Làm sao bắt kịp sự ‘khác’ của độc giả là điều rất khó
Trong số các tác giả ra sách cho thiếu nhi đều đặn trong vài ba năm trở lại đây, có tác giả Mộc An (tên thật là Nguyễn Nguyệt Trinh).
Điều thú vị, tác giả 8x này hiện đang dạy học tại Bình Định. Vậy nhưng, những cuốn sách thiếu nhi “Đậu Đậu, Sâu Sâu & Be Bé”, “Nếu một ngày chúng tớ biến mất”, “Nhạc sĩ đường phố”, “Ở một nơi có rất nhiều Rồng”… cứ lần lượt ra đời, góp thêm một giọng điệu mới. Với bản thảo “Ở một nơi có rất nhiều Rồng”, năm 2023, Mộc An đã được trao giải Khát vọng Dế Mèn trong hệ thống Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn.
PV: Trong một thời gian không dài, Mộc An đã liên tiếp cho ra mắt nhiều cuốn sách viết cho thiếu nhi. Cuốn sau hấp dẫn hơn cuốn trước. Xin hỏi, chị đến với việc sáng tác văn học cho thiếu nhi như thế nào?
MỘC AN: Tôi được đọc những tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi từ khi rất nhỏ, đọc nhiều và rất say mê. Đó là thời của những cuốn sách được in bằng giấy rơm vàng, mở ra cho tôi một thế giới vô cùng rộng lớn.
Lớn lên, tôi vẫn chưa bao giờ hết hứng thú với mảng tác phẩm này lẫn phim hoạt hình, thế giới trẻ thơ hồn nhiên khiến lòng mình trong trẻo lại, mà cũng học được từ đó rất nhiều điều.
Khi trở thành một người mẹ, chọn sách và đọc sách cùng con, sự gần gũi với văn học thiếu nhi càng mạnh mẽ hơn, có lúc tôi nảy ra ý nghĩ, mình có thể tham dự vào mảng này. Cho đến khi được một người học trò, cũng là bạn viết của tôi, gợi hứng, tôi chính thức tham dự vào việc viết sách cho thiếu nhi, và thấy rất vui.
Khi viết cho thiếu nhi, chị có gặp áp lực gì không? Vì mình là người đi sau chẳng hạn?
- Khi viết cho thiếu nhi, tôi không thấy quá áp lực. Trong văn chương chúng ta luôn là người đến sau. (Cười). Nếu đặt ra một mục tiêu phải trở thành, sẽ tự tạo cho mình áp lực. Nhưng nếu xác định, mình dự vào mảng này, nếu có thể đóng góp được chút gì đó đã là vui, thì sẽ thấy vui.
Viết cho thiếu nhi với tôi như một lời hồi đáp dịu dàng nhất dành cho cuộc sống, vì vậy trong quá trình viết, niềm vui đã sẵn, nhiều lúc vừa viết vừa cười một mình là thật.
Thế còn tác phẩm của những tác giả viết cho thiếu nhi tên tuổi đi trước, như các nhà văn Tô Hoài, Võ Quảng, Phạm Hổ, Vũ Tú Nam, Vũ Hùng… Những tên tuổi ấy có khiến chị cảm thấy áp lực, hay giúp chị rút ra được những kinh nghiệm viết gì?
- Thế hệ chúng tôi thừa hưởng rất nhiều thành quả từ những trang văn mình đọc được từ các tiền bối. Tôi còn nhớ đã từng say mê “Dế Mèn phiêu lưu ký”, đã thích những câu chuyện trong “Quê nội” như thế nào. Sự đẹp đẽ trong sáng của tiếng Việt, khả năng viết đến chặt chẽ hàm súc tinh tế… là những điều tôi luôn luôn ngưỡng mộ và hướng đến. Tuy nhiên, thời đại mới sẽ đòi hỏi những điều khác trước về cảm xúc, nội dung, bút pháp… đẩy dòng chảy văn học nối tiếp không ngừng.
Mộc An vừa nói, thời đại mới sẽ đòi hỏi những điều khác trước cả về cảm xúc, nội dung, và bút pháp… Vậy khi viết cho thiếu nhi, nhất là thiếu nhi của thời 4.0, hẳn chị phải có một kinh nghiệm hay quan niệm gì để "khác"?
- Đòi hỏi tác phẩm hoàn toàn khác với thời trước, tác giả trước là điều rất khó, vì dòng chảy văn chương luôn có sự kế thừa tiếp nối, nếu có, thì tôi mong tác phẩm của mình có một chút “khác”. Chút “khác” này có thể đến từ góc nhìn, suy nghiệm riêng của cá nhân. Điều tôi mong nhất là tác phẩm sau có chút khác so với chính tác phẩm trước của mình. Tuy nhiên, có một điều chắn chắn khác trước là tâm lý tiếp nhận của thiếu nhi đã thay đổi, làm thế nào để bắt kịp sự “khác” này của độc giả mới là thực sự khó.
Chị thường khởi đầu một tác phẩm mới như thế nào?
- Một tác phẩm mới đến với tôi có vẻ như khá tình cờ, một lúc nào đó bất chợt nảy ra ý tưởng. Tôi cũng nhận được rất nhiều gợi ý từ con trai mình, khi độc giả đầu tiên mà tôi hướng đến là bạn ấy, bạn ấy thích đọc gì, tôi sẽ thử viết. Nhưng sâu hơn, tác phẩm thường là kết quả của những quan sát, cảm nhận, suy tư về đời sống cả một quá trình dài. Chẳng hạn, “Nếu một ngày chúng tớ biến mất” được gợi hứng từ ngay trong mảnh vườn nhỏ của tôi, từ một bạn ốc sên nhỏ bò đến vườn nhà vào mùa thu và gặm chậu hoa cúc tôi mới mua về.
Tuy nhiên phải mấy năm sau tôi mới viết được về bạn ấy. “Ở một nơi có rất nhiều Rồng” được viết ra là vì bạn nhỏ ở nhà thích Rồng, viết cho bạn ấy đọc, sau đó là cho cả những bạn nhỏ khác, kể cả những người lớn muốn trở lại với thế giới trẻ thơ.
Với chị, tìm kiếm chủ đề cuốn sách là quan trọng, hay tìm giọng kể, cách kể câu chuyện; hay nuôi dưỡng cảm xúc để hoàn thành cuốn sách mới là điều quan trọng?
- Có lẽ là cộng lại tất cả những yếu tố ấy (Cười). Chẳng hạn, tôi hay nghĩ, mình sẽ viết về cái gì, sau đó sẽ nghĩ ra giọng kể, cách kể phù hợp. Trước và trong quá trình viết, cảm xúc phải đủ mạnh mẽ, thôi thúc, sự dồi dào của cảm xúc sẽ khiến cho ngòi bút đi một hơi và có những lúc lóe lên mà ngay cả người viết cũng không lường trước, làm nên điểm sáng của tác phẩm.
Một số người vẫn nói, sách văn học Việt cho thiếu nhi Việt ngày nay vẫn ít, không đủ đáp ứng độc giả. Mộc An có thể chia sẻ thêm về góc nhìn của mình?
- So với mặt bằng rộng lớn của văn học dịch cho trẻ em, thậm chí là nguyên tác tiếng nước ngoài, thì tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi trong nước dường như vẫn chưa theo kịp.
Nhưng thật ra khi nói “ít”, thì đã có sự thúc đẩy và vận động tự thân rồi. Ngày càng đông đảo lực lượng sáng tác dự vào mảng văn học thiếu nhi, sự đa dạng về đề tài, nội dung, thể loại, phong cách, giọng điệu… cho thấy văn học thiếu nhi hiện nay đã có bước chuyển biến rất lớn để bắt kịp với nhu cầu tinh thần ngày càng mới mẻ phong phú của các em.
Trong quan sát của mình, chị có nhận định gì về các tác giả trẻ viết cho thiếu nhi hiện nay?
- Các tác giả trẻ hứa hẹn một diện mạo mới cho văn học thiếu nhi Việt. Lê Quang Trạng, Nguyễn Chí Ngoan, Trọng Khang, Lạc An… là những tên tuổi gợi nhiều cảm hứng, chưa kể một đội ngũ tác giả “nhí” có một bản lĩnh viết lách đáng kinh ngạc.
Ở họ có sức trẻ, sự năng động, năng lực quan sát và tái hiện sinh động đời sống lẫn tâm lý trẻ em, hiểu biết sâu rộng tích hợp từ nhiều nền tảng văn hóa trong và ngoài nước, lẫn tài năng dung hợp giữa văn chương và hội họa…
Chúng ta có quyền tin tưởng và hy vọng vào một nền văn học thiếu nhi Việt tiệm cận với văn học thiếu nhi thế giới trong tương lai.
Xin cảm ơn chị!
Viết cho thiếu nhi với tôi như một lời hồi đáp dịu dàng nhất dành cho cuộc sống, vì vậy trong quá trình viết, niềm vui đã sẵn, nhiều lúc vừa viết vừa cười một mình là thật.
Mộc An