Sức trẻ trong văn xuôi cho thiếu nhi hiện nay
Trong khoảng chục năm trở lại đây đã có nhiều tên tuổi văn xuôi mới xuất hiện trong dòng sách văn học cho trẻ em ở Việt Nam. Đọc sách của các tác giả Việt Nam hiện nay người đọc đã nhận ra một lối viết cho trẻ em mới, khác với thế hệ tiền bối.
Trên văn đàn hiện nay các cây bút sung sức nhất viết cho thiếu nhi là các tác giả sinh sau năm 1975 có thể kể ra như: Trần Thu Hằng (sinh năm 1975), Phong Điệp (sinh năm 1976 ), Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1977), Nie Thanh Mai (sinh năm 1980), Võ Thu Hương (sinh năm 1983), Nguyễn Thị Kim Hòa (sinh năm 1984), Bùi Tiểu Quyên (sinh năm 1985), Văn Thành Lê (sinh năm 1986)
Có những tác giả 9x đã thành công như: Lê Quang Trạng (sinh năm 1996)… Trẻ hơn nữa là các tác giả như Đào Khương Duy (sinh năm 2011)…
Trước hết xin được nhắc đến những thành công của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa. Năm 2015, truyện ngắn “Hoàng tử Rơm” của Nguyễn Thị Kim Hòa đã đạt giải Nhất Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi có chủ đề “Gõ cửa trái tim” do Nhà xuất bản Kim Đồng và Hội Nhà văn Đan Mạch tổ chức. Truyện ngắn này đã khẳng định sở trường của Nguyễn Thị Kim Hòa là người đã hóa giải những nỗi bất hạnh bằng những câu chuyện văn chương kỳ diệu.
Sở trường này bắt nguồn từ số phận khắc nghiệt của Kim Hòa, người chẳng may bị bệnh từ thuở nhỏ nên tay phải yếu, phải viết bằng tay trái. Cột sống yếu khiến Hòa không thể ngồi quá lâu gò mình bên bàn. Ấy thế mà thời học sinh Kim Hòa liên tục 12 năm đạt danh hiệu học sinh Giỏi và đạt giải Khuyến khích kỳ thi học sinh giỏi môn Văn cấp quốc gia (năm học 2001 - 2002).
Kim Hòa đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng kinh tế đối ngoại TPHCM. Sau đó chị trở về Ninh Thuận vừa viết văn vừa mở lớp dạy tiếng Anh tại nhà riêng bên bờ sông Dinh. Trong 9 năm Nguyễn Thị Kim Hòa đã là tác giả của 15 đầu sách. Trong số đó có những cuốn như “Tay chị tay em” được Nhà xuất bản Kim Đồng xếp vào loạt sách “Dấu ấn thế hệ mới”; “Chuyện kể lớp cây me” được xếp vào Tủ sách văn học thiếu nhi. Gần đây nhất là cuốn “Vương quốc ngộ nghĩnh”.
Không chỉ là số lượng tác phẩm đáng nể phục mà thực sự Nguyễn Thị Kim Hòa đã có đóng góp cho sự đổi mới văn học viết cho trẻ em Việt Nam. Đọc các tác phẩm của Kim Hòa ta được hưởng thụ những dòng văn đẹp và vui, được nhập hồn vào thế giới tưởng tượng kỳ diệu của tuổi thơ. Một thế giởi ảo mà thực gần gũi với tâm sinh lý con trẻ như người chị yêu thương em trai nhỏ (9 tuổi mà chưa biết nói biết đi) gọi em là “Hoàng tử Rơm”; như người bạn lạ: cái Tý - trái ớt (trong truyện Hoàng tử Rơm) một cô bé mồ côi mẹ luôn cảm thấy có một đám mây đi theo mình (Tý gọi là mây Mẹ).
Điều lớn hơn nghệ thuật viết chính là tấm lòng người viết. Tất cả những xung đột trong câu chuyện xuất phát từ tâm lý bột phát trẻ em (cái Tý ném món đồ chơi yêu quý của “Hoàng tử Rơm”) đã được tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa hóa giải bằng tình cảm nhân hậu. Đó không phải là một tình cảm xa lạ mà rất thuần Việt. Tình cảm ấy có nguồn cội sâu sắc từ đáy lòng của mỗi đứa trẻ.
Tôi xin chân thành nói rằng, tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa đã đưa những trang văn cho trẻ em Việt Nam lên một tầm cao mới. Những trang văn của Nguyễn Thị Kim Hòa thật vui vẻ mà lại giúp cho người đọc tự bồi đắp và hoàn thiện nhân cách của mình từ những tình huống hành động đời thường của trẻ nhỏ.
Các tác phẩm văn xuôi cho trẻ em hiện nay đều bám sát đời sống thực tế. Điều đáng chú ý là các tác giả trẻ đã hóa thân thành công vào nhân vật trẻ em, nhìn cuộc sống từ ánh mắt của trẻ em. Tuy viết theo lối hiện thực cùng một đề tài ví dụ như “nghỉ hè về quê” hay “ở nhà thời đại dịch Covid-19”, các tác giả đã sáng tạo ra các cách viết khác nhau.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy có thể coi là một tác giả đàn anh trong đội ngũ viết cho trẻ em hiện nay. Xuân Thủy đã từng thành công với “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” (giải Vàng Sách hay giải thưởng Sách Việt Nam năm 2012), gần đây anh đã có “Đại náo nhà ông ngoại”.
Với cuốn sách mới này Nguyễn Xuân Thủy đã tạo ra một lối viết văn xuôi cho trẻ em của riêng anh. Anh đã dụng công miêu tả chi tiết những trò nghịch ngợm của con trẻ như xáo trộn những biển đề tên cây thuốc trong vườn của bà ngoại (Đại náo vườn cổ tích); thể hiện tâm lý láu lỉnh của con trai khi muốn khám phá password (mật khẩu) của máy tính ông cậu ruột (Hacker mũ đen).
Thu hút người đọc vào những trò nghịch dại của trẻ nhỏ nhưng Nguyễn Xuân Thủy có sự tỉnh táo của một ông bố. Tôi tin rằng trẻ em đọc cuốn sách của Nguyễn Xuân Thủy sẽ tỉnh ngộ ra những bài học nhớ đời khi trót nghịch dại (Công dụng của thuốc Tây nhanh thật). Tôi tin rằng Nguyễn Xuân Thủy sẽ còn đem lại cho bạn đọc trẻ em nhiều niềm vui cùng những bài học thú vị hơn nữa.
Khác với Nguyễn Xuân Thủy, đi sâu vào chi tiết cụ thế và mô tả tâm lý trẻ em bằng giọng văn hóm hỉnh, tác giả Văn Thành Lê với hai cuốn sách “Trên đồi, mở mắt và mơ”; “Bên suối, bịt tai nghe gió” lại có một cách khác chạm đến tâm hồn bạn đọc nhỏ tuổi. Tác giả viết về quê hương, về ông bà, về những thú vui đồng nội, những sản vật quê hương… theo hướng “dòng cảm xúc suy tư”.
Ví dụ, nói về người bà đã 60 tuổi mà vẫn mạnh khỏe “cứ hai ngày bà đi chợ một lần. Chợ cách nhà ông bà gần bốn cây số. Bà không đi được xe đạp nên đi chợ hay bất kỳ đi đâu bà cũng… đi bộ. Có lần tớ từng hỏi bố, tính tổng quãng đường bà đã đi bộ thì dài khoảng cỡ nào? Bố bảo có khi bằng đi một vòng quanh trái đất…” (trích Trên đồi mở mắt và mơ).
Tôi thiết nghĩ lối văn như Văn Thành Lê là lối văn “đánh thức” để trẻ em bừng ngộ khi đọc sách. “Đánh thức sự quan sát”; “Đánh thức trí tuệ”; “ Đánh thức tình yêu thương”. Đúng như tên sách “Trên đồi, mở mắt và mơ”; “Bên suối, bịt tai nghe gió”, Văn Thành Lê đưa trẻ em “đi về quê” không chỉ mở rộng tầm mắt ra ngoại cảnh mà lại giúp các em có một cuộc “đi vào nội tâm của chính mình”. Đúng như Văn Thành Lê nói: “Viết cho thiếu nhi là cách để tôi được tắm nhiều lần trên dòng-sông-tuổi-thơ. Tuổi thơ tôi. Tuổi thơ trong trí tưởng. Tuổi thơ các em bây giờ”.
Cùng một chủ đề viết về đời sống hiện thực của trẻ em hiện nay, Nie Thanh Mai lại có một phong cách kể chuyện hồn nhiên trong sáng nữ tính trong cuốn sách “Cánh diều hình nốt nhạc”. Hiện thực trong tác phẩm là hình ảnh thành phố Ban Mê Thuột hiên tại. Thành phố của cậu bé Đèn Pha - nhân vật chính của cuốn sách: “… Cậu nhóc ấy sinh ra ở một thành phố rất nhiều cây xanh và quanh năm mát rượi vì gió đua nhau thổi. Gió lùa qua từng tán cây, cuốn tung lên trời những cánh diều…”.
Tác giả Nie Thanh Mai đã là một người mẹ nên chị có trải nghiệm với trẻ em qua chính con của mình. Chị đã hóa thân thành công vào nhân vật chú bé Đèn Pha.
Từ cách nhìn, ngôn ngữ, suy nghĩ, hành động của chú bé Đèn Pha đều thật thà. Người đọc bị bất ngờ với chi tiết: khi Đèn Pha thấy ba thay chiếc đèn pha hỏng trên xe máy bằng một cái đèn pha mới, cậu bé đã “ngồi chù ụ”, rồi khóc rất to, tấm tức nói trong nước mắt: “Sao ba mẹ đặt tên con là “Đèn Pha”? Có phải sau này bà mẹ không thương con nữa thì thay ngay đứa khác phải không?”… Mô tả tâm lý của một em nhỏ lứa tuổi tiểu học không hề dễ. Tác giả có thể khiến cho nhân vật có những hành động khiên cưỡng, những suy nghĩ ngây ngô giả tạo…
Nie Thanh Mai đã thoát ra được sự giả tạo. Nhân vật Đèn Pha và những nhân vật Một chấm Một, Một chấm Hai, Một chấm Út… của Nie Thanh Mai đều rất chân thực hồn nhiên. Một điều cần nói nữa là văn của Nie Thanh Mai vừa độc đáo vừa có tính phổ cập. Tiếng Việt của tác giả người Ê Đê trẻ này mang vẻ tự nhiên vốn có của người gốc Tây Nguyên lại được thể hiện mềm mại hòa nhập với ngôn ngữ của cộng đồng người Việt.
Tôi tin rằng cuốn sách “Cánh diều hình nốt nhạc” không chỉ có các em bé Đắk Lắk tìm đọc mà sẽ được các em thiếu nhi ở mọi miền đất nước hứng thú đọc.
Sách cho trẻ em hiện nay đã đề cập tới những chủ đề lớn, những không gian hiện thực lớn vượt ra ngoài cuộc sống bé nhỏ của các em. Việc truyền đạt những chủ để vĩ mô như tình yêu tổ quốc, lịch sử dân tộc… là một việc không hề dễ với các tác giả viết cho trẻ em. Tôi rất khâm phục tác giả Bùi Tiểu Quyên với hai tác phẩm “Cà Nóng chu du Trường Sa” và “Hùm Xám qua sông”. Nhà báo Bùi Tiểu Quyên đến với văn học thiếu nhi sau chuyến đi quần đảo Trường Sa.
Viết về Trường Sa đã có nhiều sách ở dạng tư liệu hay truyện ký. Bùi Tiểu Quyên đã chọn chiếc máy ảnh Cà Nóng (canon) làm nhân vật chính trong câu chuyện của chị đó là một sáng tạo độc đáo trong cảm xúc hướng tới bạn đọc trẻ em. Bùi Tiểu Quyên đã nhân cách hóa tất cả các nhân vật máy ảnh như Cà Nóng, bác Tê Lê, thằng Ni, thắng So, Meica trong chuyến chu du trên biển đi tới Trường Sa. Dưới góc nhìn của Cà Nóng, chuyến đi tới các hòn đảo Song Tử Tây, Nam Yết, Tiên Nữ, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn… những khung cảnh và đời sống ở Trường Sa đã hiện lên theo tính năng máy ảnh: gần, xa, rộng hẹp, toàn cảnh, đặc tả…
Cuốn sách “Cà Nóng chu du Trường Sa” đã đạt giải C - giải thưởng Sách Quốc gia năm 2022. Cuốn sách rất xứng đáng được tôn vinh ở tầm quốc gia bởi đã làm được một sứ mệnh lớn là truyền cảm tình yêu biển đảo của Tổ quốc tới các em nhỏ theo một cách rất nhẹ nhàng.
Không dừng lại ở thành công đầu tiên với văn học thiếu nhi, Bùi Tiểu Quyên đã có cuốn “Hùm Xám qua sông”. Ở cuốn sách này Bùi Tiểu Quyên đã vươn tới một chủ đề rộng lớn hơn. Hùm Xám là một chú chó sinh ra trên một hòn đảo, sống hồn nhiên với bạn bè muôn loài. Nhưng Hùm Xám không chỉ sống với bản năng sinh tồn.
Đó là chú chó biết suy nghĩ khao khát khám phá. Hùm Xám đã qua sông để tới thành phố và có những trải nghiệm về văn hóa đời sống của con người rồi lại trở về hòn đảo. Tác giả Bùi Tiểu Quyên đã sáng tạo ra nhân vật Hùm Xám có khát vọng được lưu giữ ký ức của muôn loài trên đảo. Phải chăng đó là một phát hiện mới về tâm lý và mơ ước của trẻ em của tác giả Bùi Tiểu Quyên? Tác phẩm đang được bạn đọc tiếp đón trên thị trường sách hiện nay.
Từ việc đọc các tác phẩm mới tôi đã có một niềm tin tưởng ở thế hệ các tác giả viết cho thiếu nhi đương đại. Tác phẩm với công chúng bạn đọc như là cá với nước. Tác phẩm được bạn đọc yêu thích sẽ tạo nên sức sống của tác phẩm và danh tiếng của tác giả. Mong sao các tác phẩm văn học thiếu nhi hiện nay sẽ nhận được sự cổ vũ của các nhà giáo, các bậc cha mẹ và dư luận truyền thông. Sự đồng cảm lan tỏa khiến các tác phẩm được đông đảo bạn đọc mến mộ hơn nữa.