Kinh tế

‘Mắt xích’ quan trọng của chuỗi nông sản

DUY KHANG 26/05/2024 07:30

Nhiều sản phẩm nông sản của bà con nông dân sau khi thu hoạch đã được đưa đi tiêu thụ có một phần không nhỏ vai trò của thương lái. Có thể thấy, thương lái là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản Việt.

7.jpg
Tiêu thụ lúa gạo đảm bảo đầu ra có một phần quan trọng nhờ vai trò của thương lái.

Thúc đẩy tiêu thụ nông, thủy sản

Thực tiễn cho thấy, kênh liên kết tiêu thụ nông sản phổ biến từ nông dân sản xuất đến doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu đều có sự tham gia của hệ thống thương lái.

Như vậy, không thể phủ nhận, trong chuỗi sản xuất nông sản, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo, thương lái đóng vai trò quan trọng sau mỗi mùa vụ.

Thương lái giúp các công ty lương thực có thể tiếp cận mua lúa tươi tại ruộng cho người dân trồng lúa, qua đó, giải được bài toán vận chuyển cho người nông dân cũng như giải quyết khâu phơi sấy sau khi thu hoạch lúa.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất dồi dào tiềm năng cho phát triển nông sản. Tuy nhiên, bà con nông dân vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống, bởi vậy, nguyên liệu cho chế biến nông sản, thủy sản đều là động thực vật tươi sống. Với điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, sản phẩm nông sản thu hoạch xong sẽ rất dễ hư hỏng, nếu không thu gom, bảo quản, vận chuyển, chế biến kịp thời.

Tương tự, trong dây chuyền sản xuất nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm đầu ra của DN này là nguyên liệu đầu vào cho DN khác, tạo nên chuỗi liên kết khép kín từ khâu thu hoạch, thu gom nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản, chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa.

Chính bởi vậy, trong chuỗi liên kết này, thương lái là một mắt xích quan trọng. Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, từ bao đời nay ngành nông nghiệp và thủy sản ở khu vực này đều gắn liền với “thương lái, hàng xáo”. Quả thực, đội ngũ thương lái đã và đang góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông, thủy, hải sản cho bà con nông dân hết sức hữu hiệu.

Cùng với đó, nhiều DN cũng nhờ “mắt xích” thương lái mà bài toán sản xuất kinh doanh được suôn sẻ, trôi chảy hơn.

Nhiều DN cho biết, họ thích mua lúa thông qua thương lái vì đỡ phải ứng tiền trước cho người trồng lúa trong thời gian dài. Việc mua nông sản, thủy sản qua thương lái cũng được giải quyết nhanh gọn và thuận lợi hơn nhiều so với việc DN phải đến tận vườn, tận ruộng để ngã giá với nông hộ.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, sự liên kết giữa thương lái và nông dân bộc lộ nhiều hạn chế và nhiều bất cập, đôi lúc trở thành vấn đề vướng mắc trong khâu tiêu thụ giữa thương lái với người sản xuất lúa, mà nguyên nhân là do một bộ phận thương lái dùng “mánh khóe” để ép giá người trồng lúa.

Nói về những ưu việt mà “mắt xích” thương lái mang lại trong chuỗi giá trị nông sản nói chung, ngành hàng lúa gạo nói riêng, kỹ sư Võ Quốc Trung (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng) cho hay, trong chuỗi liên kết tiêu thụ lúa gạo, thương lái cung cấp thông tin đến môi giới trung gian về nhu cầu giống lúa, số lượng, thời điểm và giá mua; khảo sát đồng ruộng khi nhận được phản hồi thông tin của môi giới.

Trước thời điểm thu hoạch khoảng 10-15 ngày, thương lái thỏa thuận với nông dân thông qua giới thiệu của môi giới. Xác lập các thỏa thuận cụ thể về giá lúa, ngày thu hoạch, giờ bắt đầu vận hành máy gặt, địa điểm giao nhận, bốc xếp, hình thức thanh toán, các trường hợp phát sinh khách quan kéo dài việc thực hiện thỏa thuận mua bán… và chốt “đặt và nhận cọc” cam kết việc thống nhất thỏa thuận mua bán.

Tiếp đó, thương lái điều chuyển phương tiện phù hợp đường thủy hay đường bộ đến địa điểm thỏa thuận giao nhận lúa. Có thể khẳng định, thương lái là chiếc cầu nối, là mắt xích không thể thiếu trong chuỗi liên kết tiêu thụ hiện nay.

Nâng cao uy tín cho thương lái

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ thương lái, TS Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, đa phần bà con nông dân thích mua bán với thương lái hơn so với Hợp tác xã hoặc DN. Sở dĩ như vậy là bởi tính linh hoạt trong quá trình thỏa thuận mua bán giữa đôi bên.

Lâu nay, bà con nông dân thích giao dịch đơn giản nên cứ thuận mua vừa bán là “chốt đơn” và hơn thế, người nông dân sẽ được “tiền trao cháo múc” ngay sau khi bán lúa cho thương lái. Đối với những hộ nghèo nhưng cần mua vật tư, hàng hóa phục vụ đời sống, họ cho vay ngay, kịp thời, có thể trả theo mức thỏa thuận hoặc vay không lãi với điều kiện giá bán nông, thủy sản cho họ thấp hơn… trong khi đó ngân hàng, DN khó đáp ứng được vì còn qua nhiều thủ tục.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu việt mà “mắt xích” thương lái tạo nên, thì cũng còn đó nhiều bất cập. Tình trạng bỏ cọc, ép giá khiến bà con nông dân nhiều khi thấy bất an mỗi vụ mùa đến. Đó cũng là lý do vì sao vẫn tái diễn tình trạng “được mùa mất giá” và “kêu cứu giải cứu” nông sản cứ mỗi vụ thu hoạch loại một loại nông sản nào đó.

Để giải quyết tình trạng này, TS Trần Minh Hải cho rằng, thương lái “cần có giấy chứng nhận hành nghề”, được đăng ký hành nghề, đó chính là những “công cụ” giúp bà con nông dân phân biệt được thương lái tốt, uy tín và thương lái thiếu uy tín.

“Đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích tập hợp thương lái vào các nhóm, câu lạc bộ trên cơ sở tự nguyện để thương lái cùng trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong bảo quản, vận chuyển, chế biến, nhằm tránh tình trạng mua bán nông sản kém chất lượng hay trục lợi, cấu kết, gây chia rẽ, tác động tiêu cực đến giá cả” – ông Hải nêu quan điểm.

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho rằng, việc gắn thương lái vào chuỗi liên kết giá trị ngành hàng lúa gạo là điều cần thiết. Đồng thời, khi thương lái tham gia vào chuỗi ngành hàng lúa gạo sẽ làm gia tăng 20% giá trị.

DUY KHANG