Phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế
ĐBQH lo lắng khi doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao, nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.
Ngày 29/5, Quốc hội thảo luận cả ngày về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Phát biểu tại hội trường ĐB Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ lo lắng về những tồn tại, đặc biệt là số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường với tỷ lệ cao. Nhiều dự án đầu tư còn dở dang, tài sản công sử dụng chưa hiệu quả.
Đánh giá cao 11 giải pháp Chính phủ trình Quốc hội, đặc biệt là những giải pháp ngắn hạn. Theo đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng có kiểm soát. Chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Chính phủ cũng trình việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, trước mắt là giảm thuế giá trị gia tăng 2%. Cùng với đó tiếp tục cơ cấu nợ, ổn định tỷ giá, ổn định lãi suất kiểm soát lạm phát.
Theo ông Ngân, thế giới ngày nay biến đổi rất nhanh chóng, đặc biệt là trong 5 năm gần đây, kể từ khi có đại dịch Covid-19. Do đó cần phải có những giải pháp tương thích. Kinh tế toàn cầu hiện nay biến động khó lường, khó đoán định, bất định, cơ hội tồn tại rất ngắn. Do đó thể chế phải tăng cường phân cấp, phân quyền để các địa phương phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Giá cả biến đổi nhanh nên thủ tục trong đầu tư công về tổng vốn đầu tư hay thủ tục điều chỉnh quy hoạch cục bộ cần sớm luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù.
Bên cạnh đó, kinh tế thế giới ngày nay xuất hiện nhiều hình thức chạy đua vũ trang, xung đột địa chính trị, cạnh tranh thương mại toàn cầu, cạnh tranh các nước lớn. Do đó, dễ dẫn đến việc đứt gãy chuỗi cung ứng. Do đó, phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Cần quan tâm đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Đặc biệt là tầng lớp trung lưu ngày nay ngày càng tăng. Chúng ta cần phải ưu tiên xúc tiến thương mại đối với thị trường thị trường lân cận, thị trường khu vực ASEAN, thị trường Trung Quốc, thị trường Ấn Độ.
Ông Ngân cũng lo ngại biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường. Cho nên phải lưy ý đến địa phương bị tổn thương nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long. Thế giới cũng yêu cầu hàng hoá xuất khẩu Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí xanh cho nên phải hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, sử dụng năng lượng, nguyên liệu sạch.
Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh chóng, thay đổi thế giới cả trong kinh tế xã hội với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, bigdata tạo ra thách thức lớn với đất nước. Người Việt Nam với trí tuệ thông minh của mình sẽ thích nghi với cách mạng 4.0. Vấn đề là phải có chính sách cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. Và đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề và khoa học công nghệ.
ĐB Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) đề nghị, Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển. Cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Bà Lan cũng kiến nghị, sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.