Thuốc đắng dã tật...
Sau khi Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố những chỉ số không mấy tích cực về du lịch Việt Nam, Cục Du lịch quốc gia (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) đã lên tiếng, cho biết WEF đã tính toán lại điểm số và xếp hạng Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2019 và 2021 theo bộ chỉ số mới của năm 2024. Theo đó, nhiều chỉ số của du lịch Việt Nam tốt hơn.
Chỉ số phát triển Du lịch và Lữ hành năm 2024 của WEF là một báo cáo tổng hợp, gồm 5 nhóm với 17 chỉ số đánh giá về năng lực phát triển ngành du lịch và lữ hành của 119 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 17 chỉ số này lại được tính toán từ nhiều chỉ số nhỏ hơn. Năm nay, Chỉ số phát triển Du lịch và Lữ hành của Việt Nam đứng thứ 59/119 với điểm trung bình 3,96/7. Đây là sự tụt hạng đáng kể so với năm 2022, khi Việt Nam đứng thứ 52/117 với điểm trung bình 4,1/7.
Cũng cần nhắc lại, ngày 5/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024. Trong đó có mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu thứ hạng năng lực phát triển Du lịch và Lữ hành của WEF tăng ít nhất 2 bậc.
Như vậy là cho tới nay mục tiêu không đạt được, thay vào đó là “rớt hạng”. Tuy nhiên, đi vào cụ thể còn đáng lo ngại hơn khi mà kết quả xếp hạng du lịch của WEF có 2 chỉ số của ngành du lịch Việt Nam bị xếp ở vị trí “bét bảng”: 119/119 nền kinh tế toàn cầu được khảo sát.
Chỉ số thứ nhất là Hệ số nhân GDP từ du lịch và lữ hành, có nghĩa là tỷ lệ giữa GDP gián tiếp và phát sinh từ du lịch so với GDP đóng góp trực tiếp từ du lịch và lữ hành. Chỉ số thứ hai là Hệ số nhân việc làm từ du lịch và lữ hành, được hiểu là tỷ lệ giữa việc làm gián tiếp và phát sinh từ du lịch so với việc làm đóng góp trực tiếp từ du lịch và lữ hành.
Tóm lại, hai chỉ số nêu trên là nói về mức đóng góp của ngành du lịch vào tỷ trọng GDP (đo mức độ tác động kinh tế) và tỷ lệ việc làm gián tiếp (đo mức độ tác động xã hội). Tỉ lệ quá nhỏ số lượng việc làm gián tiếp cho thấy tác động lợi ích xã hội của ngành du lịch chưa cao. Nói cách khác là ít tạo ra công ăn việc làm hay cơ hội việc làm cho xã hội, người dân địa phương không được hưởng lợi nhiều. Trong khi lực lượng lao động du lịch Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhóm trực tiếp làm việc trong các khu vực khách sạn, lữ hành, khu điểm du lịch.
Lâu nay, chúng ta đã quen với việc được nhiều tổ chức du lịch quốc tế đánh giá tích cực để rồi coi điều đó như một lẽ đương nhiên. Nhiều ý kiến từ giới quản lý du lịch cho rằng tới nay Việt Nam đã là điểm đến của thế giới. Vui vì được đánh giá cao nhưng cũng không nên vì thế mà chủ quan, không nên chỉ thích “uống nước đường” mà không chịu “uống thuốc”. Người xưa dặn rằng, “thuốc đắng dã tật...” với hàm ý thuốc đắng thì khó uống nhưng chữa được bệnh. Cũng như “sự thật mất lòng”, lời nói thật khó nghe nhưng hữu ích để nhìn lại mình mà tự sửa. Điều đó chỉ có lợi cho mình mà thôi.
Trở lại với xếp hạng của WEF, trong đó có những chỉ số không vui cho du lịch và lữ hành Việt Nam. Nhưng thiết nghĩ đó cũng là “viên thuốc đắng” cần uống. Nếu như đã quen “uống nước đường” thì nay nếu chịu uống “viên thuốc đắng” sẽ rất có ý nghĩa.
Nhân đây, nói về du lịch và lữ hành Thái Lan, láng giềng của Việt Nam, cũng nằm trong số quốc gia bị WEF đánh tụt hạng đợt này: đứng ở vị trí 47/119, tụt hơn 10 bậc so với xếp hạng công bố năm 2022. Sau kết quả này, Hiệp hội Du lịch Thái Lan và các hiệp hội du lịch khác thuộc Liên đoàn Hiệp hội Du lịch Thái Lan đã đệ trình Sách Trắng lên Bộ trưởng Du lịch nước này, đòi hỏi một kế hoạch cấp bách để khắc phục. Có nghĩa là họ không phản ứng với xếp hạng của WEF mà lập tức xem lại mình, tìm nguyên nhân tụt hậu từ chính mình.
Một con số so sánh: Tính từ ngày 1/1 đến ngày 26/5 năm nay, Thái Lan ghi nhận 14,3 triệu khách du lịch quốc tế, trong mục tiêu đón 40 triệu lượt khách nước ngoài của cả năm. Còn Việt Nam, cùng thời điểm, đón 7,6 triệu lượt khách quốc tế trong mục tiêu từ 17 đến 18 triệu lượt của cả năm.