Xã hội

Mùa bắt ếch đồng ở miền Tây

Nguyên Du 29/05/2024 13:30

Khi cơn mưa đầu hạ trút xuống, những khúc nhạc đồng quê của các loài ếch, nhái lại vang lên rộn ràng khắp cánh đồng miền Tây. Đây chính là thời điểm thích hợp để người dân đi bắt ếch đồng.

Vùng ĐBSCL vừa trải qua mùa khô vô cùng khắc nghiệt, khi những cơn mưa đầu mùa xuất hiện, vùng này như giải được cơn khát đã kéo dài suốt nhiều tháng qua. Đó cũng là lúc những loài động vật lưỡng cư như ếch, nhái lũ lượt chui ra khỏi hang để “tắm mát” và tìm kiếm thức ăn.

3-2-.jpg
Dụng cụ được người “thợ săn” ếch mang theo rất đơn giản, gồm một chiếc đèn pin, một chiếc loa dùng để dẫn dụ ếch.

Nắm bắt được đặc tính này, nhiều người dân đã bắt đầu sắm sửa dụng cụ để đi bắt ếch.

Dụng cụ được người “thợ săn” ếch mang theo rất đơn giản, gồm một chiếc đèn pin, một chiếc loa dùng để dẫn dụ ếch, nhái và một cái bao để đựng “chiến lợi phẩm” là có thể đi săn.

Anh Văn Công Lý, ngụ TP Cà Mau, người có thâm niên nhiều năm gắn bó với nghề săn ếch đồng cho hay, ông bà xưa có nói “Con ếch chết vì cái miệng” nên có thể phân biệt được vị trí của ếch thông qua tiếng kêu. Vì vậy bắt ếch đêm phải lắng nghe để xác định vị trí của con ếch phát ra tiếng kêu một cách chính xác. Trước đây chỉ cần đèn pin và một cái bao là có thể săn ếch. Có người còn sử dụng chỉa để bắt ếch, nhưng dùng chỉa sẽ làm ếch bị thương, bán không có giá cao. Vì vậy, chỉ cần dùng đèn pin thật sáng, khi phát hiện con mồi, mình gọi đèn chiếu thẳng vào con ếch là chúng nằm im ỉm ta chỉ việc lại gần bắt bỏ vào bao.

4(1).jpg
Ếch đồng thường xuất hiện nhiều vào lúc khuya.

Tuy nhiên theo anh Lý chia sẻ, muốn bắt được ếch không phải dễ, vì màu da của ếch sẽ bị lẫn với màu đất, khi soi đèn pin để tìm vị trí của ếch cũng khó để phân biệt vì ngoài ếch ra còn có các con vật khác nhìn khá giống ếch như cóc, nhái, chão chuộc, ngay cả giọt sương cũng phản chiếu lại ánh đèn, phát ra ánh sáng gần giống màu mắt của ếch, những người chưa có kinh nghiệm sẽ bị nhầm lẫn. Nếu là thợ bắt ếch có kinh nghiệm thì dù ếch có ở cách xa khoảng 20 - 30 m cũng dễ dàng phát hiện. Để bắt được nhiều ếch nhái, nhiều người đã nghĩ ra cách thu âm thanh tiếng ếch kêu vào một chiếc loa, chờ khi đêm đến, người “thợ săn” ếch đi ra đồng tìm vị trí đặt chiếc loa rồi bật tiếng ếch kêu để dẫn dụ chúng lại. Khi đó, người “thợ săn” ếch chỉ việc soi đèn “lụm” ếch cho vào bao.

2(3).jpg
Người dân Cà Mau đi bắt ếch đồng đầu mùa mưa.

“Thời gian qua ếch loại 4 – 5 con/kg, có giá 130.000 đồng/kg; nhái thì rẻ hơn, khoảng 70.000 – 80.000 đồng/kg. Nhu cầu người tiêu dùng cao lắm, có hôm không đủ bán. Hôm nào vô mánh tôi kiếm tiền triệu là bình thường, còn tệ lắm cũng được vài ba trăm”, anh Lý nói.

Ông Nguyễn Minh Triều, một “thợ săn” ếch lão luyện ở TP Cà Mau cũng chia sẻ, thông thường, sau những cơn mưa to cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch, những đám ruộng khô có nhiều vũng nước chính là nơi lý tưởng dành cho những con ếch đồng muốn tìm đôi, ghép cặp để giao phối. Đây cũng chính là thời điểm bắt ếch thuận lợi nhất có thể dễ dàng bắt được cả đôi ếch mà không tốn sức.

“Nắm bắt được đặc tính của loài này, khi đêm đến ta đem loa đặt ở vị trí thích hợp rồi bật tiếng kêu, đợi một lúc chúng tụ lại mình tha hồ bắt, chứ đâu cần phải đi tìm từng con như trước đây.”, ông Triều cho biết thêm.

Những ngày này, từ 20 giờ tối cho đến đêm khuya, những ai có dịp đi dọc các cánh đồng ở các địa phương vùng trồng lúa nước ngọt như các xã Khánh Bình, Trần Hợi, Khánh Bình Đông, Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời); xã Tân Lộc (huyện Thới Bình)… dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người đội đèn trên đầu soi gọi ngược xuôi trên đồng, cùng với tiếng ếch, nhái rềnh vang, đó chính là hoạt động bắt ếch mùa mưa của người dân địa phương. Với nhiều người, công việc “săn ếch” như là một sinh kế, giúp họ tăng thu nhập.

1-1-.jpg
Ông Nguyễn Hải Phòng – một người dân ở xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau cho biết, sau những cơn mưa to những đám ruộng khô có nhiều vũng nước chính là nơi lý tưởng dành cho những con ếch đồng muốn tìm đôi, ghép cặp để giao phối.

Ông Nguyễn Hải Phòng, ngụ xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, Cà Mau cho biết: “Mỗi đêm người bắt ếch sẽ bắt được từ 2 – 4kg, giá bán từ 100.000 - 130.000 đồng/kg. Tuỳ vào việc bán lẻ hoặc bán cho thương lái mà giá có thể cao hoặc thấp hơn vài nghìn đồng. Soi ếch mùa mưa được xem là sinh kế của gia đình tôi”.

Ếch có thể chế biến thành nhiều món ăn mà tuổi thơ của bao người dân quê không bao giờ quên được. Ngon nhất có thể kể đến như ếch xào sả ớt, ếch nấu canh chua cơm mẻ, ếch chiên bơ, ếch nấu lá me…tùy thuộc sở thích của mỗi người.

Công việc bắt ếch đôi khi chỉ là niềm vui, cũng có thể là “chén cơm, manh áo” của nhiều gia đình. Nhưng nó đã đem lại thu nhập, giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập trong những cơn mưa đầu mùa.

Nguyên Du