Giải ngân vốn đầu tư công chậm: Hà Tĩnh lập 3 tổ kiểm tra, đôn đốc
Thông tin từ Sở Tài chính Hà Tĩnh, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 của tỉnh còn chậm so với kế hoạch vốn được giao.
Đến thời điểm này, giải ngân vốn đầu tư công của Hà Tĩnh đạt 1.483.271 triệu đồng (bằng 28,3% kế hoạch Thủ tướng giao và bằng 31,6% kế hoạch vốn đã phân bổ). Trong đó: vốn bộ, ngành quản lý giải ngân đạt 209.879 triệu đồng (bằng 25,5% kế hoạch vốn Thủ tướng giao và bằng 24,3% kế hoạch vốn đã phân bổ); vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giải ngân đạt 341.950 triệu đồng (bằng 12,9% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 14% kế hoạch vốn đã phân bổ); vốn ngân sách cấp huyện, cấp xã quản lý giải ngân đạt 931.442 triệu đồng (bằng 52,8% kế hoạch vốn Thủ tướng giao, bằng 67,1% kế hoạch vốn đã phân bổ).
Tại Hà Tĩnh, có 14/24 địa phương, đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư cấp tỉnh quản lý đạt dưới 14% kế hoạch vốn giao (bao gồm cả nguồn năm trước kéo dài thanh toán sang năm 2024). Trong đó có 4 địa phương, đơn vị chưa giải ngân vốn. Có 37 danh mục dự án (bao gồm cả nguồn năm trước kéo dài thanh toán sang năm 2024) chưa giải ngân vốn đầu tư cấp tỉnh quản lý theo các quyết định giao với tổng số vốn là 783.530 triệu đồng.
Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2024 của Hà Tĩnh còn chậm là do vướng mắc về thủ tục đầu tư dự án kéo dài, khó khăn trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng dự án... vì thế chưa đủ điều kiện để tạm ứng vốn hoặc khối lượng hoàn thành để thanh toán. Ngoài ra, các dự án chuyển tiếp bố trí kế hoạch vốn năm 2024 chủ yếu mới được khởi công vào cuối năm 2023, hiện đang tập trung thi công hoàn trả khối lượng tạm ứng kế hoạch vốn năm trước nên chưa có khối lượng để giải ngân kế hoạch vốn 2024.
Mặt khác, một số chương trình, dự án chưa hoàn thiện đủ các thủ tục đầu tư để giao vốn theo quy định. Các dự án ODA ngoài việc thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong nước, còn phải hoàn thiện thêm các hồ sơ, thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân… theo các cam kết với nhà tài trợ dẫn đến quá trình hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư, rút vốn, giải ngân mất nhiều thời gian.
Trước tình thế này, tỉnh Hà Tĩnh phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh tiến trình giải ngân vốn đầu tư công. Mới đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Mỗi tổ do 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Nhiệm vụ của tổ công tác là tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc; phân tích nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công (từ khâu lập chủ trương đầu tư, thiết kế thi công, GPMB, đấu thầu, tổ chức thi công đến nghiệm thu, thanh, quyết toán và bàn giao công trình, dự án đưa vào sử dụng); kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; Đánh giá việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 theo các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh; Kiến nghị UBND tỉnh cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án chậm giải ngân để bố trí cho các dự án có tiến độ triển khai tốt, giải ngân nhanh, các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2024 nhưng chưa được bố trí đủ vốn, nhằm đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao trong niên độ ngân sách năm 2024. Xem xét trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, rà soát, xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công tại từng sở, ban, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu; Báo cáo kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, gửi UBND và Chủ tịch UBND tỉnh trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với mỗi sở, ban, ngành và địa phương.
Trước đó, cuối tháng 4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải nghiêm khắc phê bình chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do chậm triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng cá Thạch Kim (huyện Lộc Hà). Phê bình UBND huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh do chậm hoàn thành công tác bồi thường, GPMB các công trình thuộc Dự án BIIG2 Hà Tĩnh. Phê bình Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Khê vì có tồn tại trong quá trình chuẩn bị dự án, giải phóng mặt bằng làm đội vốn tại dự án đường tỉnh ĐT.553 tăng thêm gần 50 tỷ đồng.