Kinh tế

Kiểm toán nhà nước với vai trò là công cụ nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia

MT 31/05/2024 11:01

Đó là chủ đề bài tham luận quan trọng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam tại Diễn đàn Kinh tế SPIEF lần thứ 27 sẽ diễn ra ở St.Peterburg, Liên bang Nga từ ngày 05-08/6/2024.

445-202405310824421.jpg
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự SPIEF lần thứ 26. Ảnh: ST

Đây là lần đầu tiên, Đoàn công tác của KTNN Việt Nam tham dự hội nghị. Đoàn công tác sẽ do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Trưởng đoàn.

Cầu nối tăng cường sự hiểu biết và hợp tác

Diễn đàn SPIEF được Liên bang Nga khởi động từ năm 1997. Mục tiêu ban đầu của Diễn đàn là để thu hút đầu tư nước ngoài, thảo luận về chính sách kinh tế và xây dựng hình ảnh một nước Nga mở cửa cho hoạt động kinh doanh sau khi Liên Xô tan rã. Với quy mô như vậy, SPIEF được xem là "Diễn đàn kinh tế Davos của Nga".

Đến năm 2005, Diễn đàn được tổ chức dưới sự bảo trợ của Tổng thống Liên bang Nga. Đại biểu tham dự Diễn đàn bao gồm: Các nguyên thủ quốc gia/chính phủ, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp và cộng đồng khoa học. Sau 26 năm tổ chức, SPIEF đã tạo lập vị thế là diễn đàn trao đổi hàng đầu thế giới giữa các đại diện của cộng đồng doanh nghiệp; tập trung vào các thách thức chính trong chương trình nghị sự toàn cầu về kinh tế cũng như các vấn đề về phát triển bền vững mà Liên bang Nga và các quốc gia đối tác gặp phải trong bối cảnh quốc tế đầy biến động hiện nay.

Ông Grigory Trofimchuk - chuyên gia về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học “Ý tưởng Á - Âu” - đánh giá, những năm gần đây, tầm quan trọng của Diễn đàn SPIEF ngày càng được nâng lên, trong bối cảnh tình hình toàn cầu gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhu cầu giữ cho các hệ thống kinh tế ở trạng thái ổn định. SPIEF đã cung cấp một không gian tuyệt vời để đối thoại, thảo luận về các chủ đề kinh tế cấp bách và củng cố các mối quan hệ kinh doanh. Đồng thời, mang đến cơ hội tìm kiếm đối tác với mục đích đảm bảo tăng trưởng kinh doanh ở Nga và nước ngoài.

Diễn đàn SPIEF lần thứ 26 năm 2023 đã minh chứng: Bất chấp “sự hỗn loạn” của kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia đã sẵn sàng xây dựng những cầu nối để tăng cường sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau. SPIEF lần thứ 26 đã thu hút hơn 17.000 đại diện từ 130 quốc gia trên thế giới tham gia diễn đàn và vòng kết nối. Hơn 900 thỏa thuận trị giá hơn 3.800 tỷ rúp (45,4 tỷ USD) đã được ký kết tại Diễn đàn.

Ông Grigory Trofimchuk cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các đối tác chiến lược toàn diện, có vai trò to lớn và ngày càng tăng trong các dự án chung, trong đó có khu vực thương mại tự do của Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU). Đối với SPIEF 2024, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia đóng góp kinh nghiệm và mô hình giải quyết vấn đề, duy trì sự ổn định và bền vững của nền kinh tế. "Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể mang đến những ví dụ về khả năng phục hồi cao và khả năng đạt được mục tiêu đề ra trong mọi điều kiện" - chuyên gia nhấn mạnh.

KTNN Việt Nam lần đầu tham luận tại SPIEF

Năm 2024, SPIEF lần thứ 27 được tổ chức với chủ đề “Cơ sở của đa cực - sự hình thành các trung tâm tăng trưởng mới", với nhiều nội dung và lĩnh vực liên quan đến việc đảm bảo hoạt động bình thường của nền kinh tế vĩ mô, bao gồm sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và đổi mới - là nền tảng cho các tiến bộ kỹ thuật.

Đặc biệt, theo sáng kiến của KTNN Liên bang Nga, Diễn đàn SPIEF lần thứ 27 sẽ tổ chức một phiên đặc biệt, trao đổi, thảo luận về các vấn đề và thách thức gặp phải khi triển khai các phương pháp kiểm toán mới, quá trình chuyển đổi của cơ quan kiểm toán tối cao; vai trò của các kiến nghị, cũng như những thành tựu của cơ quan kiểm toán tối cao trong việc xây dựng hệ thống hành chính công hiệu quả và phát triển bền vững quốc gia...

445-202405310824422.jpg
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ chủ trì cuộc họp Đoàn công tác của KTNN tham dự Diễn đàn SPIEF lần thứ 27 tại Liên bang Nga. Ảnh: M.THÚY

Lần đầu tiên tham dự Diễn đàn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ sẽ phát biểu tham luận với chủ đề "KTNN với vai trò là công cụ nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia", nêu rõ ưu tiên của Việt Nam trong phát triển quốc gia, cũng như vai trò của KTNN trong thực hiện các ưu tiên phát triển quốc gia. Trong những năm qua, KTNN đã thực hiện tốt vai trò là một cơ quan uy tín, độc lập, khách quan thực hiện đánh giá, giám sát để kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế và đưa ra những kiến nghị nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, minh bạch hóa trong việc sử dụng tài chính công, tài sản công, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục đích thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Chính phủ.

KTNN đã tập trung lựa chọn và triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán chuyên đề về công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... Các chủ đề kiểm toán đều là các vấn đề “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tác động tiêu cực tới môi trường, kinh tế, xã hội, được Quốc hội, Chính phủ, người dân quan tâm, như: kiểm toán công tác quản lý tài nguyên đất, nước, khoáng sản; kiểm toán môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; kiểm toán việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Để có thể triển khai, thực hiện kiểm toán các ưu tiên phát triển quốc gia một cách có hiệu quả và thực sự trở thành công cụ hữu hiệu nhằm đạt được các ưu tiên phát triển quốc gia, KTNN Việt Nam hiện thực hóa các kế hoạch, định hướng bằng nhiều hành động cụ thể, như: Xây dựng lộ trình triển khai kế hoạch kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng, triển khai kiểm toán công tác chuẩn bị trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ, nhằm đánh giá mức độ hiệu quả, hiệu lực đối với các nỗ lực của Chính phủ trong việc áp dụng các mục tiêu phát triển bền vững vào bối cảnh của Việt Nam, cũng như duy trì, đảm bảo các nguồn lực, năng lực cần thiết và thiết lập một cơ chế giám sát, theo dõi, đánh giá và báo cáo tiến độ thực hiện Chương trình nghị sự 2030...

KTNN Việt Nam đẩy mạnh các nội dung liên quan đến đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục cho đội ngũ kiểm toán viên; ưu tiên nguồn lực về con người, tài chính, thời gian triển khai hoạt động kiểm toán nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu kiểm toán các chương trình, dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường; nghiên cứu, xem xét việc mời các chuyên gia từ các cơ quan kiểm toán tối cao có kinh nghiệm về kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững sang Việt Nam, để thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức hoặc tư vấn, phối hợp với KTNN trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, thực hiện kiểm toán.

MT