Ông Lê Hoàng Châu: Bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất, bình thường vào năm 2025
Năm 2023 cho thấy thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Dự báo, thị trường bất động sẽ tăng trưởng trở lại bình thường vào năm 2025 trở đi, do “độ trễ” của các chính sách.
Ngày 29/5, tại diễn đàn tài chính – Bất động sản 2024 với chủ đề “Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi”, nhiều ý kiến kỳ vọng thị trường bất động sản sớm phục hồi với những hỗ trợ từ các đạo luật sớm đi vào cuộc sống.
Chính phủ mới đây đã đồng ý với đề xuất đẩy thời gian có hiệu lực của ba bộ luật liên quan (bao gồm Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản) từ ngày 1/7/2024, thay vì ngày 1/1/2025.
Việc ba bộ luật trên có hiệu lực sớm sáu tháng được các chuyên gia đánh giá là một bước đi quan trọng trong nỗ lực củng cố chất lượng thị trường bất động sản hiện đang đối mặt nhiều khó khăn.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), các quy định mới sẽ có tác động tích cực, thúc đẩy tiến trình phục hồi và phát triển trở lại của thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, “Nếu được “tiếp sức” bằng Quốc hội thông qua đối với Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản nỗ lực thực hiện chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông Châu, năm 2023 cho thấy thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Dự báo, thị trường bất động sẽ tăng trưởng trở lại bình thường vào năm 2025 trở đi, do “độ trễ” của các chính sách.
“Nếu cho phép áp dụng sớm cũng như thông qua hai dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội cùng các văn bản hướng dẫn liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, có tính khả thi, sát với thực tiễn thì sẽ xử lý được hầu hết các vướng mắc pháp lý của 148 dự án bất động sản trên địa bàn TPHCM”, ông Châu kỳ vọng.
Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng: “Tôi có thể khẳng định chưa bao giờ mà Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện thể chế như hiện nay. Chưa bao giờ có đạo luật lại muốn được thực hiện sớm hơn như Luật Đất đai năm 2024 sắp được áp dụng. Chưa bao giờ mà cũng một lúc sửa Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản..., Kết quả, dù có độ trễ về mặt chính sách nhưng tất cả những luật sửa đổi nêu trên kỳ vọng sẽ trở thành “trợ lực” hỗ trợ cho thị trường bất động sản tốt hơn”.
Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ thêm, Luật Đất đai 2024 với cơ chế tiếp cận đất đai khác nhau giữa các phân khúc thị trường, song khó hay dễ cũng tùy thuộc vào nhà đầu tư.
“Làm chính sách rất khó và không thể làm hài lòng tất cả. Làm chính sách sẽ nhìn trên cục diện chung của xã hội chứ không nhìn trên nhóm đối tượng. Với thay đổi của các đạo luật như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu đặt ra, doanh nghiệp cần nhìn lại chiến lược và cơ cấu lại sản xuất kinh doanh sao cho phù hợp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan đến thị trường bất động sản, theo báo cáo mới đây của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hơn 80% doanh nghiệp bất động sản ghi nhận tình hình kinh doanh đã cải thiện hơn trong quý I/2024, mức lợi nhuận ước tăng trung bình khoảng 10%.
Một khảo sát khác của VARS cũng cho thấy, khoảng 30% môi giới đã quay trở lại với nghề trong quý I/2024; hơn 68% lực lượng lao động trong ngành bất động sản chuẩn bị quay trở lại khi thị trường diễn biến tích cực; hơn 90% doanh nghiệp bất động sản đã và đang thực hiện tuyển dụng lượng lớn môi giới để phục vụ hoạt động kinh doanh.