PGS.TS Trần Mạnh Trí: Hóa học giúp tôi đi vào tận cùng bản chất vấn đề
Cởi mở, gần gũi và chân thành là những ấn tượng khi trò chuyện với PGS.TS Trần Mạnh Trí - người vừa được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024.
“Học hóa đối với tôi là đi vào tận cùng bản chất vấn đề. Tôi hay so sánh với vật lý hay sinh học, vật chất có thể cầm nắm được, nhưng sâu thẳm để tạo nên vật chất là cấp nguyên tử, phân tử. Hóa học cho phép tôi khám phá tận gốc của những cấu tạo vật thể. Vì thế tôi cũng luôn xây dựng tư duy từ tận gốc của vấn đề, giống như đi tìm tận cùng bản chất của hóa học”, PGS.TS Trần Mạnh Trí chia sẻ.
PV: Thưa, ông có thể giới thiệu khái quát về cụm công trình đạt giải lần này?
PGS.TS TRẦN MẠNH TRÍ: Đây là một cụm công trình nghiên cứu khoa học cơ bản thuộc lĩnh vực hóa học. Những công trình này đã được công bố trên các tạp chí khoa học thuộc top 5% hàng đầu thế giới theo các chuyên ngành ngành: kỹ thuật môi trường, độc học và sức khỏe.
Nội dung chính của cụm 3 công trình nghiên cứu là phát triển các phương pháp phân tích chính xác các hợp chất hữu cơ tổng hợp có khả năng gây rối loạn nội tiết mới nổi, nhóm phthalate và siloxane trong môi trường không khí và nước, dựa trên các thiết bị phân tích hiện đại.
Phthalate và siloxane được biết đến là các phụ gia được sử dụng rất phổ biến với hàm lượng lớn (lên tới vài phần trăm về khối lượng) trong các sản phẩm thương mại như các vật liệu bằng nhựa, vật dụng gia đình, đồ chơi trẻ em, sản phẩm chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, dược phẩm, thẩm mỹ… Trong quá trình sử dụng các sản phẩm có chứa phthalate và siloxane, các hóa chất này có thể thải ra môi trường nói chung trong đó có không khí và nước.
Chẳng hạn, ngay tại nhà ở, các hóa chất này có thể phát tán vào không khí từ các vật dụng trong gia đình, khi chúng ta hít thở, thì có thể hấp thu nó. Tương tự, đối với đường nước uống, nếu không thể loại bỏ được, người dùng cũng có thể hấp thu các hóa chất này.
Trong khi đó, những kết quả nghiên cứu gần đây trên động vật phòng thí nghiệm, đã có những bằng chứng cho thấy, phthalate và siloxane có những độc tính, có thể làm thay đổi hệ nội tiết, hormone sinh sản (estrogen), hormone sinh trưởng và hệ vận động, vì vậy chúng được đưa vào nhóm các hóa chất gây rối loạn nội tiết mới nổi.
Cộng đồng khoa học đặc biệt quan tâm về hai nhóm hợp chất này. Tuy nhiên, cho đến nay những hiểu biết về độc tính đối với con người, nguồn gốc và khả năng phát tán của chúng vào môi trường vẫn còn rất hạn chế tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Ý tưởng của ông khi thực hiện cụm công trình này được bắt nguồn từ đâu?
- Tôi được đào tạo và theo đuổi hướng nghiên cứu phát triển các phương pháp hiện đại để phân tích các hợp chất hợp chất hữu cơ. Vì thế, tôi luôn mong muốn tiếp tục phát triển theo hướng nghiên cứu này với đối tượng là các nhóm hợp chất hữu cơ có độc tính phát tán trong các môi trường khác nhau.
Xuất phát từ thực tiễn hiện nay, những chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) hay các kim loại đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu, tuy nhiên những thông tin hiểu biết về phương pháp phân tích và mức độ ô nhiễm do chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết mới nổi (do con người tổng hợp ra để sử dụng vào cuộc sống hàng ngày) vẫn còn rất hạn chế.
Vì thế, trong thời gian tham gia thực tập sau tiến sĩ tại Hoa Kỳ, hướng nghiên cứu hợp chất hữu cơ gây rối loạn nội tiết này đã manh nha trong suy nghĩ của tôi.
Hiện tại công trình nghiên cứu đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
- Bên cạnh những ý nghĩa về phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản, một trong những giá trị thực tiễn nổi bật của công trình, giúp định hướng để chế tạo các vật liệu tiên tiến, thiết bị hiện đại, có thể tự động hóa với mục tiêu làm sạch môi trường không khí (đặc biệt là không khí trong nhà) và nguồn nước.
Các kết quả nghiên cứu này không chỉ mới tại Việt Nam, mà còn có ý nghĩa khoa học sâu sắc và đóng góp cơ sở dữ liệu nền quan trọng giúp phát triển các nghiên cứu chuyên sâu trên thế giới.
Để đạt được những kết quả như ông vừa nói, chắc hẳn ông và nhóm nghiên cứu của mình đã phải trải qua nhiều khó khăn?
- Đề tài nghiên cứu này được lên ý tưởng từ năm 2017, nhưng phải đến năm 2019 tôi cùng nhóm nghiên cứu mới tiến hành thu thập mẫu nghiên cứu tại khu vực Hà Nội và vùng lân cận một cách bài bản và công phu. Khi thực hiện nghiên cứu chúng tôi cũng phải chấp nhận nhiều rủi ro. Chỉ một sơ sẩy nhỏ, có khi cả thầy và trò lại phải làm lại từ đầu.
Chẳng hạn, trong giai đoạn Covid-19, để đi lấy mẫu được đã khó, mất từ 2-3 ngày, nhưng chỉ vì bảo quản mẫu không đủ mát, bị hỏng, thầy và trò lại phải đi lấy lại.
Hoặc những hóa chất, thiết bị ở Việt Nam không có, phải đặt mua ở nước ngoài, qua rất nhiều khâu phức tạp; lúc hỏng hóc cần sửa chữa cũng phải chờ đợi kinh phí...
Cũng có những lúc, tôi có cảm giác không thể vượt qua nổi, nhưng rồi lại vẫn đứng vững.
Ngoài ra, ở nước ta, để làm được một công trình nghiên cứu không phải là điều đơn giản. Nguyên nhân đến từ nhiều phía, đặc biệt là sự thiếu thốn về các vật liệu, hóa chất, trang thiết bị. Khi làm công trình này, tôi đã phải nhờ bạn ở nước ngoài đặt cho hai thiết bị để bơm mẫu. Mặc dù là hai thiết bị rất nhỏ, nhưng gửi về từ nước ngoài bị chặn lại ở cửa hải quan rất lâu. Từ khi trả tiền đến lúc nhận được thiết bị phải mất gần 3 tháng.
Ông đã vượt qua những khó khăn bằng cách nào?
- Tôi luôn duy trì ý chí và nghị lực của bản thân ở trạng thái cao nhất. Và luôn nói với mình rằng không được ngại thử thách, khó khăn. Vì để làm nên thành công thì sự kiên trì, bền bỉ là rất quan trọng.
Hầu như mọi mục tiêu đề ra, tôi đều quyết tâm không từ bỏ mà luôn cố gắng hoàn thành, cho dù có thất bại thì từ đó mới rút được kinh nghiệm để đạt được thành công.
Theo đuổi hóa học đã gần 30 năm, vậy con đường của ông đến với bộ môn này như thế nào?
- Con đường đến với hóa học của tôi không phải là một con đường bằng phẳng. Bắt đầu từ khi được tiếp xúc với môn Hóa, tôi đã cảm thấy hứng thú với môn học này.
Tuy nhiên, do điều kiện khi xưa còn nhiều khó khăn, các trường ở vùng quê tôi (huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) khi ấy thường chỉ tập trung giảng dạy các môn chính (Toán, Văn), nên kiến thức về môn Hóa của tôi không thực sự tốt, nhiều bài tập Hóa học không biết cách giải.
Chỉ đến khi học lớp 9, chuyển trường từ quê xuống thị xã (nay là TP Tuyên Quang), tôi mới được tiếp xúc với môn học này nhiều hơn, được bạn bè, thầy cô chỉ dạy nhiều hơn. Nhờ đó, tôi cũng đặt mục tiêu thi vào trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh và quyết tâm theo đuổi tình yêu đối với Hóa học.
Kể từ những bước đầu tiên đó, trong tôi được hun đúc một tình yêu dành cho môn học này. Nên thậm chí khi đăng ký thi đại học tôi cũng chỉ muốn thi Hóa (cười). Mặc dù lúc đó tôi đã được tuyển thẳng vào cao đẳng, được động viên thi vào những ngành hot ngày đó như Bưu chính viễn thông, nhưng tôi đã cố gắng hết mình để được về Hà Nội học.
May mắn là tôi đã đỗ vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) và gắn bó với ngôi trường này cho đến bây giờ.
Với ông, điều thú vị ở hóa học là gì?
- Học hóa đối với tôi là đi vào tận cùng bản chất vấn đề. Tôi hay so sánh với vật lý hay sinh học, vật chất có thể cầm nắm được, nhưng sâu thẳm để tạo nên vật chất là cấp nguyên tử, phân tử. Hóa học cho phép tôi khám phá tận gốc của những cấu tạo vật thể. Vì thế tôi cũng luôn xây dựng tư duy từ tận gốc của vấn đề, giống như đi tìm tận cùng bản chất của hóa học.
Theo quan sát của ông thì việc nghiên cứu khoa học cơ bản hiện nay của chúng ta còn tồn tại những khó khăn gì?
- Ở lĩnh vực của tôi, hiện nay tôi thấy những nghiên cứu ở Việt Nam vẫn tương đối nhỏ lẻ, ít có nghiên cứu dài hơi. Nên khi tìm kiếm tài liệu thì có thể thấy những nghiên cứu cho ra kết quả như vậy nhưng tìm tiếp những tài liệu liên quan thì không có.
Có lẽ chúng ta đang có một khoảng trống nghiên cứu một cách dài hơi và cần được đầu tư hơn để nghiên cứu chuyên sâu.
Ông có thể chia sẻ về những dự định nghiên cứu sắp tới?
- Trong thời gian tới tôi vẫn sẽ mở rộng nghiên cứu của mình ở những đối tượng khác, ở môi trường khác, chẳng hạn sự phân bố của các nhóm chất phthalate và siloxane trong các vi môi trường khác nhau.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu mạnh của chúng tôi về quan trắc hợp chất hữu cơ trong môi trường sẽ hướng đến đăng ký giải pháp hữu ích, kết quả sẽ định hướng triển khai và ứng dụng, song hành cùng công bố quốc tế.
Trân trọng cảm ơn ông!
Từ năm 2014, Giải thưởng Tạ Quang Bửu được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học có thành tựu nổi bật. Giải thưởng mang tên cố giáo sư Tạ Quang Bửu - một trong những người đặt nền móng xây dựng và phát triển các lĩnh vực khoa học trong nước. Năm nay, giải thưởng đã được trao cho hai nhà khoa học là TS Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và PGS.TS Trần Mạnh Trí - Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội).