Văn hóa

Công viên bãi giữa sông Hồng: Kết nối cộng đồng với thiên nhiên

Phạm Sỹ 28/05/2024 08:03

Cuộc thi tuyển ý tưởng “Quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

anh-chinh-bai-tren.jpg
Một góc bãi giữa sông Hồng. Ảnh: P.Sỹ.

Kỳ vọng vào những ý tưởng

Dự định biến không gian khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng trở thành một không gian sống, không gian sáng tạo thú vị, giàu cảm hứng đã được đưa ra từ lâu và nhắc tới trong nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, cho đến nay, ý tưởng đó mới chỉ dừng lại ở những cuộc tranh luận.

Cuộc thi tuyển lần này kỳ vọng sẽ tìm kiếm được những ý tưởng khả thi, góp phần thúc đẩy hoạt động thiết kế sáng tạo trong cộng đồng, tạo động lực phát triển công nghiệp văn hóa.

Khu vực bãi ven sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 3 quận: Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình và bãi nổi giữa sông Hồng có thêm quyền quản lý của quận Long Biên với diện tích lần lượt là 63,2ha và 328ha. Đây được cho là khu vực tốt để tạo dựng không gian công cộng và văn hóa gắn với môi trường sinh thái. Đồng thời, kết nối đồng bộ với khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và các làng trồng hoa tại quận Tây Hồ, Long Biên.

Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai lập Đề án “Phát triển bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng”, trong đó, việc tổ chức cuộc thi tuyển sẽ góp phần đảm bảo tính khả thi. Hy vọng rằng thông qua cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi giữa và bãi ven sông Hồng” lần này sẽ phát huy được sức sáng tạo, các ý tưởng hay, độc đáo, khả thi để khai thác không gian đặc biệt này của Thủ đô theo hướng bền vững và sáng tạo.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cũng cho rằng, đây là cơ hội để các bên cùng tham gia nghiên cứu và đề xuất giải pháp khai thác các không gian ven sông Hồng một cách hiệu quả, hướng tới việc tạo nên một hành lang xanh dọc theo trục sông Hồng, biến đổi thành một môi trường sống xanh, sạch đẹp và hấp dẫn cho phát triển du lịch cộng đồng.

anh-2-bai-tren.jpg
Làng chài ven sông Hồng. Ảnh. P.Sỹ.

Để cụ thể hóa cần có tầm nhìn rộng

Việc định hướng phát triển khai thác tiềm năng thiên nhiên vốn có của bãi nổi - giữa và ven sông Hồng để góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân TP Hà Nội là việc làm có ý nghĩa và cần thiết.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc xây dựng công viên văn hóa, cảnh quan bãi giữa sông Hồng là công việc cần thiết, có cơ sở pháp lý, có định hướng khung. Song để cụ thể hóa rất cần có tầm nhìn đồng bộ và rộng. Hơn nữa, cần có phối hợp trong triển khai và lựa chọn dự án thí điểm. Ứng dụng khoa học - công nghệ trong tổ chức không gian, vật liệu xây dựng, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật để thích ứng với biến đổi mực nước.

Đồng quan điểm, với góc độ quản lý của cấp địa phương, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho rằng, cần làm tốt công tác quy hoạch. Đây là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định. Công tác lập quy hoạch cần đi vào chi tiết, cụ thể đến từng khu vực, từng ô chức năng. Ở đó, cần xác định được khu vực cần ổn định, khu vực can thiệp và khu vực bảo tồn, đồng thời phải xây dựng phương án khai thác, quản lý, vận hành không gian công cộng, giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái tự nhiên.

“Khu vực bãi bồi, bãi giữa sông Hồng từ nhiều năm nay đã trở thành nơi sinh sống lâu đời của nhiều hộ gia đình qua nhiều thế hệ. Việc thu hồi đất để xây dựng không gian công cộng đặt ra yêu cầu phải đảm bảo chỗ ở, giải quyết các vấn đề chính sách an sinh xã hội cho các hộ gia đình” – ông Khuyến nói.

Còn theo TS Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Chi hội kiến trúc sư Cảnh quan Việt Nam, định hướng lấy sông Hồng làm trục cảnh quan trung tâm trong nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung của Hà Nội, sẽ tạo ra cơ hội to lớn cho việc hồi sinh vai trò vốn có của sông Hồng trong cấu trúc cảnh quan của thành phố. Cần khai thác hành lang sinh thái ven sông. Từ đó kết nối với hành lang sinh thái dọc các tuyến sông nhánh, kênh và các tuyến đường giao thông, kết nối các không gian xanh đô thị khác khu vực nội đô.

Cũng theo ông Tuấn, cần xác định các địa điểm phù hợp cho việc xây dựng các trung tâm văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí nhằm cải thiện sự thiếu hụt về công trình công cộng cho khu vực trung tâm và phát huy giá trị văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành phát triển của Thủ đô.

Sông Hồng gắn liền với sự hình thành, phát triển của Hà Nội, có vai trò lớn trong việc tạo không gian kiến trúc cảnh quan của Thủ đô. Diện tích bãi giữa sông Hồng khoảng 328 ha và bãi ven sông Hồng (từ cầu Tứ Liên đến cầu Trần Hưng Đạo) khoảng 63,2ha, thuộc địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Đây chính là nguồn lực đầy tiềm năng để tạo dựng không gian sinh thái và văn hóa hấp dẫn cho cộng đồng cũng như khách du lịch.

Phạm Sỹ