Giá lợn hơi tăng, người nuôi phấn khởi
Thông thường vào mùa hè do sức tiêu thụ thịt lợn giảm dẫn đến giá lợn hơi cũng giảm, tuy nhiên năm nay bất chấp nắng nóng, giá lợn hơi vẫn tăng.
Ngày 29/5, các địa phương cả nước đều ghi nhận giá lợn hơi tăng nhẹ, dao động từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Tại thị trường miền Bắc, thương lái tại hầu hết các địa phương đang thu mua lợn hơi với giá quanh mốc 68.000 đồng/kg. Riêng tỉnh Thái Nguyên giá lợn hơi lên tới 70.000 đồng/kg. Thị trường miền Trung - Tây Nguyên trong khoảng 66.000 - 69.000 đồng/kg. Khu vực miền Nam, giá dao động trong khoảng 67.000 - 70.000 đồng/kg…
Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi bắt đầu có lãi sau một thời gia trầm lắng và thua lỗ vì giá lợn hơi thấp. Không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ mà các doanh nghiệp chăn nuôi cũng thắng lớn nhờ giá lợn hơi tăng cao. Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết, giá thành chăn nuôi lợn hiện nay là 55.000 đồng/kg. Với giá xuất chuồng cao vào thời điểm này, lãi 12.000 - 15.000 đồng/kg lợn hơi, mỗi đầu lợi hơi xuất chuồng (100 kg) cho người chăn nuôi lợi nhuận 1,2 - 1,5 triệu đồng.
Năm 2023 giá lợn hơi xuất chuồng bình quân chỉ ở ngưỡng 48.000 - 52.000 đồng/kg, nông dân lỗ 5.000 đồng/kg. Theo ước tính, ở quy mô trang trại, chi phí chăn nuôi lợn vào khoảng 55.000 đồng/kg trở lên, còn chăn nuôi nông hộ khoảng 60.000 đồng/kg. Chăn nuôi trong năm ngoái, cứ 1 con lợn xuất chuồng, hộ nông dân phải chịu lỗ từ 5 - 10 triệu đồng. Nhiều hộ nuôi cả nghìn con lợn, lỗ hàng tỷ đồng, không còn vốn để tái đàn.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, hiện nay tình hình đang thuận lợi cho người chăn nuôi. Cùng với giá đầu ra tăng thì giá thức ăn chăn nuôi đang giảm. Cụ thể, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý I/2024 giảm 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch Covid-19” - theo ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là ngành chăn nuôi lợn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, thức ăn cùng với đó là đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Ngành chăn nuôi còn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu, đặc biệt là nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việt Nam cũng mới chủ động được một phần về con giống, hàng năm vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn từ nước ngoài. Chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ hiện nay vẫn chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học. Trong khi công tác kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và môi trường còn nhiều khó khăn; sản xuất theo chuỗi liên kết từ trang trại đến bàn ăn còn nhiều hạn chế… Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập…
Từ thực trạng trên, Bộ NNPTNT cho biết, sẽ chủ động hơn trong việc cập nhật thông tin, dự báo thị trường trong nước và thế giới để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Tiếp tục ổn định đàn lợn... để phục vụ tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu. Cùng với đó, tăng cường sản xuất theo chuỗi sản phẩm, xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm và chế biến sâu để nâng cao giá trị.