Quốc hội

Ghi âm lời nói của Hội đồng xét xử tại phiên tòa phải được sự đồng ý của Chủ tọa

Việt Thắng 28/05/2024 09:01

Đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa.

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi. Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141) có ý kiến đề nghị quy định hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp như luật tố tụng hiện hành. Có ý kiến đề nghị rà soát quy định để không trái với nguyên tắc Tòa án xét xử công khai.

z5482997427439_53d4d8c22e9e5dc8290e3ce6a947c466.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)

Về vấn đề trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp phải bảo đảm: quyền con người, quyền công dân; hoạt động thông tin theo quy định của pháp luật; bảo đảm tôn nghiêm tại phiên tòa, tạo điều kiện cho Hội đồng xét xử điều hành tốt phiên tòa, không bị phân tâm bởi các yếu tố khác.

Theo bà Nga, đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý như khoản 3 và khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật theo hướng: việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp.

z5482997167026_8edc335776c29e9b52eee466eca764f9.jpg
Bà Lê Thị Nga giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật (Ảnh: Quang Vinh)

Bên cạnh đó có một số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, phiên họp trong dự thảo Luật là hẹp hơn so với quy định của các luật tố tụng. Để tạo thuận lợi cho hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp, đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành.

Một số ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Toà án nhân dân tối cao đề nghị quy định khoản 3 Điều 141 như sau: “3. Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định khi có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp”. Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 4 về việc Tòa án ghi âm, ghi hình toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định bảo vệ trụ sở Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp cao trong dự thảo Luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Tại khoản 2 Điều 11 Luật Cảnh sát cơ động quy định:“Chính phủ quy định danh mục mục tiêu bảo vệ do Cảnh sát cơ động bảo vệ”. Trên cơ sở quy định này, Chính phủ ban hành Nghị định số 39/2021/NĐ-CP ngày 30/3/2021 (“kèm theo Danh mục các mục tiêu quan trọng về chính trị do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm canh gác, bảo vệ”, trong đó có “Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao).

Hiện nay, toàn quốc có 3 trụ sở Toà án nhân dân cấp cao. Đây là nơi xét xử nhiều vụ án lớn, phức tạp và cũng là nơi lưu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu mật, nhất là các tài liệu của các vụ án liên quan đến an ninh quốc gia, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng với mức án cao nhất là tử hình.

Căn cứ vào vị trí, vai trò của Toà án nhân dân tối cao, các Toà án nhân dân cấp cao, việc đề xuất bảo vệ trụ sở các Tòa án này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để thống nhất với Luật Cảnh sát cơ động, đa số ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý như khoản 3 Điều 140 dự thảo Luật. Trên cơ sở quy định này và thực tế yêu cầu cần thiết bảo vệ trụ sở Toà án nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung Danh mục các mục tiêu bảo vệ tại Nghị định số 39/2021/NĐ-CP phù hợp với thẩm quyền được Luật Cảnh sát cơ động quy định.

Có ý kiến thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Toà án nhân dân tối cao đề nghị cần quy định bảo vệ Tòa án trong dự thảo Luật. Cụ thể là: trụ sở Toà án nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp cao là mục tiêu quan trọng về chính trị được lực lượng Cảnh sát nhân dân canh gác, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Trụ sở các Tòa án khác được Tòa án bố trí lực lượng bảo vệ. Kinh phí và điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng bảo vệ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Việt Thắng