Chuẩn bị hành trang vào lớp 10
Học sinh cuối cấp THCS đang trong giai đoạn gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT. Bên cạnh nỗi lo cho kỳ thi quan trọng, việc chuẩn bị hành trang cho các em bước sang một ngôi trường mới, hành trình mới cũng là điều đáng quan tâm.
Trang bị những điều cần thiết
Hiện nay, công tác chuẩn bị thi vào lớp 10 tại các tỉnh, thành trên cả nước đang được thực hiện khẩn trương.
Ông Trần Quốc Đạt - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương (Mê Linh, Hà Nội) thông tin: Năm học này, nhà trường có 184 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Từ tháng 4, trường đã thực hiện song song việc dạy chính khoá và ôn luyện kiến thức thi vào lớp 10 cho học sinh khối 9, đề ra các biện pháp bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu cho các em. Mục tiêu của nhà trường trong đợt thi vào lớp 10 năm nay là duy trì và giữ vững kết quả thi vào THPT những năm qua, là trường có điểm trung bình môn thi vào lớp 10 đứng đầu của huyện.
Bà Phan Thị Thanh Nhung - Chủ tịch Công đoàn, giáo viên Ngữ Văn Trường THCS Nguyễn An Khương (TPHCM) cho biết: Nhà trường đã tổ chức ôn tập cho học sinh, sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để đảm bảo về sức khỏe, sự đan xen giữa các môn.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng hệ thống lại kiến thức, giúp học sinh trong thời gian ngắn nhất nắm được khái quát chương trình, đặc biệt là nắm chắc được kỹ năng làm bài để đạt điểm tốt nhất. Tinh thần các em đang rất quyết tâm. Tuy nhiên, các em cũng có phần căng thẳng lo âu, áp lực với kỳ thi.
Bà Nhung cho biết thêm, tới thời điểm hiện tại, công tác đăng ký tuyển sinh ở hầu hết các địa phương đã hoàn thành. Nguyện vọng là ước mơ, tương lai của các em.
Nhưng đỗ vào nguyện vọng 1,2 hay 3 là con đường phía trước mà bản thân các em phải đi. Chính vì vậy các em cần trang bị cho mình, thứ nhất là sức khỏe thật tốt, thứ hai là kiến thức vững chắc nhất có thể, thứ ba là nắm được phương pháp làm bài. Để làm được điều đó, tôi nghĩ các em cần thời gian biểu hợp lý, giờ nào học trên lớp, giờ nào học ở nhà. Hết học thì chơi thể thao, nghỉ ngơi, không áp lực rằng phải học đến khuya, vì sẽ khiến sức khỏe sa sút, ảnh hưởng tinh thần.
Trên mạng xã hội, các thầy cô tổ chức hướng dẫn ôn luyện rất nhiều. Học sinh có thể tham khảo những kênh của thầy cô uy tín, giảng bài trọng tâm, dễ hiểu. Với môn Ngữ văn, để làm tốt một bài văn, học sinh cần nắm chắc kiến thức. Các em cần tự trang bị, tự tích lũy kiến thức. Ở lớp nghe thầy cô hướng dẫn kỹ năng. Các em cũng cần bình tĩnh để xem đề bài yêu cầu mình làm gì, làm đúng trọng tâm thì điểm sẽ cao.
Sở GDĐT đã công bố số liệu nguyện vọng 1 vào các trường, chỉ nhẩm tính cũng biết tỉ lệ “chọi” là bao nhiêu, tự biết phải “đánh bại” bao nhiêu bạn, đó là áp lực không hề nhỏ. Tuy nhiên, các em hãy cứ quyết tâm theo đuổi, cố gắng thì cánh cổng đó sẽ mở ra. Tất nhiên, nếu không may mắn thì vẫn còn có cơ hội cho các em ở những con đường khác.
Cha mẹ, thầy cô cùng đồng hành
Cô Phan Thị Thanh Nhung cũng cho biết thêm rằng: Có những em đến lớp 9 thay đổi về tâm sinh lý. Một số em tầm tuổi này bắt đầu có tình cảm với bạn khác giới. Khi có tình cảm như vậy các em sẽ phân tâm vấn đề tập trung vào việc học. Một số bạn nói rằng, tình bạn khác giới giúp em có động lực hơn. Tôi đồng ý là có trường hợp như vậy. Nhưng có vài bạn có thể do nặng tình cảm quá, đôi khi nghĩ nhiều đến bạn hơn nội dung học tập, để ý đến bạn đó nhiều hơn thầy cô đang giảng bài.
Vấn đề thứ hai là vấn đề liên quan đến mạng xã hội. Vấn đề này tác động không nhỏ đến học sinh khi các bạn thiếu sự gắn kết từ gia đình, thiếu sự định hướng. Có một số bạn “nghiện” mạng xã hội nặng. Thời gian rảnh rỗi thay vì vui chơi, học tập thì các bạn lại lướt mạng, hoặc chơi game online. Nhiều bạn ở độ tuổi THCS chơi game rất say sưa. Thay vì học hay nghỉ ngơi giờ ra chơi thì các bạn lại mở điện thoại ra, cùng một nhóm bạn của mình chăm chú vào điện thoại... Các phụ huynh phải thật sự lưu ý.
Về điều này, ông Nguyễn Quốc Việt - Hiệu trưởng Trường THCS Tam Đồng (Hà Nội) chia sẻ: Kỳ thi chuyển cấp vốn đã áp lực. Các học sinh lớp 9 lại đang ở lứa tuổi dậy thì, với những thay đổi mạnh mẽ về thể chất, tâm lý. Vì vậy, nếu cứ chú tâm vào việc ôn tập, học và học mà quên đi những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cho các em thì cũng sẽ tạo ra nhiều điều rất đáng ngại. Hiểu được điều đó, bên cạnh việc tăng cường ôn tập kiến thức, nhà trường tổ chức thêm các hoạt động văn nghệ, thể thao bổ ích nhằm giúp các em giảm căng thẳng, giải tỏa áp lực và nâng cao tinh thần học tập.
Bên cạnh nỗi lo lắng chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng, việc chuẩn bị hành trang cho con bước sang một ngôi trường mới, hành trình mới cũng là điều đáng quan tâm.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho hay: Một học sinh khi bước từ ngưỡng cửa THCS lên THPT có rất nhiều khó khăn sẽ phải trải qua, cha mẹ cần thấu hiểu để chia sẻ động viên. Đó là khó khăn của trường mới, bạn mới và thầy cô mới, phương thức học mới cùng lượng kiến thức lớn. Và quan trọng hơn cả là tâm sinh lý lứa tuổi ở độ tuổi này có nhiều biến đổi, trong khi cám dỗ ở bên ngoài xã hội rất lớn...
Thậm chí, không ít học sinh của Hà Nội hiện nay còn trải qua khó khăn của học sinh đỗ trường chuyên, hoặc trường THPT tốp cao. Nhiều học sinh ngủ quên trên chiến thắng nên trượt dài suốt học kỳ I năm học lớp 10, khiến lực học không thể cứu vãn cho những năm tiếp theo.
Hoặc nhiều phụ huynh và học sinh lại đặt cho mình các mục tiêu quá gắt gao như: Phải đứng tốp đầu lớp như thời THCS, phải đạt điểm số xuất sắc... trong khi năng lực của học sinh THPT khác nhiều so với cấp THCS.
Bà Nhiếp cũng lưu ý, việc lựa chọn tổ hợp môn học phải thực hiện ngay từ khi các em nộp hồ sơ nhập học vào lớp 10. Nên để chọn sát và đúng với năng lực, sở trường nghề nghiệp thì phụ huynh phải tìm hiểu và định hướng ngay từ bây giờ.
Các phụ huynh hãy hướng dẫn con đăng ký những môn tự chọn phù hợp với khả năng, phù hợp với xu hướng nghề hiện nay. Các thông tin về tổ hợp môn học đa phần được được các trường THPT tại Hà Nội đăng ký công khai trên website nhà trường. Và đặc biệt là những lưu ý về phương thức dạy và học ở cấp THPT dành cho học sinh lớp 10 khác với cấp THCS như thế nào để các em cùng nắm bắt, định hướng...