Tác phẩm lớn đang ở phía trước chỉ là cách nói làm duyên
Dạo này ít thấy nhà văn Chu Lai xuất hiện. Cả ở những sự kiện văn nghệ ngoài đời lẫn trên các phương tiện truyền thông. Cũng không thấy ông công bố tác phẩm mới, dù là truyện ngắn, tùy bút trên các trang báo văn nghệ.
Đã có lúc, tuần nào cũng có thể gặp ông, khi ở tư cách người dẫn chuyện, khi là khách mời, hoặc đơn giản là góp mặt trong một cuộc ra mắt sách, hay “xuất hiện” phía sau các “sô” điện ảnh, truyền hình, lễ hội.
Rồi có khi đồng thời lại thấy ông in truyện ngắn và trả lời phỏng vấn báo chí…
Ở đâu Chu Lai xuất hiện, ở đó rôm rả hẳn.
Ông nói nhấn nhá, nhịp điệu; vừa tinh khôn vừa hóm hỉnh…
Sinh năm 1946, có thể tuổi già khiến ông muốn lùi lại, “nhường sân” cho giới trẻ.
Cũng có thể, ông đang âm thầm hoàn thành nốt những dự định văn chương, sách vở còn dang dở. Không sao. Tôi nghĩ thế.
Kể cả khi nhà văn Chu Lai dừng bút, không viết thêm một dòng nào nữa, thì tên tuổi ông vẫn đã được “định vị” trên văn đàn.
Những cuốn tiểu thuyết như “Nắng đồng bằng”, “Ăn mày dĩ vãng”, “Phố”… đã đủ để cái tên Chu Lai còn được nhắc tới, còn được luận bàn.
Mà chính ông, cũng đã thẳng thắn mà rằng: “Cái gì viết được tôi đã viết hết rồi. Tác phẩm vĩ đại đang ở phía trước chỉ là cách nói làm duyên…”.
* Gien văn chương nó tự nhiên trong máu chứ bố hay mẹ tôi không khuyên nhủ hay tạo cho mình được. Không chỉ những đêm nghe các cụ Thế Lữ, Tào Mạt nói chuyện mà mình trở thành nhà văn, dường như có cái gien gì nữa tôi hưởng từ bố, kể cả gien dữ đòn.
* Cuốn sách đầu tiên tôi viết ở Đà Lạt khi Tổng cục Chính trị tập trung những tài năng văn chương từ tất cả các quân binh chủng thành trại viết. Có một thế hệ vàng tất cả anh em hành quân vào Đà Lạt tham gia trại viết đầu tiên.
Trên đường đi tôi lại may mắn hay là không may mắn lại dính phải một cô biên tập viên duy nhất của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cũng ở trong rừng ra, nước da còn xanh xao. Đến Đà Lạt buồn vô cùng, tê tái và sương mù giăng mà không yêu nhau cũng dễ đông lạnh lắm.
Giữa tôi, người lính đặc công và cô biên tập viên ngoài chiến trường tạo thành một tình yêu, bắt đầu từ khả năng biên tập. Cứ một ngày tôi viết xong một chương dài khoảng 35-40 trang, tạo nên một kỷ lục để có động lực đêm hôm đó 11h lén vào đọc cho cô biên tập viên nghe vì không phải biên tập cho mình tôi, cô ấy còn phải biên tập cho nhiều nhà văn khác hầu hết chưa vợ. Thế rồi biên tập từng trang sách kỹ quá lại biên tập cả cuộc đời nên về đến Hà Nội chúng tôi lấy nhau.
* Với tôi, đề tài không phải là điều quan trọng số một. Vấn đề là triển khai đề tài như thế nào trên trang giấy, qua những con chữ, những hình tượng nhân vật cụ thể.
Chiến tranh là một siêu đề tài, nhưng nếu không đào sâu, không mở rộng đường biên thì cũng sẽ đến một lúc, người đọc thờ ơ với những gì mà mình viết ra. Mà để làm được điều đó thì đòi hỏi người viết phải có những cảm xúc khác, những tư duy khác và cả những tri thức khác nữa. Phải rất cẩn thận khi viết về chiến tranh, bởi đó là một con dao rất sắc...
* Khi nào tôi còn neo vào hơi thở cần lao, còn hết lòng yêu thương con người thì tôi còn tạo nhịp điệu cho trái tim của mình.
* Xét cho đến cùng, tôi viết cái gì thì viết, đằng sau bao giờ cũng là nền chiến tranh. Chiến tranh đối với tôi là nhân danh một người lính, là tận cùng của sự trần trụi nhưng bên cạnh đấy là sự lãng mạn.
* Chỉ một ngày ở rừng đã tràn trề những cảm xúc trái chiều nhau, chỉ một ngày ở rừng biết thế nào là sự sống và cái chết, biết thế nào là lòng can đảm và sự yếu hèn, biết thế nào là sự xảo trá và lòng trung thực. Kỳ lạ lắm, một khoảnh khắc dữ dội nó khiến cho tất cả những xúc cảm trong tâm hồn con người lên hết không giấu được.
Nó là một giọt dung dịch nhỏ xuống khiến cho mọi gam màu có thể lên hết, đời thường hôm nay, đen trắng có thể lẫn lộn xấu tốt có thể đổ đồng còn trong chiến tranh, chiến hào ai như thế nào lộ rõ và chính đó là cảm xúc trung thực nhất để từ cảm xúc đó mình thai nghén đưa nó vào văn học.
* Chiến tranh đòi hỏi anh hãy miêu tả nó như nó vốn có, nếu anh tô đen nó lắc đầu, tô hồng nó cũng lắc đầu. Nó vừa trần trụi vừa hào hùng, vừa khốc liệt nhưng vừa lãng mạn. Chúng ta hay quên một điều rất quan trọng rằng sở dĩ ta chiến thắng trong một cuộc chiến kỳ tích thường hay nói về lý trí, khí phách, lòng tự tôn lý tưởng mà quên một điều quan trọng hơn có lẽ chỉ quân đội Việt Nam mới có đó là sự lãng mạn.
Sự lãng mạn là cội nguồn văn hóa, cội nguồn hàng nghìn năm của ông cha mới đúc kết thành kết tủa như vậy. Văn hóa đó chính là sự lãng mạn, nó làm giảm nhẹ rất nhiều sự chết chóc, giảm đi nhiều đau thương như đôi cánh nâng ý chí con người tạo nên sức mạnh tinh thần.
* Kể từ khi bắt đầu viết, tôi luôn viết về chiến tranh. Nhưng mỗi nhà văn phải luôn tự mở trận đánh với chính mình! Sau cuốn tiểu thuyết “Ăn mày dĩ vãng” viết về thời hậu chiến, một vài nhà phê bình bảo rằng có bao nhiêu vốn sống về trận mạc, tôi cho hết vào đó rồi, chẳng còn gì nữa. Nên tôi viết “Phố”. Rồi dần dà, tôi chuyển sang một trong những đề tài hóc hiểm nhất trong văn học là chuyện làm ăn kinh tế. Hình như tiểu thuyết Mỹ hiện đại hấp dẫn cũng vì họ hay kể chuyện làm ăn kinh tế, những đòn “chơi nhau” trong thương trường khốc liệt lắm, ly kỳ lắm. Cuốn “Ba lần và một lần” là một sự tập dượt trên địa hạt mới mẻ này, còn “Cuộc đời dài lắm” là cuốn mà tôi dày công chăm chút trong 2 năm trời, gửi gắm vào đó nhiều ý tứ của mình.
* Chiến tranh bao giờ cũng có hai gam: dữ dội đến tận cùng, nhưng cũng lãng mạn đến tận cùng. Tất cả những cuốn sách của tôi đều chứa đựng cả hai gam này. Và tất cả phải dựa trên một cái nền: tình yêu. Nói thật, nếu chiến tranh chỉ là những trận đánh kinh hoàng và chết chóc, sẽ không có ai đọc về chiến tranh đâu.
Vì vậy, có một nguyên lý sáng tạo thế này: Anh viết về đề tài nào cũng được, nhưng nếu không có một cái nền tình yêu chắc chắn, thì coi như cuốn sách ấy đổ. Dĩ nhiên, tình yêu trong chiến tranh mang một đặc thù riêng. Trong chiến tranh, tình yêu mạnh hơn bình thường gấp ngàn lần. Bởi đó là yêu một lần cho mãi mãi, yêu để chết; thậm chí, chưa kịp yêu đã chết...
* Ai cũng có tham vọng. Nhưng cái gì viết được tôi đã viết hết rồi. Tác phẩm vĩ đại đang ở phía trước chỉ là cách nói làm duyên. Nếu vĩ đại thật thì ngay bây giờ anh viết đi. Sau “Ăn mày dĩ vãng” tôi từng nghĩ, mình sẽ tổng kết chiến tranh bằng cuốn biên niên sử 4 tập, kể chuyện một gia đình phân hóa suốt từ năm 1930 đến 1975, viết thật kỹ càng công phu hoành tráng.
Nhưng rồi không đủ lực, không đủ sức, cũng còn phải vật vã mưu sinh nữa chứ, tôi chỉ viết được “Khúc bi tráng cuối cùng” 500 trang cũng chủ đề đó nhưng nhẹ hều. Tự mình thấy mình không đủ đô, không đủ kiên nhẫn để mài giũa ra một trường thiên tiểu thuyết.
* Nếu tự nhận xét về mình, tôi sẽ nói thế này: Sở dĩ văn ông Chu Lai nhiều người đọc, là vì cái gì cũng được đẩy đến tận cùng của mọi buồn vui. Chu Lai không thích “chơi” những gam màu nhợt nhạt. Lý do ư? Một tuổi thơ nhọc nhằn, đói khổ; một thời trai trẻ đi qua chiến tranh, cộng thêm tính cách cực đoan của nhà họ Chu, nên văn khốc liệt thế thôi. Nhưng chính sự khốc liệt ấy nó tạo ra một cái mùi đấy. Mùi Chu Lai!
* Vào mỗi buổi chiều mùa đông Hà Nội thời bao cấp, ngồi dưới một gốc si già, uống một chén rượu nhạt, tôi thường ngẫm nghĩ rằng: Thì ra cuộc đời tất cả chỉ là phù du. Vì thế, mỗi một người trong một năm hãy đi ra biển một lần, để thấy được cái vô hồi, vô hạn của đại dương mênh mông, sẽ thấy kiếp người thật nhỏ bé, cuộc đời là phù du, bớt ham hố, bớt khổ đau, bớt chộp giật đi.
Những ai không ở miền quê có biển, hãy một lần ra nghĩa trang, vào một chiều đông để ngửi thấy giá lạnh của sự chết, thấy cuộc đời nhẹ thôi đừng khổ đau, đừng ham hố, đừng căm ghét. Sau đó lẳng lặng trở về sống một cách tử tế, bởi chúng ta sẽ nắm tay nhau cùng vào cõi vĩnh hằng là hết.
* Khi biết buồn sẽ cảm được vị trí bé nhỏ của mình trong cái vĩnh hằng của trời đất, biết mình đang làm gì, thì lòng tham sẽ rơi xuống, mà bớt khổ.
Biết giật mình một chút để tự vấn mình đang làm cái gì đây. Tất cả bi kịch của con người đều là lòng tham không kiểm soát được. Cuộc đời dài lắm, cuộc đời cũng chóng vánh làm sao.
Nhà văn Chu Lai tên khai sinh là Chu Văn Lai. Ông sinh vào tháng 2/1946, tại huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Chu Lai khởi đầu sự nghiệp là một diễn viên kịch, từng vượt qua gần 6.000 đối thủ để trở thành diễn viên Đoàn kịch Quân đội và có tới 10 năm chuyên thủ vai các nhân vật phản diện trong các vở diễn. Ông là con trai của nhà viết kịch Học Phi.
Xuất thân là một chiến sĩ đặc công được luyện rèn qua khói lửa chiến tranh cùng với cảm hứng lãng mạn cách mạng, nhà văn Chu Lai đã viết nên những tác phẩm ấn tượng về chiến tranh và người lính.