Tinh hoa Việt

Phát triển thiết chế văn hóa và thể thao đáp ứng yêu cầu hội nhập

NAM PHƯƠNG 30/05/2024 10:16

Thời gian qua, lĩnh vực văn hóa, thể thao có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn tồn tại một số điểm nghẽn về chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang tạo nên những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần sớm được tháo gỡ, khắc phục.

3-ok.jpg
Tuần lễ Festival Nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” khai mạc lúc 20h ngày 7/6.

Tại Hội thảo Văn hóa 2024 với chủ đề "Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao" diễn ra hồi trung tuần tháng 5 vừa qua ở Quảng Ninh, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

Cùng với đó là giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tuần lễ Festival Huế 2024 được tổ chức tại Điện Kiến Trung
Lần đầu tiên chương trình Khai mạc Tuần lễ Festival Huế được tổ chức tại Điện Kiến Trung, Đại Nội Huế - cung điện quan trọng trong hệ thống các cung điện của triều Nguyễn. Theo đó, chương trình Khai mạc Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra vào lúc 20h ngày 7/6. Đây là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động sôi nổi của Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024, kéo dài từ ngày 7 đến 12/6.
Chương trình được dàn dựng công phu, kết hợp hiệu ứng âm thanh, công nghệ chiếu sáng tiên tiến và pháo hoa nghệ thuật sẽ đem đến cho công chúng những cảm xúc mới lạ. Những tinh hoa của Cố đô Huế như Nhã nhạc cung đình Huế, múa Lục cúng hoa đăng hay những hình ảnh Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế... sẽ được tỏa sáng qua phần dàn dựng kết hợp trình chiếu Laser, Led Matrix, Hologram, 3D Mapping trên nền sân khấu nghệ thuật bán thực cảnh ở Điện Kiến Trung.
Theo Ban Tổ chức Festival Huế 2024, đến nay đã có 11 Đoàn Nghệ thuật quốc tế của 7 quốc gia trên thế giới đăng ký tham gia biểu diễn trong Tuần lễ Festival Huế 2024.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ những thiết chế văn hóa, thể thao nghèo nàn, lạc hậu, nhiều lúc, nhiều nơi bị lãng quên, hoạt động khép kín, biệt lập, thiếu kết nối, thậm chí xa rời với mục tiêu ban đầu, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, các thiết chế văn hóa, thể thao mới góp phần kiến tạo nên những cảnh quan phát triển vừa hiện đại, vừa mang bản sắc của các địa phương, góp phần tạo nên diện mạo rất đặc trưng cho không gian kiến trúc đô thị và nông thôn mới.

Tuy nhiên, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập; tồn tại những nghịch lý, khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục: Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối "nhỏ giọt, ăn đong"; trong khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu; thì vẫn có một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí "bỏ hoang", gây ra lãng phí lớn.

Nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại song do không hoạt động hiệu quả đã nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian "sáng đèn"; kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhìn chung rất hạn hẹp, nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng.

Bộ máy hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao kém hiệu quả; nguồn nhân lực cả chuyên môn và quản lý đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thỏa đáng. Công tác hướng dẫn và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được coi trọng, thiếu tính chủ động, sáng tạo…

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, những năm qua, các thiết chế văn hóa, thể thao đã từng bước được hoàn thiện, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội; cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm, tăng cường đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động, chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động từng bước được nâng lên; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội.

Đồng thời, quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế, pháp luật liên quan đến thiết chế văn hóa, thể thao ngày càng được quan tâm, chú trọng. Tính đến nay, đã có các Luật: Điện ảnh, Di sản văn hóa, Thư viện, Thể dục thể thao, Quản lý, sử dụng tài sản công, Đầu tư, Đất đai; hơn 50 Nghị định, 14 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trên 100 Thông tư, Thông tư liên tịch đã được ban hành có liên quan trực tiếp đến đầu tư, xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao…

Đối với các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định đó là do nhiều địa phương trong cả nước đã tiến hành sáp nhập, hợp nhất các đơn vị tương đồng vào trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa-thể thao cấp huyện nhưng chưa có hướng dẫn, các chính sách về quy hoạch, về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa và thể thao còn nhiều bất cập, số lượng nguồn nhân lực làm việc tại các thiết chế văn hóa và thể thao còn hạn chế, một số nội dung về hoạt động của các thiết chế văn hóa và thể thao chưa được điều chỉnh theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay…

TS Lê Minh Nam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một số điểm nghẽn về chính sách đối với các đơn vị sự nghiệp công lập đang tạo nên những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần sớm được tháo gỡ, khắc phục. Trong đó cần xem xét cả chính sách hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao do đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật chung về PPP.

TS Lê Minh Nam đề xuất tập trung đánh giá toàn diện thực trạng các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật đối với hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập trên phạm vi toàn quốc để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Theo ông, cần tạo nền tảng môi trường pháp lý chung thống nhất, đồng bộ, hiệu lực giúp các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng chiến lược, kế hoạch triển khai giải pháp áp dụng cho phù hợp với từng cơ quan, đơn vị. Đây cũng là cơ sở pháp lý để cơ quan có thẩm quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước cũng như xem xét áp dụng chính sách khuyến khích, thúc đẩy đối với các đối tượng này. Bên cạnh đó, cần rà soát hoàn thiện quy hoạch tổng thể, đồng thời kiện toàn tổ chức bộ máy; áp dụng các giải pháp quản trị nội bộ hiệu quả cụ thể, phù hợp với điều kiện và tình hình mới; đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn, chuẩn mực quản trị quốc tế. Đồng thời, cần nghiên cứu, đánh giá nhằm phân loại, tách bạch lĩnh vực, hoạt động có khả năng thực hiện PPP hoặc phải sử dụng nguồn lực công hay theo mô hình hỗn hợp/kết hợp.

Bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật Việt Nam tiêu biểu sau ngày đất nước thống nhất
Bộ VHTTDL vừa tổ chức phát động bình chọn 50 tác phẩm văn học, nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất, với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước". Theo quy chế đưa ra, 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam tiêu biểu, xuất sắc sau ngày đất nước thống nhất (đã được công bố, sử dụng dưới hình thức xuất bản, dàn dựng và biểu diễn phục vụ công chúng) được bình chọn là những tác phẩm nổi bật của các tác giả là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập, lao động tại Việt Nam, được sáng tác tính từ tháng 5/1975 đến ngày 30/4/2024.
Thời gian gửi tác phẩm bình chọn từ tháng 6/2024 đến ngày 31/12/2024, ở địa chỉ: Phòng Văn học, Cục Nghệ thuật biểu diễn (32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Thời gian bình chọn của Hội đồng Sơ khảo diễn ra từ ngày 1/1 - 15/3/2025, và của Hội đồng Chung khảo từ ngày 16/3 - 15/4/2025.
Trong 50 tác phẩm được bình chọn, sẽ có 15 tác phẩm văn học thuộc các thể loại tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn, tập thơ; 15 tác phẩm sân khấu thuộc các thể loại kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca kịch; 10 tác phẩm âm nhạc thuộc các thể loại giao hưởng, hợp xướng, nhạc kịch, ca khúc; 10 tác phẩm múa thuộc các thể loại: thơ múa, tổ khúc, kịch múa.
Lễ tổng kết và vinh danh 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sẽ diễn ra dịp 30/4/2025.
P.V

NAM PHƯƠNG