rực rỡ với “Dòng sông kể chuyện” mùa đầu tiên năm 2023 làm Tổng đạo diễn. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Đức Trí, biên đạo múa Tấn Lộc, nhà thiết kế Nguyễn Việt Hùng…
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, “Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” sẽ tái hiện và tôn vinh lịch sử hào hùng của sông Sài Gòn thông qua câu chuyện về những chuyến tàu. Đây sẽ là một vở đại nhạc kịch ngoài trời lần đầu tiên được tổ chức trên sông Sài Gòn, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch, cùng những công nghệ trình diễn hiện đại nhất hiện nay để tái hiện một câu chuyện về lịch sử đồ sộ của dân tộc.
Chương trình được ê-kíp thực hiện dàn dựng theo xu hướng edutainment (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) nhằm tôn vinh giá trị lịch sử và văn hóa, tự tôn dân tộc trong cộng đồng giới trẻ bằng các hình thức nghệ thuật hiện đại.
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến tiết lộ, "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” ý nghĩa không chỉ ở tính sử thi, chương trình còn là một sản phẩm đầy tâm huyết của những con người yêu thành phố, bất kể họ là ai và đến từ đâu.
Tính chân thật là một yếu tố rất được đề cao, tôn trọng trong “Chuyến tàu huyền thoại”. Các diễn viên vào vai những nhân vật lịch sử đều được lựa chọn cẩn trọng.
Đặc biệt, các diễn viên trong vai lãnh tụ như anh Ba (NSƯT Trần Tuấn Lin đảm nhiệm), vai bác Tôn Đức Thắng (nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn đảm nhiệm) đều trải qua các quy trình kiểm tra khắt khe. Hay như NSƯT - nhà giáo ưu tú Mạnh Dung vào vai người ông kể các câu chuyện trong chương trình cũng là một “nhân chứng lịch sử” từng đi trên con tàu Sông Hương huyền thoại cách đây 49 năm.
Khán giả đã không còn xa lạ với NSƯT Trần Tuấn Lin - một người con quê ở Quảng Bình, Phó Trưởng Đoàn ca kịch cố đô Huế thuộc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế). Qua 20 năm công tác, anh đã thể hiện nhiều vai diễn về các nhân vật lịch sử.
Tham gia "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại”, NSƯT Trần Tuấn Lin một lần nữa hóa thân người thanh niên Nguyễn Tất Thành (với tên gọi Nguyễn Văn Ba hay anh Ba) lên tàu rời bến cảng Nhà Rồng, ra đi tìm đường cứu nước.
Đã nhiều lần anh vào vai Bác Hồ trong vở ca kịch “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”, vở kịch “Cha, con và Tổ quốc”, “Bến đợi”, hay đóng hình tượng Bác trong chương trình nghệ thuật “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”... nhưng NSƯT Trần Tuấn Lin có cảm xúc đặc biệt khi tham gia chương trình lần này.
“Làm nghề 20 năm, tôi may mắn được thể hiện hình tượng của Bác Hồ ở các giai đoạn, đặc biệt là hình tượng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Tôi đã thử sức nhiều thể loại sân khấu truyền thống, đương đại, phim nhựa, phim truyền hình, tham gia các sự kiện lớn nhỏ... Đây là lần đầu tôi tham gia đại nhạc kịch ngoài trời, kết hợp giữa yếu tố điện ảnh, âm nhạc và vũ kịch cùng những công nghệ trình diễn hiện đại”, NSƯT Trần Tuấn Lin chia sẻ.
Chung cảm xúc hạnh phúc và vinh dự là nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn khi đảm nhận vai bác Tôn Đức Thắng trong chương trình "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại”. Hồ Giang Bảo Sơn là một trong những diễn viên chủ lực của sân khấu Thiên Đăng, anh đã tham gia nhiều vở diễn và hàng chục phim truyền hình nổi tiếng.
Nghệ sĩ Hồ Giang Bảo Sơn chia sẻ, ngay sau khi nhận vai, anh đã xin ý kiến hai người thầy của mình ở mảng sân khấu là nghệ sĩ Thành Lộc và nghệ sĩ Hữu Châu. Anh cũng cho biết, đã tìm hiểu thêm tư liệu, hình ảnh, xem phim... về bác Tôn, nghiên cứu phong thái, cách nói chuyện... để thể hiện sự hùng hồn, khí phách của một vị lãnh tụ.
Theo nghệ sĩ Bảo Sơn, điểm đặc biệt và khác biệt của chương trình “Chuyến tàu huyền thoại” so với các chương trình nghệ thuật khác anh từng tham gia chính là quy mô và giá trị truyền tải.
“Về quy mô, chương trình được đầu tư rất lớn, dàn dựng hoành tráng, kịch bản công phu và có sự tham gia của rất nhiều nghệ sĩ. Điều này mang lại một trải nghiệm nghệ thuật đẳng cấp, ấn tượng chưa từng có cho người xem tại TPHCM. Điều ấn tượng nhất chính là giá trị truyền tải thông điệp lịch sử trong chương trình. Kịch bản được viết công phu, khai thác sâu sắc những sự kiện và câu chuyện lịch sử, mang lại cho người xem cái nhìn mới mẻ và sâu sắc về quá khứ. Điều này không chỉ mang ý nghĩa giải trí, mà còn có giá trị về mặt văn hóa và giáo dục.
Tôi thực sự tự hào khi được tham gia một chương trình như vậy, và tin rằng đây sẽ là một tác phẩm nghệ thuật để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả”, nghệ sĩ Bảo Sơn chia sẻ.
Chương trình "Dòng sông kể chuyện mùa 2 - Chuyến tàu huyền thoại” sẽ kể những câu chuyện lịch sử cận đại được diễn ra ngay trên dòng sông Sài Gòn qua 5 chương: Hạ thủy - Cập bến - Ra khơi - Dậy sóng - Vươn xa.
Bên cạnh chương trình đại nhạc kịch, Lễ hội sông nước TPHCM lần hai (từ đêm ngày 31/5 - 8/6) sẽ có 17 hoạt động gắn với sông ngòi, kênh rạch như thể thao dưới nước, diễu hành trên sông, không gian tái hiện chợ nổi miền Tây, tuần lễ trái cây trên bến dưới thuyền. Lễ hội năm nay tiếp tục khẳng định thương hiệu du lịch TPHCM là đô thị sông nước đặc thù và tăng cường tính liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ.