Châu Á trong mùa hè khốc liệt
Bước vào tuần cuối của tháng 5/2024, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, thiên tai tiếp tục đe dọa nhiều quốc gia. Châu Á là khu vực đang phải trải qua giai đoạn khó khăn của mùa hè năm nay.
Tại châu Á, Afghanistan, Indonesia và Ấn Độ là những quốc gia đang chịu sự tác động xấu của thời tiết và thiên tai.
Đợt mưa lớn và lũ lụt gần nhất tại 4 huyện ở tỉnh Faryab (Afghanistan) đã khiến 66 người tử vong, 5 người bị thương và 8 người mất tích. Ông Esmatullah Moradi - phát ngôn viên của Thống đốc tỉnh Faryab cho biết, riêng trong ngày 17/5 đã có 18 người thiệt mạng do lũ lụt; 1.500 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần, trong khi hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp bị nước lũ cuốn trôi và hơn 3000 vật nuôi bị chết.
Trong khi đó, đại diện Thống đốc tỉnh Ghor, ông Abdul Wahid Hamas cho biết, tại tỉnh này 50 người được cho là đã thiệt mạng vì lũ quét trong vòng 1 hôm.
Chưa hết, theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của LHQ (FAO), tỉnh Ghor là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Trong vòng 1 tuần của tháng 5, những trận mưa đặc biệt lớn đã khiến hơn 300 người Afghanistan tử vong; hàng nghìn ngôi nhà, chủ yếu ở tỉnh Baghlan bị phá hủy. Những người sống sót không còn nhà, không còn đất và không có nguồn sinh kế.
Vào tháng trước, một trận lũ kinh hoàng cũng đã làm ít nhất 70 người thiệt mạng. Khoảng 2.000 ngôi nhà và 4 trường học ở Tây Farah và Herat đổ sập. Thiệt hại cũng diễn ra tại các tỉnh Zabul và Kandahar ở miền Nam Afghanistan.
Zabihullah Mujahid, một quan chức chính phủ Afghanistan cho biết những trận lũ lụt thảm khốc diễn ra trên diện rộng đã khiến mực nước sông dâng cao, bùn đất chảy qua nhiều làng mạc, ruộng đồng ở một số tỉnh phía Bắc đất nước; buộc chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, tại Indonesia, núi lửa Ibu trên đảo Halmahera lại phun trào, khiến cư dân ở 7 ngôi làng trong vòng bán kính 7,5km phải sơ tán. Tối 18/5, núi lửa Ibu phun trào tạo ra cột tro bụi cao 4km cùng với những vệt sét màu tím lóe lên xung quanh miệng núi lửa. Ông Abdul Muhari thuộc Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho biết, cảnh sát, binh sĩ quân đội và nhân viên tìm kiếm cứu nạn đã được điều động sơ tán người dân. Người dân được chuyển đi trên những chiếc xe bán tải và tá túc trong lều trại khẩn cấp qua đêm.
Trung tâm Giảm thiểu rủi ro núi lửa và địa chất Indonesia cho biết, cột tro khổng lồ màu xám và đen, có cường độ dày đặc, cho thấy đây là một trong những vụ phun trào lớn nhất từ trước tới nay của núi lửa Ibu. Đợt phun trào này tiếp theo sau lần phun trào vào ngày 13/5. Có nghĩa là trong vòng gần 2 tuần, núi lửa Ibu hoạt động rất mạnh, tạo thành thảm họa kép. Nó không chỉ phun ra tháp tro bụi khổng lồ mà còn gây ra sét. Sự “thức giấc” của nó diễn ra sau một loạt vụ phun trào của các ngọn núi lửa khác nhau ở Indonesia - quốc gia nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương với 127 ngọn núi lửa đang hoạt động. Cùng với Ibu, núi lửa Merapi và Ruang được ghi nhận hoạt động mạnh nhất trong tháng 5 năm nay.
Còn tại đảo Ruang (tỉnh Sulawesi), ngày 26/5, chính quyền Indonesia cho biết sẽ di dời vĩnh viễn gần 10.000 cư dân để tránh thảm họa từ dung nham nóng đỏ và những cột tro bụi. Bộ trưởng Điều phối phát triển con người Muhadjir Effendy cho biết sẽ gấp rút xây dựng những ngôi nhà “đơn giản nhưng lâu bền” ở nơi an toàn để phục vụ cho việc tái định cư, cách đảo Ruang khoảng 200km.
Ngày 26/5, cơ quan thời tiết Ấn Độ đưa ra cảnh báo về điều kiện nắng nóng cực đoan kể từ ngày 27/5, với nhiệt độ 47,4 độ C ở thị trấn Najafgarh (Delhi). Giới chức thành phố Delhi đã yêu cầu các trường học ngừng giảng dạy “ngay lập tức” theo chỉ thị từ chính phủ trung ương.
Chính quyền các bang Haryana, Madhya Pradesh, Punjab và Rajasthan cũng đã ra lệnh đóng cửa các trường học. Ấn Độ thường xuyên trải qua nhiệt độ mùa hè gay gắt, nhưng nhiều năm gần đây cuộc khủng hoảng khí hậu đã khiến các đợt nắng nóng kéo dài, thường xuyên và khắc nghiệt hơn.
Bà Urvashi Butalia, 63 tuổi, làm việc cho tờ Zubaan Books có trụ sở tại New Delhi nói rằng, từ đầu tháng 5 tới nay, khó có thể tìm được một ngày nhiệt độ ở New Delhi dưới 35 độ C. “Người ta vẫn nói là phải thích nghi, giống như phải làm quen với áp lực cuộc sống. Nhưng nóng bức cả ngày lẫn đêm thì thật khó khăn” - bà Urvashi nói.
Đáng lo ngại hơn khi ngày 26/5, cơ quan dự báo thời tiết Ấn Độ tiếp tục đưa ra cảnh báo nắng nóng sẽ còn tiếp diễn, ít nhất cũng kéo dài tới ngày 5/6. Sau đó, mặt trời sẽ bớt thiêu đốt nhưng cũng chỉ được khoảng 1 tuần thì nắng nóng sẽ quay trở lại.
Ngày 26/5, Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan cho biết, thành phố Jacobabad đã ở mức 48 - 50 độ C. Mỗi ngày thành phố chỉ cung cấp điện 7 giờ nhưng cũng không liên tục. Tại Karachi, theo ông Nizauddin Sheikh - Giám đốc Bệnh viện Dân sự Karachi, trong 5 ngày qua, mỗi ngày bệnh viện đã phải điều trị và truyền nước cho khoảng 300 bệnh nhân bị tiêu chảy, nôn mửa và sốt vì nắng nóng quá mức. Khoảng 26 địa phương ở quốc gia này sẽ vẫn tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt đến ngày 30/5.